Thu hút FDI : Nước chảy chỗ trũng
Vài năm trở lại đây, thu hút FDI ngày một lớn, tuy nhiên, điều đáng nói là dòng chảy này đang có xu hướng chảy… lệch.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, DN FDI đang thống lĩnh hầu như hoàn toàn các lĩnh vực như: lắp ráp ôtô, xe máy, nhiều sản phẩm đồ điện gia dụng... Sự thiên lệch trong cơ cấu theo ngành, lĩnh vực của dòng vốn này rất rõ ràng, đó là: Tập trung vào lĩnh vực sản xuất, trong đó công nghiệp nặng chiếm vị trí đầu tiên với khoảng 21% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là xây dựng, bất động sản... Trong khi đó, nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp... mặc dù đã có rất nhiều “thảm đỏ” được “trải” ra nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 6% tổng số vốn cam kết.
Nguyên nhân nào ?
Theo các chuyên gia, đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần phải giải quyết nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra của khu vực FDI. Hiện tượng “nước chảy chỗ trũng” đang xuất hiện ở dòng vốn FDI mà nếu không có những uốn nắn kịp thời, dòng chảy sẽ “lệch” và không đều gây khó khăn cho công tác quan lý cũng như phát triển kinh tế. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này? Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, các cơ quan chức năng và địa phương đang bị động trong lựa chọn dự án FDI. Mặt khác, nhiều lĩnh vực vẫn còn rất nhiều rào cản. Chẳng hạn, lĩnh vực dịch vụ “va” phải hàng loạt quy định hạn chế, lĩnh vực nông nghiệp lại có nhiều rủi ro, đầu tư lâu, sinh lời ít... nên ít nhà đầu tư mặn mà. Trong khi đó, ngành xi măng, sắt thép, bất động sản, khu du lịch... lại đang “lạm phát” dự án. Với hàng loạt dự án quy mô lớn được duyệt thời gian qua, chỉ trong thời gian ngắn nữa, công suất của các nhà máy xi măng, sắt thép và cả các khu nghỉ dưỡng... sẽ vượt xa nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Chính vì vậy, trong lúc này việc chọn: Ưu đãi hay phân luồng dòng chảy FDI đang là vấn đề trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Bởi muốn đảm bảo mục tiêu thu hút FDI đề ra thì cần phải gia tăng các ưu đãi, trong khi đó để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững cho các lĩnh vực thì cần có biện pháp phân luồng để dòng vốn FDI chảy đúng hướng.
Những hệ luỵ của FDI
Với tốc độ phát triển “chóng mặt” thời gian qua, khu vực FDI cũng để lại không ít hệ luỵ mà theo như TS Nguyễn Minh Phong - Viện kinh tế - xã hội Hà Nội ví von thì đó giống như mặt trái của tấm huy chương: Đó là tình trạng sử dụng lãng phí đất đai, thất thoát tài sản công và tài nguyên quốc gia, nhất là đất nông nghiệp, đất ven biển và tước đoạt công ăn việc làm, cùng những hệ quả đa dạng, nhiều đời cho người nông dân mất ruộng, mất sinh kế truyền thống, như các dự án về sân golf, xây dựng khu nghỉ dưỡng - du lịch...
Trong khi đó, tình trạng gây ô nhiễm môi trường ở những dự án FDI lớn cũng đang là một hồi chuông báo động mà Vedan chính là một bài học nhãn tiền và chắc chắn Vedan sẽ không phải là bài học duy nhất về ô nhiễm môi trường mà các dự án FDI gây ra...
Để xảy ra những tình trạng trên cũng có một phần không nhỏ do chúng ta quá thiên về thành tích mà buông lỏng công tác quản lý, thống kê. Đã có nhiều ý kiến cho rằng do có quá nhiều “mối” FDI nên các địa phương và các cơ quan quản lý khó quản. Điều này không phải là không có cơ sở khi mà công tác thu thập thông tin về đầu tư nước ngoài còn rất nhiều tồn tại. Số liệu vốn thực hiện địa phương báo cáo về Cục đầu tư nước ngoài hiện nay là số liệu tổng hợp về giá trị của vốn đã thực hiện, không phân chia theo các yếu tố cấu thành như vốn chủ sở hữu, lợi nhuận tái đầu tư..., cũng không chia được thành vốn bằng tiền mặt và vốn bằng hiện vật như máy móc thiết bị, nhà xưởng, giá trị quyền sử dụng đất... và các khoản tương đương tiền như công nghệ, bí quyết kỹ thuật, thương hiệu...
Trong khi đó, Ngân hàng nhà nước có trách nhiệm thống kê dòng vốn vào và ra khỏi nền kinh tế qua kênh ngân hàng (vốn bằng tiền) làm căn cứ để lập, phân tích cán cân thanh toán quốc tế của VN, nhưng lại không có đủ nguồn dữ liệu để tính toán dòng vốn chuyển vào và ra qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, do vậy không bổ sung và đối chiếu dữ liệu được với Cục Đầu tư nước ngoài về các dòng FDI vào và ra...
Đây chính là một trong những kẽ hở khiến dòng vốn FDI chảy theo những mục đích khác nhau của các nhà đầu tư, trong khi đó nền kinh tế luôn đòi hỏi những dòng vốn này phải chảy đều khắp các lĩnh vực, vùng miền để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Làm thế nào để dòng chảy FDI đi đúng hướng đang là câu hỏi mà dư luận đặt ra với các cơ quan quản lý !
Quốc Anh
diễn đàn doanh nghiệp
|