Chủ Nhật, 19/12/2010 14:45

Khi các nhà tài trợ nói thẳng

Sau những thành tựu đã được ghi nhận và ngợi ca, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam hẳn đã rút ra được nhiều bài học quý từ những nhận định sâu sắc và thẳng thắn của các nhà tài trợ tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) vừa kết thúc hồi tuần qua.

Thành tích tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam dường như là một điều không cần bàn cãi, nhưng không phải không có những mặt trái của tấm huy chương. Đó là cảnh báo từ các nhà tài trợ.

Tăng trưởng nhanh và cái giá phải trả

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), năm 2010 sẽ là năm chứng kiến quy mô nền kinh tế Việt Nam có thể vượt ngưỡng 100 tỷ USD với tốc độ tăng GDP cao hơn 6,5%. Thế nhưng, tỷ lệ lạm phát 11 tháng đầu năm đã ở mức 9,6%. WB dự báo lạm phát cho cả năm nay của Việt Nam sẽ vào khoảng 10,5%, dù Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định, Chính phủ đang hết sức nỗ lực để kiềm chế chỉ số này ở mức 8,5%. Bên cạnh tỷ lệ lạm phát cao, Việt Nam còn phải đối mặt với sức ép về tiền tệ, mức dự trữ ngoại hối sụt giảm, thị trường chứng khoán có phần ảm đạm và chênh lệch lãi suất quốc gia cao so với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh khác ở châu Á.

Như vậy, mặc dù là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, Việt Nam cũng là một ngoại lệ so với xu hướng của các thị trường mới nổi nói chung (là đồng tiền mạnh hơn, luồng vốn đổ vào mạnh mẽ và dự trữ ngoại hối tăng). Tỷ lệ đầu tư tiếp tục ở mức rất cao và việc Việt Nam chỉ đạt được mức tăng trưởng quanh 7%/năm trong khi đầu tư đến 42% GDP cho thấy việc cải thiện hiệu quả sử dụng vốn là một nội dung bắt buộc trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Ông Masato Miyazaki, quan chức khu vực của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bổ sung, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ vượt quá mục tiêu năm nay là 25%. Đây là mức “quá cao” đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại tăng lên mức 1,3 tỷ USD trong tháng 11 và mức thâm hụt tài khoản vãng lai (không kể vàng) được dự báo ở mức dưới 7% của GDP là vẫn còn rất lớn.

Việt Nam ở đâu trong chuỗi sản xuất toàn cầu?

Tập trung phân tích về các đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam hiện nay, WB nhìn nhận, Trung Quốc đang trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm, tổng chu chuyển thương mại Việt - Trung vẫn thấp hơn một chút so với khối ASEAN (lần lượt là 21,25 tỷ USD và 21,3 tỷ USD), nhưng tốc độ gia tăng xuất nhập khẩu Việt - Trung lớn hơn nhiều. Điều đáng nói là tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng từ khoảng 13% (năm 2004) lên gần 24% trong năm 2010. Việc nguồn nhập khẩu chính của Việt Nam là Trung Quốc và các nước Đông Á khác đã giải thích vì sao Việt Nam tiếp tục có thặng dư thương mại với các nước phát triển nhưng lại bị thâm hụt rất lớn với các đối tác thương mại trong khu vực.

Kinh tế gia trưởng của WB tại Việt Nam, ông Deepak Mishra phân tích, thực tế này cho thấy hai đặc điểm quan trọng.  Một là Việt Nam vẫn chưa xâm nhập được vào mạng lưới sản xuất toàn cầu với điểm kết thúc là châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Thứ hai, Việt Nam là điểm cuối của mạng lưới sản xuất toàn cầu của nhiều mặt hàng chi phí thấp, sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày dép...).

Đừng “một bước tiến lại một bước dừng”

Giải tỏa phần nào lo ngại của các nhà tài trợ về lạm phát tăng mạnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, Chính phủ đã tiến hành chính sách điều chỉnh lãi suất chủ chốt, bắt đầu thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. “Chúng tôi mới điều chỉnh một tháng và vẫn đang tiếp tục theo dõi”, ông nói. Người đứng đầu ngân hàng trung ương của Việt Nam công nhận, thị trường tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam còn nhiều thách thức phía trước, nhất là tính ổn định để tạo lòng tin vững chắc, lâu dài đối với tâm lý xã hội và tâm lý thị trường.

Đó cũng là quan điểm của các nhà tài trợ. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ công bố trong tháng 11 vừa qua của Chính phủ Việt Nam là “tích cực nhưng chưa đủ”, và rằng Việt Nam nên thiết lập một chính sách tiền tệ dài hạn rõ ràng nhằm định hướng đạt được một mức lạm phát gần hơn lạm phát trung bình từ 2 đến 4% của các nước ASEAN trong khu vực..., trong khi WB mô tả chính sách tiền tệ của nước ta là “bước tiến - bước dừng”. Dẫn chứng rất cụ thể các động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước, WB nhấn mạnh: “Với tình hình lạm phát gia tăng và thị trường ngoại hối tiếp tục bất ổn, Chính phủ cần truyền đi một thông điệp rõ ràng và nhất quán về cam kết của mình nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn”.

Hoàn toàn hữu ý, trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị của mình, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, không quên nhắc lại khuyến cáo hạn chế sử dụng những biện pháp hành chính. Chính phủ Việt Nam cần chuẩn bị những công cụ quản lý gián tiếp để không “bóp méo” thị trường; trong đó bao gồm những chính sách cạnh tranh và chính sách tiền tệ. Các doanh nghiệp nhà nước - dù đã mất đi “chiếc áo giáp” chứa đựng nhiều đặc quyền là Luật Doanh nghiệp Nhà nước (đã hết hiệu lực từ 1/7/2010) để hoạt động dưới hành lang pháp lý chung là Luật Doanh nghiệp - vẫn “cần được quản lý chặt chẽ hơn, theo phương pháp quản lý hiện đại, trong đó, minh bạch hóa báo cáo tài chính là một giải pháp hàng đầu”, bà Kwakwa khuyến cáo.

Thêm 7,9 tỷ ODA cam kết cho Việt Nam

Trong tổng số ODA cam kết nói trên tại Hội nghị CG lần này, tổng tài trợ song phương đạt 3,3 tỷ USD và tài trợ đa phương là 4,6 tỷ USD. Đứng đầu về lượng vốn ODA cam kết vẫn là nhà tài trợ đa phương Ngân hàng Thế giới (WB) và nhà tài trợ song phương Nhật Bản.

“Tại hội nghị CG năm ngoái, các nhà tài trợ đã cam kết trên 8 tỷ USD, nhưng trong đó có khoảng 1 tỷ USD là khoản hỗ trợ khẩn cấp để ứng phó với khủng hoảng”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết.

Như vậy, nếu kể cả khoản viện trợ vừa được cam kết, tổng vốn ODA đã được dành cho Việt Nam qua 18 kỳ hội nghị CG đã lên tới 64 tỷ USD.

Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế 7 - 7,5%, thực hiện khâu đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị lớn…, Việt Nam sẽ phải huy động nhiều nguồn vốn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong kế hoạch 5 năm theo giá thực tế dự kiến khoảng 290 tỷ USD, trong đó vốn nước ngoài chiếm khoảng 30%. Trong 5 năm tới, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư huy động từ bên ngoài, vốn ODA cam kết dự kiến phải đạt khoảng 32 - 34 tỷ USD, giá trị ODA ký kết mới khoảng 18 - 22 tỷ USD và thực hiện vốn ODA 15 - 17 tỷ USD.

Bình An

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Cẩn trọng với những dự án FDI “hoành tráng” (19/12/2010)

>   Sự ổn định ở ngay trước mắt (18/12/2010)

>   Đường cao tốc vẫn chưa tắt lún (18/12/2010)

>   Việt Nam không dễ có tên trên bản đồ F1 thế giới (17/12/2010)

>   300 triệu đôla hỗ trợ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (17/12/2010)

>   DN Việt đầu tư ra nước ngoài: Tiền 'ra' cao, lợi nhuận thấp (17/12/2010)

>   Bắt đúng “bệnh” của nền kinh tế ! (17/12/2010)

>   Trung Quốc mạnh có lợi cho Việt Nam (17/12/2010)

>   Mỹ dẫn đầu đầu tư FDI vào Việt Nam (16/12/2010)

>   Chuyên gia nước ngoài đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam (16/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật