Thứ Tư, 22/12/2010 08:07

CPI Hà Nội bộc lộ điểm yếu

Liên tiếp trong 3 tháng trở lại đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội luôn tăng cao hơn TP Hồ Chí Minh. Có chuyên gia cho rằng, điểm yếu của Hà Nội về điều hành và phân phối bộc lộ khá rõ qua những con số này.

Tăng cao liên tiếp

Mặc dù kết thúc năm 2010, CPI của Hà Nội ước tăng 9,56% so với năm 2009, thấp hơn mức tăng 9,58% của TP Hồ Chí Minh trong cùng kỳ, nhưng liên tiếp trong những tháng gần đây, CPI của Hà Nội tăng cao hơn TP Hồ Chí Minh. Dấu mốc của sự thay đổi này xuất hiện từ khi cả 2 thành phố có lượng người tiêu dùng hùng hậu này tiến hành các chương trình bán hàng bình ổn giá.

Được đánh giá là thực hiện tốt hơn công tác trên, nên CPI của TP Hồ Chí Minh càng về cuối năm càng ở mức an toàn hơn Hà Nội. Cụ thể, tháng 8-2010, CPI của Hà Nội tăng 0,15% so với tháng 7 thì tại TP Hồ Chí Minh, con số này vận động theo chiều ngược lại, giảm 0,25% so với tháng 7. Tháng 9, CPI của 2 địa phương này tương ứng là Hà Nội tăng 0,96%, TP Hồ Chí Minh tăng 0,97% so với tháng 8. Từ tháng 10, CPI của 2 thành phố trên tăng tương ứng là 1,22% và 0,45%; tháng 11 con số này là 1,93% và 1,73%; tháng 12 là 1,83% và 1,61% so với tháng trước đó.

Tại Hà Nội, tháng 12, ngoại trừ nhóm bưu chính viễn thông vẫn giữ nguyên thì 10 nhóm hàng còn lại đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Các nhóm hàng hóa: may mặc, mũ nón, giày dép; đồ uống và thuốc lá; thiết bị và đồ dùng gia đình… có mức tăng nhẹ dưới 1%. Nhóm hàng có mức tăng mạnh là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng mức tăng lần lượt là 3,27% và 2,86%. Tại TP Hồ Chí Minh, trong tháng 12-2010, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm nhà ở vật liệu xây dựng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có giá tăng cao nhất. Đáng chú ý nhóm hàng ăn sau khi tăng cao ở tháng trước trên mức 2% đến tháng 12 tiếp tục tăng 2,37%.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến chỉ số giá năm nay tăng cao là do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng làm giá thành sản phẩm tăng cao. Bên cạnh đó, tác động của thiên tai, dịch bệnh và biến động tỷ giá VND/USD, giá vàng khiến chi phí sản xuất tăng, từ đó giá bán sản phẩm tăng.

Nhiều điểm yếu

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đầu năm và cuối năm, CPI tăng cao hơn các tháng còn lại trong năm là điều bình thường, do tác động của quy luật cung cầu. Tuy nhiên, lý do khiến CPI Hà Nội cao hơn TP Hồ Chí Minh trong những tháng gần đây là do Hà Nội có Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và thành phố này cũng đang trong giai đoạn sửa sang hạ tầng trên diện rộng.

Đánh giá về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói: “CPI Hà Nội tăng quá cao”! Đi sâu phân tích nguyên nhân, ông Phú cho rằng lý do khách quan như tác động của các sự kiện không nhiều. Điều quan trọng là những con số trên đã bộc lộ những điểm yếu trong điều hành và hệ thống phân phối của thành phố. Cụ thể, 70% hàng hóa tiêu thụ tại Hà Nội được đưa ra từ TP Hồ Chí Minh. Điều này dễ dàng lý giải vì sao giá nhiều mặt hàng tại Thủ đô cao hơn thành phố lớn còn lại.

Xét về yếu tố chủ quan, ông Phú khẳng định: “Hệ thống phân phối của Hà Nội chưa đảm bảo. Nhiều chợ cóc, chợ tạm, nhiều khu đô thị mới chưa có siêu thị. Chợ đầu mối ít, hàng hóa chưa kịp đưa vào chợ đầu mối thì đã bị chủ buôn “ôm” hàng, mang đi bán lẻ kiếm lời. Bản thân hàng hóa đến các siêu thị cũng đã phải qua rất nhiều “cầu” rồi”. Trong khi đó, hệ thống phân phối của TP Hồ Chí Minh đồng bộ, có hệ thống chân rết bán lẻ rộng khắp. “Công bằng mà nói, tiểu thương tại TP Hồ Chí Minh cũng năng động hơn.

Tại Hà Nội, các siêu thị chỉ liên kết sản xuất tự túc được 30% nguồn hàng, nhưng chủ siêu thị lại ngồi chờ nhà cung cấp mang hàng đến. Tính chuyên nghiệp thấp, nhiều khi thủ tục hành chính còn rườm rà, phiền hà cho nhà cung cấp”- ông Phú nói. Ông Phú cũng đánh giá cao việc thực hiện bán hàng bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh và cho rằng, đây là một trong những yếu tố tích cực giúp CPI của thành phố này được kiểm soát tốt hơn.

Ngoài ra, theo các chuyên gia thị trường, trong công tác điều hành, Hà Nội đang có chủ trương tốt, nhưng thực hiện còn mang nặng tính hình thức. “Thành phố đang cần một vị “nhạc trưởng” phải miệng nói tay làm, sâu sát thực tế để nắm bắt tình hình thị trường và có điều hành linh hoạt, hợp lý”- một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Vân Hằng

AN NINH THỦ ĐÔ

Các tin tức khác

>   Đừng để "nỗi sợ" Trung Quốc dẫn dắt (22/12/2010)

>   Dòng vốn FDI 2011 đi vào thực chất (22/12/2010)

>   Khi InnovGreen xin trả lại đất “nhạy cảm” (21/12/2010)

>   Đầu tư của Mỹ và “làn sóng thứ ba” (21/12/2010)

>   Ưu tiên kiềm chế lạm phát hay nhập siêu? (21/12/2010)

>   Bối rối trước nền kinh tế 2011 đầy biến động (21/12/2010)

>   Việt Nam tăng trưởng ngay cả khi thế giới khủng hoảng (21/12/2010)

>   Gần 8,4 tỉ USD đầu tư ra nước ngoài (21/12/2010)

>   CPI tháng 12 tại Hà Nội tăng 1,83% (20/12/2010)

>   Phú Yên: Thu hút gần 19.000 tỷ đồng qua 24 dự án (20/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật