Thứ Năm, 23/12/2010 10:02

Vài suy nghĩ về bốn năm Việt Nam gia nhập WTO

Sau 11 năm chuẩn bị, trong đó có 8 năm đàm phán, cuối năm 2006 Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO). Ngày 7-11-2006, Đại hội đồng Tổ chức Thương Mại Thế giới đã họp phiên họp đặc biệt để thông qua các văn kiện gia nhập WTO của Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn nghị định thư gia nhập WTO ngày 28-11-2006 và ngày 11-1-2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO.

Các lĩnh vực quan trọng nhất mà Việt Nam đã cam kết gồm: mở cửa thị trường thông qua cắt giảm các hàng rào thuế quan; chính sách giá cả minh bạch, không phân biệt đối xử; giảm hoặc điều chỉnh lại thuế xuất khẩu đối với một số hàng hóa; không áp dụng trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản; duy trì hỗ trợ nông nghiệp trong nước ở mức không quá 10% giá trị sản lượng; bãi bỏ hoàn toàn các loại trợ cấp công nghiệp bị cấm từ thời điểm gia nhập; tuân thủ Hiệp định về Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIM) của WTO; áp dụng các loại phí và lệ phí theo quy định của WTO; tuân thủ Hiệp định về xác định trị giá tính thuế hải quan của WTO; tuân thủ Hiệp định về kiểm tra trước khi giao hàng cũng như các Hiệp định có liên quan khác của WTO; duy trì hệ thống thủ tục hải quan thống nhất, minh bạch, đơn giản và phù hợp với chuẩn mực quốc tế; chấp nhận điều khoản về nền kinh tế phi thị trường trong thời gian tối đa là 12 năm; cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán, dịch vụ thuế;...

Gia nhập WTO là một cột mốc hội nhập trọng đại của Việt Nam, đó không phải là cột mốc đầu tiên cũng chẳng phải là cột mốc cuối cùng của sự hội nhập. Gia nhập WTO đã mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong 4 năm qua và trong tương lai.

Gia nhập WTO cũng khiến nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức. Không may cho Việt Nam là cùng lúc đó khủng hoảng kinh tế đã ngấm ngầm và bùng phát không lâu ngay sau đó, càng làm cho các thách thức thêm gay gắt.

Có nhiều ý kiến cho rằng Việt nam chưa tận dụng tốt những cơ hội mà việc gia nhập WTO mang lại trong hơn ba năm qua. Ngược lại các thách thức ngày càng tăng (thí dụ, nhập siêu từ Trung Quốc tăng quá nhanh và trở nên quá lớn, các doanh nghiệp FDI sau một thời gian dài được ưu đãi để chuyển giao công nghệ, nhưng không thực hiện, nay lại quay sang nhập hàng về để bán tại Việt Nam...).

Đấy là những ý kiến có cơ sở và đáng suy ngẫm để rút ra các bài học. Có người còn cho rằng chúng ta đã biến các cơ hội thành những thách thức.

Có ý kiến cho rằng Việt Nam hội nhập một cách bị động. Không hoàn toàn vậy.

Nhìn chung,Việt Nam đã rất chủ động trong việc hội nhập kinh tế, tuy có thời điểm, có lĩnh vực chúng ta còn bị động thật và cũng khó tránh khỏi.

Đôi khi khá chủ động, nhưng theo cách sai lầm và không mang lại hiệu quả. Thí dụ nổi bật là với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo cam kết WTO, các DNNN sẽ hoàn toàn hoạt động theo tiêu chí thương mại, Nhà nước không can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào hoạt động của DNNN. Biết trước như vậy, nên Việt Nam đã “chủ động” củng cố các DNNN bằng cách “thí điểm” lập các tập đoàn kinh tế nhà nước ngay trước ngưỡng cửa gia nhập WTO. Tuy nhiên, nhà nước vẫn can thiệp quá sâu vào và quá ưu ái cho chúng, chưa buộc chúng hoạt động theo tiêu chí thương mại, chưa buộc chúng phải cạnh tranh mạnh mẽ. Và kết quả thật nhỡn tiền với sự đổ vỡ của Vinashin vừa qua.

Nhiều luật đã được ban hành phù hợp với các cam kết WTO, nhưng việc thực thi chúng còn có rất nhiều vấn đề (nhất là về cam kết minh bạch).

Đôi khi chúng ta quá gương mẫu bằng cách thực hiện sớm hơn cam kết, thực hiện vượt quá cam kết về mở cửa thị trường, về cắt giảm thuế và chưa sử dụng hết các biện pháp được phép tiến hành nhằm phát huy các cơ hội và hạn chế các thách thức.

Đã có nhiều báo cáo, hội thảo về tác động của việc gia nhập WTO sau 1 năm, 2 năm và 3 năm. EU có hẳn một “Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên Giai đoạn III (EU-Việt Nam MUTRAP III) hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội và Chương trình Hành động Hậu WTO nhằm tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm nghèo thông qua hội nhập mạnh mẽ hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu. Và trong khuôn khổ dự án đã có những nghiên cứu, hội thảo về tác động của gia nhập WTO. Các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng thế giới, UNDP cũng đã phối hợp với các cơ quan hữu trách Việt Nam có những nghiên cứu và hội thảo như vậy.

Gần đây nhất, tháng 5-2010 Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã có một báo cáo chi tiết (gần 150 trang) về “tác động của hội nhập kinh tế quốc tế sau ba năm Việt Nam gia nhập WTO”.

Những phân tích của các báo cáo này rất chi tiết. Vì các vấn đề hội nhập là rất phức tạp, nên đôi khi chúng ta bị ngập trong quá nhiều kiến nghị mà tất cả đều xác đáng nhưng lại khó nhìn ra cái chính khỏi hàng loạt cái xác đáng nhưng chỉ là phụ, tức là chưa có sự xếp ưu tiên các khuyến nghi với những căn cứ vững chắc.

Trung Quốc đã tận dụng các thách thức gia nhập WTO để buộc các doanh nghiệp phải thích ứng, lấy “áp lực bên ngoài” để thúc đẩy “cải tổ bên trong”, thí dụ buộc các doanh nghiệp phải minh bạch (qua niêm yết chẳng hạn) và tạo điều kiện và buộc chúng phải cạnh tranh. Có lẽ Việt Nam chưa học được bài học tốt này của Trung Quốc.

Nhà nước nên làm đúng việc của nhà nước và có lẽ hai điểm vừa nêu ở trên, ủng hộ để có các tổ chức chuyên nghiên cứu về hội nhập và kinh nghiệm lấy áp lực ngoài để cải tổ bên trong, là việc mà nhà nước Việt Nam có thể nên làm để có các chính sách thích hợp phát huy các cơ hội, và đối đầu hiệu quả với các thách thức. Các doanh nghiệp tự họ phải lo, nhà nước có thể giúp nhưng không làm thay họ được.

Nguyễn Quang A

tbktsg

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật