Thứ Tư, 22/12/2010 06:37

Dòng vốn FDI 2011 đi vào thực chất

Theo dự báo dòng vốn FDI chảy vào VN trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhưng không phải không có những trở ngại đang hiển hiện. Ông Phan Hữu Thắng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài (CFIS) – Trường ĐH Kinh tế, ĐH quốc gia Hà Nội (ảnh) khẳng định: Điều quan trọng là phải rút ngắn khoảng cách giữa vốn đăng ký và thực hiện.

Ông Thắng cho biết, kết quả đầu tư FDI 2010 tương đương với 2009, nhưng đáng mừng là vốn thực hiện có tăng thêm 1 tỷ so với 2009 (năm 2010, vốn FDI thực hiện 11 tỷ so với 2009 là 10 tỷ), vốn đăng ký 21 tỷ so với 21,5 tỷ năm 2009. Vốn này đã thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2010. Nhìn chung cả 5 năm, ngoài đột biến trong năm 2008 thì 3 năm trở lại đây FDI dừng lại ở mức 10 tỷ vốn thực hiện và 20 tỷ vốn đăng ký, kết quả 2010 là chấp nhận được. Năm 2011, vốn đăng ký hi vọng tương đương 2010, khoảng 20 tỷ. Vốn thực hiện sẽ trên 11 tỷ.

- Bên cạnh những tín hiệu vui đó vẫn  có những thách thức, vì để đạt được như mức năm 2010 trong 5 năm tới với những biến động khó lường của tình hình kinh tế thế giới và trong nước không phải dễ, thưa ông ?

Đúng vậy ! Có thể ví dòng chảy FDI trong những năm tới như “lá còn xanh” nghĩa là vẫn còn nhiều lạc quan. Tuy nhiên, để giữ được “lá xanh” phải có một số giải pháp, đặc biệt là cần tập trung rút ngắn khoảng cách giữa vốn đăng ký và thực hiện.

Theo tôi, vấn đề này nằm trong tầm tay của chúng ta, bởi lẽ các nhà đầu tư đã có cam kết thì về mặt quản lý pháp lý, cải cách thủ tục hành chính... chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư triển khai các dự án đã cam kết cũng như chúng ta cam kết với họ như: giao đất, giải phóng mặt bằng, giảm thiểu thủ tục hành chính...

Vốn đăng ký đã cam kết của các nhà đầu tư Nhà nước nên theo dõi chặt, tập trung cho việc giải ngân. Theo tôi, điều đó thiết thực hơn so với việc chúng ta đi lôi kéo mới bên ngoài. Việc thống kê vốn đăng ký cho thấy xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư, giúp chúng ta hiểu các lĩnh vực ngành nghề trong từng giai đoạn các nhà đầu tư quan tâm tới lĩnh vực nào của VN, giúp lường trước được nguồn vốn gối đầu cho năm sau... Vốn đăng ký quan trọng nhưng không phải thành tích, mà thành tích nằm chủ yếu ở việc đẩy mạnh giải ngân vốn thực hiện tại các địa phương. Và phải làm sao rút ngắn được khoảng cách giữa vốn đăng ký và giải ngân. Vì nếu không 5 năm tới, vốn đăng ký sẽ tăng gấp đôi vốn thực hiện (320 tỷ USD vốn đăng ký so với vốn thực hiện là 155 tỷ USD). Theo tôi, năm 2011, với đà này tôi cho rằng vốn đăng ký sẽ tăng ít, hoặc giảm, trong khi đó vốn thực hiện sẽ tăng.

- Cơ sở nào để ông nhận định vốn đăng ký sẽ tăng ít, hoặc giảm; vốn thực hiện sẽ tăng ?

Tôi cho rằng có mấy nguyên nhân để đưa ra dự báo:

Thứ 1, thủ tục hành chính chậm làm hạn chế triển khai các dự án

Thứ 2, cơ sở hạ tầng của VN: dịch vụ liên quan... chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thứ 3, khả năng cung ứng điện năng còn quá thiếu và yếu.

- Thủ tục hành chính vẫn đang là rào cản lớn trong thu hút FDI, Sách trắng do Eurocham xuất bản mới đây vẫn khẳng định cản trở lớn nhất thu hút FDI của VN là thủ tục hành chính. Ông bình luận gì về vấn đề này ?

Tôi cho rằng điều nêu ra trong cuốn sách của Eurocham rất đáng suy nghĩ. Qua một số dự án đã được cấp phép có thể thấy có dự án chúng ta tốn kém tới vài ba năm. Ngay như dự án điện Mông Dương 2 từ khi đàm phán, tìm địa điểm, đánh giá... cũng mất ngót 5 năm, đến 2010 mới xong. Điều đó thể hiện 1 phần lớn là do cản trở thủ tục hành chính, dẫn tới chậm triển khai một số dự án, chưa nói tới những nguyên nhân khách quan khác. Chính vì thế, việc chúng ta thực hiện Đề án 30 về CCTCHC và đến thời điểm này đề án đã đi vào giai đoạn 2 là một trong nhiều nỗ lực để chúng ta cải thiện môi trường đầu tư tại VN.

- Một trong những “hiện tượng” năm 2010 của lĩnh vực FDI là việc Hà Lan là nước dẫn đầu về vốn thực hiện FDI. Như vậy, phải chăng các nước Châu Âu đã có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng đầu tư vào VN ?

Không chỉ các nước Châu Âu mà ngay cả Mỹ cũng nhìn nhận môi trường đầu tư khả quan tại VN vì trong bảng xếp hạng cạnh tranh của WB, VN đã xếp vị trí 77. Tuy còn một số điểm lùi nhưng các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản... đều đánh giá khả quan về VN.

Hà Lan đúng là một hiện tượng! Vì dự án điện Mông Dương 2 là kết quả đàm phán trong nhiều năm qua, 2010 là năm kết thúc, số vốn đăng ký của Hà Lan chiếm tới 90% trong tổng số 2,1 tỷ cho dự án điện Mông Dương 2, đưa số vốn đăng ký của Hà Lan tăng lên đáng kể. Từ 1988 đến nay, các nhà đầu tư chính vẫn là các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc...

- Tuy nhiên, nhập siêu của khu vực FDI đang được đánh giá là lớn hơn khu vực DN trong nước. Theo ông đâu là nguyên nhân ?

Nguyên  nhân là do các DN FDI phải NK nhiều máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh; một số nguyên liệu đầu vào chúng ta chưa sản xuất được họ cũng buộc phải NK, như: sản phẩm thiết bị công nghệ cao như điện tử, chip... do nền công nghiệp phụ trợ của ta còn yếu nên buộc họ phải nhập để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra. Điều đáng lưu ý là nhập siêu từ thị trường Trung Quốc khá lớn, và các DN FDI cũng bị ảnh hưởng bởi hàng nhập siêu từ thị trường này vì nhiều Cty đa quốc gia có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, để tránh chi phí vận chuyển các DN buộc phải nhập từ thị trường này sau đó đưa vào VN gia công tiếp những phân đoạn tiếp theo.

- Dự kiến, giai đoạn  2011-2015 chúng ta sẽ tập trung vào vốn thực hiện. Vốn thực hiện này có liên quan tới những thua lỗ của các DN FDI, thưa ông ?

Vốn thực hiện bao giờ cũng có tác dụng thúc đẩy DN phát triển đúng hướng, vì các nhà đầu tư nước ngoài khi bỏ một đồng vốn bao giờ họ cũng có sẵn mục tiêu lợi nhuận. Nếu vốn thực hiện tăng lên khả năng DN thua lỗ sẽ giảm xuống.

Nhưng để khắc phục tình trạng này theo tôi cần có một nghiên cứu nghiêm túc về lỗ giả, lãi thật, chuyển giá... của các DN FDI trong năm 2010.

- Xin cảm ơn ông !

Quốc Anh

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Khi InnovGreen xin trả lại đất “nhạy cảm” (21/12/2010)

>   Đầu tư của Mỹ và “làn sóng thứ ba” (21/12/2010)

>   Ưu tiên kiềm chế lạm phát hay nhập siêu? (21/12/2010)

>   Bối rối trước nền kinh tế 2011 đầy biến động (21/12/2010)

>   Việt Nam tăng trưởng ngay cả khi thế giới khủng hoảng (21/12/2010)

>   Gần 8,4 tỉ USD đầu tư ra nước ngoài (21/12/2010)

>   CPI tháng 12 tại Hà Nội tăng 1,83% (20/12/2010)

>   Phú Yên: Thu hút gần 19.000 tỷ đồng qua 24 dự án (20/12/2010)

>   Giá tiêu dùng TP HCM tăng dưới 10% (20/12/2010)

>   CPI và nhập siêu ở mức nào? (20/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật