Thứ Ba, 21/12/2010 10:49

Ưu tiên kiềm chế lạm phát hay nhập siêu?

Năm 2010, dù thành công trong việc kiềm chế nhập siêu song mục tiêu kiềm chế lạm phát lại khó có thể hoàn thành. Điều này cũng đặt ra vấn đề trong thời gian tới cần “ưu tiên” mục tiêu nào?

Tới thời điểm này, chỉ cần kim ngạch xuất khẩu tháng 12 đạt như tháng 11 thì tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ vượt ngưỡng 70 tỷ USD, tăng khoảng 24%, vượt quá xa mục tiêu đã đề ra. Còn nhập khẩu tháng 12, nếu có đạt kỷ lục 8 tỷ USD thì tổng kim ngạch cả năm cũng vẫn dưới 83 tỷ USD, cho nên tỷ lệ nhập siêu cũng chỉ nằm trong khoảng 17,5%, thấp khá xa so với ngưỡng 20% mà Quốc hội đề ra. Thế nhưng, ngược lại, với tổng mức tăng 9,58% sau 11 tháng, chỉ cần giá tiêu dùng tăng 1,38% như tháng 12 năm 2009, thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm sẽ lên tới 11,1%, vượt quá xa các mục tiêu đề ra cho năm nay như tăng không quá 7%, 8%... Thực tế này cũng cho thấy, dù kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô luôn luôn được nhấn rất mạnh, nhưng chúng ta vẫn chưa thể thành công trên “mặt trận” này.

Từ những diễn biến của thị trường thế giới và những động thái trong nước, có thể thấy nguyên nhân “kép ba” dẫn tới hai kết quả ngược chiều nhau nói trên.

Thứ nhất, về phía khách quan, giá cả thế giới những tháng gần đây có tác dụng thúc đẩy cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu cùng tăng tốc, nhưng nhập khẩu vẫn tăng chậm hơn nhiều xuất khẩu.

Các số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho thấy, giá nguyên liệu phi dầu mỏ thế giới tháng 6/2010 đã trở lại mức như tháng 1/2010 (139,8 điểm phần trăm so với 136,7 điểm phần trăm), và liên tục tăng mạnh sau đó. Tháng 7 tăng 4,7%; tháng 8 tăng 4,9%; tháng 9 tăng 2,9%; tháng 10 tăng 2,5% và tháng 11 tăng 1,9%, tổng cộng tăng 20,6%.

Kết quả từ 11 mặt hàng có đủ số liệu thống kê về lượng và giá trị xuất khẩu 11 tháng qua cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này chỉ tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2009, nhưng nếu quy về giá cùng kỳ, xuất khẩu những mặt hàng này giảm tới 28,5%.

Một cách tương tự, nhập khẩu 13 mặt hàng có đủ số liệu thống kê về lượng và giá trị xuất khẩu 11 tháng qua tuy tăng tới 14,5%, tức là cao hơn hẳn so với mức tăng trong xuất khẩu nói trên, nhưng nếu quy về giá cùng kỳ thì cũng giảm 24,3%. Điều này có nghĩa là, chính khối lượng hàng hoá nhập khẩu giảm đã làm giảm kim ngạch nhập khẩu và nếu như giá nhập khẩu những mặt hàng này không tăng, thì nhịp độ tăng của toàn bộ “rổ hàng hoá nhập khẩu” 11 tháng qua “co lại” chỉ còn 12,1% -  chứ không phải là 19,8% như số liệu thống kê.

Do vậy, vấn đề đặt ra là, liệu có thể xảy ra tình trạng khối lượng nhập khẩu những mặt hàng này giảm mạnh như vậy trong khi nhịp độ tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn hẳn năm 2009, tức là lượng cầu của nền kinh tế vẫn tăng mạnh?

Với thực tế của nhiều năm qua, có thể khẳng định rằng, việc nhập khẩu nguyên liệu đang diễn ra “cầm chừng” giống như kịch bản năm 2008, nhưng mãnh liệt hơn nhiều. Nghĩa là, trong khi nhu cầu nhập khẩu vẫn tăng, tồn kho nguyên liệu nhập khẩu lại đang mỏng thì các doanh nghiệp đang đợi thời cơ để tăng mạnh nhập khẩu trở lại.

Thứ hai, tỷ giá VND/USD tăng 2,1% vào trung tuần tháng 8 không khác gì “cú sốc” đối với hoạt động nhập khẩu, bởi nó “cộng hưởng” với yếu tố giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh.

Bởi lẽ, với tỷ giá cũ, 1 tỷ USD nguyên liệu nhập khẩu chỉ có giá 19.100 tỷ VND, nhưng “sau một đêm” đã có giá 19.500 tỷ VND và sang tháng 9 đã có giá 20.457 tỷ VND, tức là tăng tổng cộng 1.357 tỷ VND, tương đương với 7,11%.

Thứ ba, trong khi hoạt động nhập khẩu bị “hãm phanh” bởi tác động “kép” của giá cả và tỷ giá, thì hoạt động xuất khẩu đương nhiên được hưởng “lợi kép” cũng từ hai yếu tố này.

Rõ ràng, khoản “lợi kép” đối với 1 tỷ USD hàng hoá xuất khẩu cũng là 1.357 tỷ VND như tính toán nói trên.

Việc tỷ lệ nhập siêu của nước ta giảm chậm từ 19,4% ở thời điểm giữa năm 2010 xuống 18,8% vào tháng 7 và 18,6% vào tháng 8, nhưng tháng 9 giảm mạnh xuống 16,3% có phần rất quan trọng của tác động “kép” nói trên ở cả đầu vào nhập khẩu lẫn đầu ra xuất khẩu.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, trong khi hoạt động xuất khẩu được kích thích mạnh mẽ, thì ngược lại, hoạt động nhập khẩu bị “hãm phanh” nên tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh.

Nhưng với thị trường trong nước, những biến động như vậy trong xuất, nhập khẩu lại không khác gì một “cú sốc” được nhân đôi. Bởi lẽ, cả hàng hóa xuất khẩu được giá lẫn hàng hoá nhập khẩu tăng giá đều đẩy giá hàng hoá trong nước tăng. Đây chính là nguyên nhân quan trọng hàng đầu đẩy giá tiêu dùng liên tục tăng mạnh trên ngưỡng 1% trong 3 tháng vừa qua và có nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục vượt qua ngưỡng này trong tháng 12/2010, bất chấp những nỗ lực kiềm chế lạm phát ngày càng ráo riết.

Do vậy, mặc dù nhập khẩu và nhập siêu có nhiều khả năng đang chờ cơ hội để tăng mạnh trở lại, nhưng trong điều kiện lạm phát năm nay gần như chắc chắn sẽ vượt xa ngưỡng 10%, có lẽ đã đến lúc cần “ưu tiên lực lượng” hơn cho “mặt trận đã trở nên nóng bỏng” vượt xa mọi dự kiến này.

Nguyễn Đình Bích

đầu tư

Các tin tức khác

>   Bối rối trước nền kinh tế 2011 đầy biến động (21/12/2010)

>   Việt Nam tăng trưởng ngay cả khi thế giới khủng hoảng (21/12/2010)

>   Gần 8,4 tỉ USD đầu tư ra nước ngoài (21/12/2010)

>   CPI tháng 12 tại Hà Nội tăng 1,83% (20/12/2010)

>   Phú Yên: Thu hút gần 19.000 tỷ đồng qua 24 dự án (20/12/2010)

>   Giá tiêu dùng TP HCM tăng dưới 10% (20/12/2010)

>   CPI và nhập siêu ở mức nào? (20/12/2010)

>   Thắt chặt tiền tệ có là lời giải cho ổn định vĩ mô? (20/12/2010)

>   Đón làn sóng đầu tư thứ ba của Mỹ (20/12/2010)

>   Thủy điện Sơn La về đích sớm (20/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật