Thủy điện Sơn La về đích sớm
Sáng 25-12 tới, Tổ máy số 1 (công suất 400 MW) của thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, sẽ chính thức phát điện, vượt tiến độ trước 2 năm theo Nghị quyết của Quốc hội. PV Tiền Phong có mặt tại công trường những ngày chạy nước rút.
|
Toàn cảnh Thủy điện Sơn La . |
Dấu ấn sức trẻ
Con đường từ thành phố Sơn La lên Mường La gồ ghề, chơi vơi bên bờ vực ngày nào giờ là con đường nhựa mịn bóng, uốn theo dòng sông Đà hùng vĩ. Ngày trước, để lên được Mường La, phải đi mất nửa ngày thì nay chỉ khoảng 45 phút ôtô.
Nhìn từ xa, Thủy điện Sơn La sừng sững giữa đất trời Tây Bắc. Phía cửa xả, thác nước đổ ầm ầm, bọt tung trắng xóa. Từng đoàn xe nối đuôi nhau chở đất cát vào ra. Những chiếc cần cẩu cao chót vót, quay vòng giữa trời xanh.
Những mốc chính
- Ngày 2-12-2005: Thủy điện Sơn La chính thức khởi công và ngăn sông đợt 1
- Ngày 23-12-2008: Ngăn sông đợt 2
- Ngày 15-5-2010: Ngăn sông đợt 3 và tích nước
- Ngày 17-12-2010: Phát điện Tổ máy số 1 lên lưới điện quốc gia
- Dự kiến tháng 5-2011: Phát điện Tổ máy 2 và 3 lên lưới điện quốc gia
- Trong năm 2012 sẽ phát điện các tổ máy: 4, 5 và 6
- Cuối 2012: Toàn bộ Dự án Thủy điện Sơn La hoàn thành |
Trên cao nhìn xuống đại công trường, hàng nghìn con người đang mải miết làm việc, bất chấp cái rét thấu xương để kịp tiến độ giao ước thi đua nước rút đã đề ra: 125 ngày đêm vì mục tiêu đưa Tổ máy số 1 vận hành vào cuối tháng 12-2010.
Thời gian 125 ngày đêm nay chỉ tính bằng giờ. Vì thế, để đẩy nhanh tiến độ, nhiều kỹ sư trẻ đã phải làm việc 3 ca, không kể ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Họ đóng đinh ở thủy điện hằng ngày, mặc mưa nắng, gió rét.
Tôi gặp kỹ sư trẻ Bùi Phương Nam, người phụ trách phòng kỹ thuật Thủy điện Sơn La. Vì là người phụ trách kỹ thuật các hạng mục quan trọng của thủy điện nên Nam thường xuyên có mặt để kiểm tra, giám sát. Cho đến thời điểm này, khi giờ G sắp điểm, đã mấy tháng trời Nam không có thời gian để về Hà Nội thăm vợ con.
Anh tâm sự: "Mình phải hy sinh thôi vì mấy ngày nữa lễ mừng phát điện Tổ máy số 1 diễn ra rồi. Dù mọi việc đã hoàn tất và Tổ máy số 1 đã chính thức hòa lưới điện quốc gia".
Trước khi về làm việc tại Thủy điện Sơn La, Nam được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cử đi học thạc sỹ tại Thái Lan. Học xong về nước là anh lên với Sơn La, nên thời gian dành cho vợ con rất ít.
"Nhiều khi nhớ vợ, con nhưng không biết phải làm sao. Anh em kỹ sư trẻ khác cùng cảnh ngộ nên thường động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ" - Nam tâm sự.
Nam vừa được Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La.
Tại công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, còn nhiều kỹ sư trẻ khác xem thủy điện như ngôi nhà chung. Vũ Huy Tư, sinh năm 1983, quê Nam Trực, Nam Định, tốt nghiệp Khoa Xây dựng công trình điện (học Đại học Thủy Lợi xong là về đầu quân cho Thủy điện Sơn La.
Tư cho biết đã làm việc ở đây được gần 4 năm, với nhiệm vụ chính là giám sát thi công bê tông thường, bê tông đầm lăn. Vì đang trong giai đoạn nước rút nên dù rất nhớ con gái mới 8 tháng tuổi và người vợ trẻ, trong căn phòng trọ ở Hà Nội, Tư vẫn phải nằm lì ở công trường. Theo quy định, cứ 3 tuần, cán bộ công nhân viên sẽ được về thăm nhà 4 ngày nhưng Tư ít khi về.
Phát điện an toàn
Để đẩy nhanh tiến độ Nhà máy Thủy điện Sơn La, ngay từ những năm 2002-2003, EVN đã cho đầu tư các hạng mục công trình giao thông trọng yếu nối liền từ thành phố Sơn La vào tận chân công trình ở huyện Mường La.
Ngoài việc đầu tư xây dựng cảng Tà Hộc để vận chuyển vật liệu bằng đường thủy, EVN còn cho xây dựng các cầu vượt Sông Đà dẫn vào các khu phụ trợ, lán trại cho cán bộ công nhân viên. Tiếp đó là xây dựng các cơ sở nghiền sàng, trộn bê tông... nên đến khi dự án được Quốc hội phê duyệt thì tất cả đều đã được chuẩn bị, sẵn sàng cho một đại công trường.
Thời điểm này, khi có mặt tại Thủy điện Sơn La, tôi được chứng kiến nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành. Ngoài Tổ máy số 1 đã lắp đặt xong và hòa lưới điện quốc gia, Tổ máy số 2 và số 3 cũng sắp hoàn thiện.
Hiện, gánh nặng đang đổ dồn về nhà thầu lắp máy LILAMA. Kỹ sư trẻ Nguyễn Duy Quang, 23 tuổi (quê ở Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, việc lắp đặt rotor Tổ máy 2 sắp hoàn tất. Để đẩy nhanh tiến độ, lúc nào LILAMA cũng huy động hàng nghìn kỹ sư, công nhân...
Nhiều kỹ sư lắp máy trẻ cho biết, trong quá trình thi công, đã áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến nhằm rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình. Chẳng hạn việc thi công tổ hợp ống khuỷu buồng xoắn tại bãi lắp ráp rồi mới vận chuyển vào trong nhà máy để không mất thời gian và chiếm diện tích thi công của các đơn vị khác. Nhờ đó, việc lắp mỗi tổ máy rút ngắn được khoảng 4 tháng so với phương án thi công ban đầu.
Mấy ngày qua, kể từ khi Tổ máy số 1 chính thức hòa lưới điện quốc gia (ngày 17-12), tất cả thông số kỹ thuật đều tốt, máy chạy êm và không có sự cố nào.
Những cái nhất
Nói về những cái nhất của Nhà máy Thủy điện Sơn La, kỹ sư Bùi Phương Nam cho biết, nhất thì có nhiều lắm. Cái dễ thấy nhất đó chính là Nhà máy Thủy điện Sơn La có công suất thiết kế 2.400 MW với 6 tổ máy, là nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Không những thế, khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ bổ sung cho lưới điện quốc gia bình quân 10,2 tỷ KWh/năm.
|
Phòng điều hành trung tâm Thủy điện Sơn La |
Cùng nằm trong hệ thống bậc thang trên Sông Đà, Thủy điện Sơn La không chỉ có vai trò quan trọng là cung cấp điện năng mà còn có tác dụng chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ.
Một trong những cái nhất đó là đập bê tông RCC (bê tông đầm lăn) to nhất và hiện đại nhất hiện nay với hơn 2,6 triệu m3 đã hoàn thiện từ rất sớm. Đây chính là nỗ lực phi thường của một tập thể lớn sau gần 2 năm thi công trong điều kiện thời tiết nhiều bất lợi, nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện kỹ thuật khắt khe. Thủy điện Sơn La còn là thủy điện đạt tiến độ thi công nhanh nhất; có hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại nhất (máy xúc đạt 2,3 m3; ô tô chở được tới 40 tấn).
Ngoài ra, Thủy điện Sơn La còn có đội ngũ kỹ sư hùng hậu nhất và khả năng làm chủ công nghệ tốt nhất hiện nay và chủ yếu là lực lượng thanh niên trẻ (chiếm 70%), được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước.
Đời sống vật chất, tinh thần (khu thể thao, internet, căng tin phục vụ ăn uống, phương tiện đi lại...) ở Thủy điện Sơn La được trang bị đầy đủ, hiện đại. Điều này đã tạo ra một cuộc sống đầy đủ tiện nghi cho lực lượng trực tiếp tham gia thi công công trình nên anh em luôn yên tâm công tác.
Lực lượng kỹ sư trẻ tại Thủy điện Sơn La có trình độ chuyên môn cao, tiếng Anh tốt, đủ để làm việc trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt, với các gói thầu thiết bị do nước ngoài cung cấp, các kỹ sư trẻ đã trực tiếp cùng với các nhà thầu bàn bạc thiết kế công nghệ, giám sát tiến độ cung cấp thiết bị chứ không bị động, lúng túng.
Vốn đầu tư tăng khoảng 60%
Theo số liệu được báo cáo tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu vào cuối năm 2009, so với dự toán ban đầu trình Quốc hội khóa 11 tại kỳ họp thứ 2 (năm 2002), tổng dự toán vốn đầu tư Dự án Thủy điện Sơn La đã tăng khoảng 14.000 tỷ đồng (tăng 39%). Đến nay, tổng mức đầu tư hiệu chỉnh là 58.483,412 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La là 34.900,141 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay trong quá trình xây dựng là 8.208 tỷ đồng). Dự án thành phần di dân tái định cư là 20.293,821 tỷ đồng; dự án thành phần giao thông tránh ngập là 3.289,450 tỷ đồng.
Như vậy, số vốn đầu tư cho Thủy điện Sơn La đã tăng khoảng 60% so với Nghị quyết của Quốc hội. |
Phong Cầm
TIỀN PHONG
|