Thứ Tư, 22/12/2010 23:49

Có gì mới từ 1-1-2011?

Một số quy định, chính sách mới liên quan đến nhiều lĩnh vực sẽ được áp dụng kể từ đầu năm mới, 1-1-2011.

Thuế suất xuất khẩu vàng 10%

Từ 1-1-2011, các loại vàng nguyên liệu, vàng trang sức có hàm lượng cao sẽ chịu thuế xuất khẩu 10% theo quy định do Bộ Tài chính vừa ban hành, thay cho mức 0% cũ.

Theo thông tư 184/2010/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, các loại vàng nguyên liệu thuộc nhóm 8718 sẽ áp dụng thuế suất 10%. Các loại vàng trang sức khác có hàm lượng cao; vàng miếng vàng thỏi, vàng bột có hàm lượng dưới 99,99% cũng chịu thuế suất 10% so với mức 0% hiện hành.

Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế đối với vàng trang sức sẽ hạn chế được hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế để "lách" quy định xin giấy phép xuất khẩu vàng trang sức. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, vàng có hàm lượng từ 99,99% khi xuất khẩu phải xin giấy phép, còn vàng trang sức có hàm lượng dưới mức này thì không phải xin phép.

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài được huy động tiền đồng

Từ 1-1-2011, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được đối xử bình đẳng quốc gia theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Do đó, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải bình đẳng như các ngân hàng thương mại trong nước trong việc áp dụng các giới hạn về cấp tín dụng và bảo lãnh.

Thêm vào đó, từ ngày 1-1-2011, các ngân hàng nước ngoài sẽ được nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam từ các cá nhân Việt Nam mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng, không còn bị hạn chế theo tỷ lệ trên mức vốn được cấp của chi nhánh.

Luật Ngân hàng sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực

Hai luật ngân hàng (sửa đổi) gồm Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 6, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011.

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 có những nội dung được chỉnh sửa bao gồm điều 3 về chính sách tiền tệ quốc gia và thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia; điều 4 về việc Ngân hàng Nhà nước góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù; điều 12 về lãi suất; điều 27 về tiền gửi Kho bạc Nhà nước…

Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua gồm 10 chương với 163 điều. Trong đó, có những điều chỉnh như thay đổi về giới hạn sở hữu cổ phần quy định tại các ngân hàng (điều 55); về phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng (điều 91) ; về vấn đề mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (điều 16); các vấn đề liên quan đến quản trị điều hành các ngân hàng thương mại (Chương III); phạm vi hoạt động được phép của tổ chức tín dụng (điều 90); về phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng (điều 91); hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại (điều 98); về việc cấm ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác (điều 103); về các hạn chế bảo đảm an toàn (điều 126, 128).

Có thể nộp thuế qua Internet, Mobile, ATM

Theo Thông tư 180/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, từ ngày 1-1-2011, người nộp thuế có thể lựa chọn các hình thức nộp thuế điện tử như giao dịch trực tiếp với ngân hàng nơi mở tài khoản thông qua các kênh giao dịch điện tử (Internet, Mobile, ATM) hoặc thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.

Về thủ tục đăng ký, người nộp thuế lập tờ khai đăng ký thuế điện tử (gồm tờ khai đăng ký thuế lần đầu, đăng ký bổ sung, đăng ký thay đổi) trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế hoặc lập bằng các phần mềm, công cụ đáp ứng chuẩn định dạng dữ liệu của cơ quan thuế.

Sau khi hoàn thành việc lập tờ khai đăng ký thuế điện tử, người nộp thuế gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan thuế thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo xác nhận đến người nộp thuế.

Doanh nghiệp tự in hóa đơn

Theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14-5-2010 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thay thế cho Nghị định 89/2002/NĐ-CP (ban hành năm 2002), từ 1-1-2010 doanh nghiệp phải tự in hóa đơn, không còn mua hóa đơn từ cơ quan thuế như trước đây.

Sự kiện này được đánh giá là sẽ thay đổi toàn bộ nhận thức và thực hiện về hóa đơn chứng từ trên toàn quốc khi trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn, chịu trách nhiệm về hóa đơn phát hành, giải quyết tình trạng doanh nghiệp phải xếp hàng chờ mua hóa đơn tại cơ quan thuế.

Thêm 7 mặt hàng phải có tem CR khi lưu thông trên thị trường

Theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, từ 1-1-2011, bảy loại thiết bị điện và điện tử gồm bàn ủi, lò vi sóng, lò nướng điện, dây và cáp điện, máy sấy khô tay, bình pha trà và cà phê, ấm điện loại dùng que đun chìm trong nước phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và dán tem hợp quy (CR) khi đưa ra thị trường.

Trước đó, từ 1-6 (rồi gia hạn đến 15-9), các loại thiết bị điện, điện tử là dụng cụ điện đun nước nóng tức thời; dụng cụ điện đun và chứa nước nóng; máy sấy tóc và các dụng cụ làm tóc khác; ấm đun nước; nồi cơm điện và quạt điện cũng đã đáp ứng những điều kiện tương tự mới được lưu thông trên thị trường.

Kinh doanh xuất khẩu gạo có điều kiện

Từ ngày 1-1-2011, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu gạo phải tuân thủ Nghị định số 109/2010/NĐ-CP quy định các điều kiện như: được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Kinh doanh xuất nhập khẩu lưu ý quy tắc thương mại mới

Bộ quy tắc thương mại quốc tế Incoterms 2010 phiên bản thứ 8 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, trong đó có nhiều thay đổi về điều kiện giao nhận hàng theo thông lệ quốc tế.

Nếu như ở Incoterm 2000 tức phiên bản trước đang thực thi trong giao nhận hàng, với phương thức giao hàng FOB người bán chỉ chịu trách nhiệm tới “lan can tàu" (Ship Rail) thì ở Incoterm 2010, thuật ngữ này được thay thế bằng “ở trên tàu" (On Board The Vessel). Theo đó, người bán (seller) sẽ chuyển rủi ro của lô hàng mình bán thực sự cho người mua (buyer) khi hàng thực sự “ở trên tàu” chứ không phải "lan can tàu” như trước nữa.

Các điều kiện trong Incoterm 2000 như DAF, DES, DEQ và DDU được thay thế bằng các thuật ngữ như DAT (Delivered At Terminal), hàng đến đích đã dỡ xuống; DAP (Delivered At Place), hàng đến đích sẵn sàng để dỡ xuống. Trong đó các thuật ngữ như “Terminal” và “Place” được hiểu theo nghĩa rộng hơn là cầu cảng, cảng.

Giảm thuế nhập khẩu ô tô

Từ ngày 1-1-2011, thuế nhập khẩu ô tô có xuất xứ từ ASEAN giảm thêm 13%, theo cam kết Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).

Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu các dòng ô tô chở người dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam giảm từ mức 83% hiện nay xuống còn 70%.

Cơ chế giải quyết các tranh chấp thương mại nhanh chóng

Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011, thay thế Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, giúp tạo cơ chế giải quyết các tranh chấp thương mại nhanh chóng và gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong đó, luật mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài (như được thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng) và giảm nguy cơ phán quyết của trọng tài bị toà án tuyên huỷ.

Xe ô tô có thời hạn sử dụng trên 25 năm phải ngừng hoạt động

Từ ngày 1-1-2011, các loại xe ô tô chở người có thời gian sử dụng trên 20 năm và ô tô chở hàng trên 25 năm sẽ phải ngừng hoạt động trên đường bộ.

Theo Nghị định 95/2009/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2011, các loại ô tô chở hàng có thời gian sử dụng trên 25 năm, ô tô chở người nguyên bản có thời gian sử dụng trên 20 năm và ô tô chở người chuyển đổi công năng trước ngày 1-1-2002 (hoặc có thời gian sử dụng trên 17 năm) sẽ phải ngừng hoạt động trên đường bộ.

Sử dụng giấy phép lái xe mới

Kể từ ngày 1-1-2011, giấy phép lái xe cơ giới đường bộ sẽ được cấp mẫu mới theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo thông tư 35/TT- BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, mẫu giấy phép lái xe mới sẽ được sử dụng hai ngôn ngữ là Việt và Anh. Ảnh của người được cấp sẽ in trực tiếp lên giấy phép thay vì dán như hiện nay. Giấy phép lái xe mới được làm bằng vật liệu chịu được nước và nhiệt độ cao, ngoài ra còn có ký hiệu bảo mật để chống làm giả. Khi thông tư này có hiệu lực thực hiện từ 1-1-2011, các mấu giấy phép lái xe cũ vẫn có giá trị sử dụng.

Xăng dầu là nhóm hàng hóa sẽ chịu thuế bảo vệ môi trường

Tám nhóm hàng chịu thuế môi trường

Theo Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, 8 nhóm hàng hóa sẽ chịu thuế bảo vệ môi trường.

Đó là, nhóm hàng hóa xăng dầu (xăng, nhiên liệu bay, diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn chịu mức thuế môi trường từ 1.000đ - 4.000đ/lít), than đá (10.000đ - 50.000đ/tấn), dung dịch HCFC (1.000đ - 5.000đ/kg), túi ni lông (30.000đ - 50.000đ/kg), thuốc trừ (500đ - 2.000đ/kg), thuốc bảo quản lâm sản (1.000 – 3000đ/kg), thuốc khử trùng (1.000 – 3.000đ/kg), các loại thuốc trừ mối hạn chế sử dụng (1.000 – 3.000đ/kg).

Mức lương tối thiểu cao nhất là 1,55 triệu đồng/tháng

Theo Nghị định 107/2010/NĐ-CP và Nghị định 108/2010/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam, từ ngày 1-1-2011 sẽ tăng mức lương tối thiểu vùng đối với lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Mức lương tối thiểu vùng sắp tới sẽ cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 100.000 - 370.000 đồng/tháng. Mức cao nhất thuộc về vùng 1, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 1,55 triệu đồng/tháng, mức lương tối thiểu thấp nhất là vùng 4, doanh nghiệp trong nước với 830.000 đồng/tháng.

TPHCM: Áp dụng hải quan điện tử đại trà

Theo Cục Hải quan TPHCM, từ 1-1-2011, tất cả các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu ở ba loại hình: kinh doanh, sản xuất xuất khẩu và gia công trên địa bàn TPHCM đều phải thực hiện thông quan bằng hình thức hải quan điện tử tại 12/12 chi cục thuộc Cục Hải quan TPHCM với phần mềm khai báo mới và có một số thay đổi trong phương thức truyền tải dữ liệu.

Điểm thay đổi của phần mềm mới so với phần mềm cũ là các thông tin dữ liệu của doanh nghiệp khi khai báo sẽ truyền về Cục Hải quan TPHCM, sau đó chuyển về từng chi cục có hàng hóa cần thông quan thay vì truyền về trung tâm dữ liệu tập trung như trước đây.

TPHCM: Thu 10% phí môi trường vào giá nước sạch

Kể từ ngày 1-1-2011 đến hết năm 2015, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước sinh hoạt trên địa bàn TPHCM được áp dụng với mức thu 10% trên giá nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Về phương thức thu, sẽ thu theo tỷ lệ % giá nước sạch.

Đây là nội dung Nghị quyết về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố vừa được HĐND thành phố thông qua ngày 8-12-2010.

TPHCM: Hành nghề xe ôm phải đeo thẻ

Theo quyết định số 71/2010/QĐ-UBND của UBND TPHCM, từ ngày 1-1-2011, tài xế xe ôm hoạt động trên địa bàn TPHCM bắt buộc phải đeo thẻ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Về thủ tục, người hành nghề xe ôm phải đến UBND phường, xã nơi mình cư trú (hoặc đang làm việc) để nhận phiếu đăng ký rồi điền đầy đủ thông tin. Tiếp đó, phường sẽ xác nhận rồi gửi lên Sở Giao thông vận tải để tiến hành in thẻ. Mọi chi phí in thẻ được trích từ kinh phí của Ban an toàn giao thông TPHCM nên người lái xe không phải trả chi phí làm thẻ. Thẻ có giá trị trong vòng 5 năm kể từ ngày cấp.

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật