Thứ Ba, 21/12/2010 11:58

Đầu tư của Mỹ và “làn sóng thứ ba”

Kể từ năm 1995, thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng hơn 33 lần. Năm 2009, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam và thương mại hai chiều đã đạt 15,4 tỷ USD.

Tháng cuối năm 2010 có lẽ là tháng bận rộn nhất của đại sứ Mỹ Michael W. Michalak, người sắp hoàn tất nhiệm kỳ tại Việt Nam.

Sau khi chính thức chào từ biệt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 13/12, ông Michalak tiếp tục dự một loạt các tiệc chia tay với nhiều cơ quan khác nhau, để khép lại một nhiệm kỳ đại sứ nhiều sự kiện.

Đại sứ Mỹ là người đã chứng kiến ba trong số hàng loạt sự kiện quan trọng liên quan đến đầu tư của Mỹ tại Việt Nam, gồm lễ ký hợp đồng gói thầu số 2 “Cung cấp vệ tinh, thiết bị trạm điều khiển và dịch vụ phóng” giữa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty Lockheed Martin Commercial Space Systems thuộc Tập đoàn Lockheed Martin (Hoa Kỳ), lễ ký hợp đồng dự án BOT Mông Dương 2 giữa Công ty AES và Vinacomin vào tháng 4/2010, và lễ khánh thành nhà máy của Intel tại khu công nghệ cao Tp.HCM vào tháng 10/2010.

Hai khởi đầu (đối với AES) và một thành tựu (đối với Intel) là những minh chứng cho dòng chảy đầu tư liên tục của các nhà đầu tư Mỹ trong nhiều năm qua; đồng thời, là trải nghiệm đáng kể cho đại sứ Michalak trong nhiệm kỳ của mình. Dù rằng, trong nhiệm kỳ của mình, cũng như nhiều đồng nghiệp trước đó, ông Michalak còn nhiều mối quan tâm khác song hành với việc thúc đẩy quan hệ đầu tư.

Nói về dự án của AES, đại sứ Michael W. Michalak nói ông tin rằng dự án với quy mô 1200 MW và vốn đầu tư trị giá 1,8 tỷ USD này thể hiện cam kết dài hạn của AES đối với quá trình phát triển năng lượng ở Việt Nam. “Cam kết dài hạn” là khái niệm thường thấy trong hầu hết các phát biểu của các quan chức hay doanh nhân Mỹ liên quan đến đầu tư ở Việt Nam.

Kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt- Mỹ, Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ đã bảo trợ một cuộc thi thiết kế biểu tượng, qua đó kêu gọi công chúng Việt Nam đóng góp các ý tưởng về một hình ảnh đại diện cho tầm quan trọng của quan hệ Việt - Mỹ.

Hình ảnh được chọn để trao giải cao nhất là một chiếc diều, mà theo nhận xét của Đại sứ Michalak, đã “thể hiện tốt nhất hy vọng về quan hệ thậm chí còn rộng lớn hơn và thành công hơn nữa giữa hai nước chúng ta trong tương lai”.

Kể từ năm 2004, Mỹ đã chi 409 triệu USD ở Việt Nam cho các chương trình toàn diện phòng chống, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, và cung cấp các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm cho 1.146.326 phụ nữ. 50 triệu USD cũng đã được chi để giúp Việt Nam đối phó với cúm gia cầm và 46 triệu USD khác cho việc giúp đỡ người khuyết tật Việt Nam.

Song hành với đó, kể từ năm 1995, thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã tăng hơn 33 lần. Năm 2009, Hoa Kỳ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam và thương mại hai chiều đã đạt 15,4 tỷ USD.

”Thậm chí trong giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2009, xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 11%. Trong khi đó, xuất khẩu của Hoa Kỳ vào hầu hết các nước ASEAN còn lại đều sụt giảm ở mức hai chữ số. Các số liệu thương mại song phương từ đầu năm đến nay đều rất tích cực. Tôi thấy rằng năm 2010 sẽ là một năm mà kỷ lục về thương mại song phương của chúng ta sẽ tiếp tục được phá vỡ”, ông Michalak lạc quan.

Nhận diện làn sóng mới

Vào tháng 4/2010, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ đã được thành lập với mục tiêu chính là chia sẻ để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cung cấp thông tin cho chính phủ về luật và các quy định sẽ tác động đến vấn đề kinh doanh, cũng như thúc đẩy hợp tác "ba bên" bao gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tạo ra các mối quan hệ công nghiệp hài hòa.

Đại sứ Michalak nói rằng phái đoàn ngoại giao Mỹ đã xác định cái gọi là “những khu vực có triển vọng tốt nhất”. Đây là những khu vực mà các công ty Mỹ có khả năng cạnh tranh, bao gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, thăm dò dầu khí, sản xuất điện, xây đường cao tốc, quản lý dự án môi trường và công nghệ môi trường, hàng không.

"Thách thức chủ yếu cho chúng tôi là làm cho các công ty Mỹ hiểu rằng có vô số cơ hội làm ăn đang chờ đợi họ tại Việt Nam. Đôi khi, cũng cần phải có thời gian để danh tiếng của một nước có thể thu hút được sự chú ý của các lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ", ông nói.

Các nhà đầu tư Mỹ cho rằng đang có một “làn sóng thứ ba” về đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), nói đây là thời điểm cần phải hợp tác để đáp ứng “làn sóng” này của các công ty Mỹ.

"Làn sóng đầu tiên" đến trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2000. Nhiều công ty Mỹ đã rất thành công và đã liên tục mở rộng đầu tư như Cargill, Coca Cola, Pepsi, Kimberly-Clark, Procter & Gamble, Chevron, ConocoPhillips, ExxonMobil…

"Làn sóng thứ hai" xuất hiện sau khi Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) Việt - Mỹ có hiệu lực vào tháng 12/2001. Thị trường mới được mở cửa của Mỹ đã trở thành chỗ tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là trong các lĩnh vực lao động như may mặc, giày dép, và đồ nội thất. Trong quá trình này, nhiều công ty lớn của Mỹ đã trực tiếp tham gia với việc mua và phân phối các sản phẩm, qua đó tăng nhập khẩu từ Việt Nam từ 1,1 tỷ USD vào năm 2001 đến 14,8 tỷ USD trong năm 2010.

"Làn sóng thứ ba" của đầu tư Mỹ diễn ra trong các ngành công nghiệp sản xuất hiện đại và các dịch vụ, bắt đầu vào năm 2006 và 2007 với dự án của Intel. Năm nay, hơn 20 công ty Mỹ đứng đầu trong danh sách "Fortune 1.000" đã đến Việt Nam để đánh giá các cơ hội trong việc sản xuất có mức giá trị gia tăng cao hơn và các ngành công nghiệp dịch vụ, bao gồm cả điện tử, ôtô, hóa chất, điều khiển xây dựng.

Ông Herb Cochran nói rằng yếu tố quan trọng của chiến lược kinh doanh của các công ty là những khái niệm gọi là "Trung Quốc cộng 1" hoặc thậm chí "Trung Quốc và Ấn Độ cộng 1". Đầu năm 2008, Việt Nam ghi nhận hiện tượng này và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) đã yêu cầu các bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đánh giá sự phân kỳ của các dòng FDI từ Trung Quốc cho các nước Đông Nam Á, và có được một sự hiểu biết sâu sắc về cơ hội và thách thức Việt Nam phải đối mặt để thu hút vốn FDI. Đây chính là một sự chuẩn bị đáng kể cho việc đón đầu “làn sóng thứ ba”.

Chủ tịch Amcham, ông Hank Tomlinson trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mới đây cũng nhấn mạnh đến việc tập trung tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. “Bởi vì các nguồn đầu tư chất lượng cao thường chảy về các nước có điều kiện tối ưu. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để góp phần giải quyết các thách thức và để bảo đảm rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam có khả năng cạnh tranh hữu hiệu với các nước láng giềng”.

Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam đã tuyên bố ý định trở thành thành viên đầy đủ của đàm phán Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được các nhà đầu tư Mỹ đặc biệt quan tâm.

“Chúng tôi hy vọng rằng việc này sẽ giúp tăng cường sự hài hòa và giúp cho việc kinh doanh ở Việt Nam được dễ dàng hơn. “Hầu hết các nhà đầu tư đều đồng tình rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, việc phát huy tối đa tiềm năng của quốc gia này lại đang vấp phải rất nhiều khó khăn, do sự tiến triển chậm trong việc gỡ bỏ các rào cản lâu năm đối với đầu tư", ông Hank Tomlinson nói. Mặc dù, "trong khi Việt Nam đang tiếp tục thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, Việt Nam cũng cần có được những bước tiến rõ ràng đối với các vấn đề được nêu ra ở trên và cả những vấn đề khác đang làm mờ đi hình ảnh về một Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài”.

Anh Minh

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Ưu tiên kiềm chế lạm phát hay nhập siêu? (21/12/2010)

>   Bối rối trước nền kinh tế 2011 đầy biến động (21/12/2010)

>   Việt Nam tăng trưởng ngay cả khi thế giới khủng hoảng (21/12/2010)

>   Gần 8,4 tỉ USD đầu tư ra nước ngoài (21/12/2010)

>   CPI tháng 12 tại Hà Nội tăng 1,83% (20/12/2010)

>   Phú Yên: Thu hút gần 19.000 tỷ đồng qua 24 dự án (20/12/2010)

>   Giá tiêu dùng TP HCM tăng dưới 10% (20/12/2010)

>   CPI và nhập siêu ở mức nào? (20/12/2010)

>   Thắt chặt tiền tệ có là lời giải cho ổn định vĩ mô? (20/12/2010)

>   Đón làn sóng đầu tư thứ ba của Mỹ (20/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật