Thứ Sáu, 17/12/2010 16:09

Việt Nam không dễ có tên trên bản đồ F1 thế giới

Có lẽ, thông tin về việc Việt Nam có thể xây dựng trường đua xe F1 chỉ nên dừng ở mức… tham khảo trong thời điểm hiện nay.

Một góc trường đua F1 tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Mới chỉ là ý tưởng

Liên tục trong mấy ngày qua, các mạng tin tức thể thao lớn trên thế giới như ESPN, Motorsport… đều đăng tải thông tin về việc ông Hans Geist, chuyên gia hàng đầu về các dự án phát triển trường đua xe công thức 1 (Formula 1), nói về kế hoạch xây dựng một trường đua tại Việt Nam.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã xác nhận việc lãnh đạo Cục đã có buổi làm việc với ông Hans Geist để trao đổi về dự án mà nhà đầu tư này đưa ra.

Cụ thể, phía chủ đầu tư dự tính đặt trường đua trên một khu đất rộng 300 ha, bên bờ Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với chi phí xây dựng khoảng 150 triệu USD. Thời gian dự kiến để xây dựng trường đua này là 3 năm và sau khi hoàn thành, Việt Nam có thể đăng cai một chặng trong giải F1 thế giới hàng năm.

Cũng theo nhà đầu tư này thì việc đăng cai các chặng của giải công thức một thế giới sau khi trường đua hoàn thành cũng là một cơ hội tốt để phát triển kinh tế tại khu vực miền trung Việt Nam. Với hơn 200 thương hiệu cùng với giới truyền thông toàn cầu quy tụ, F1 là cơ hội tốt để mang hình ảnh của Việt Nam ra thế giới.

|Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đây mới chỉ là ý tưởng và được đề xuất bởi một cá nhân, khác với việc một nhà đầu tư cụ thể nộp một hồ sơ xin cấp phép dự án.

“Thực tế, nhà đầu tư chỉ mới dừng ở việc tiếp xúc và tìm hiểu khả năng thực hiện. Việc họ tiếp xúc là một chuyện, còn việc có triển khai dự án này tại Việt Nam hay không lại là chuyện khác”, ông Đông nói.

Vấn đề là ở chỗ, các ý tưởng đầu tư vào Việt Nam thì không hề… thiếu. Có chăng, khác biệt là vì ý tưởng này liên quan đến F1, một môn thể thao quá nổi tiếng.

Trải nghiệm F1 và tính khả thi

Thế giới hiện có hàng trăm trường đua lớn nhỏ khác nhau, nhưng đủ điều kiện để đua kiểu F1 thì chỉ có 19 trường đua được chọn, tính cho đến mùa giải 2010, trong đó có 8 trường đua tại châu Á (Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Abu Dhabi và Bahrain).

Với sức hút đặc biệt của môn thể thao này, nhiều nước trên thế giới rất muốn có trường đua F1 và đưa được môn này về với mình, nhưng hành trình đó không đơn giản.

Người viết bài này may mắn có được trải nghiệm thực tế từ một cuộc đua F1 ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào thời điểm trường đua này mới khai trương, và qua đó hình dung được độ khốc liệt của việc đưa F1 về một quốc gia nào đó, thậm chí còn khốc liệt hơn chính cuộc đua F1 hàng năm.

Theo ông Philippe Tardivel, một người Pháp làm việc cho đội đua công thức 1 Renault và từng có hai năm làm việc cho hãng Renault tại Việt Nam, thì cơ hội cho những nước như Việt Nam trong thế giới F1 là không nhiều.

Khi Thượng Hải khánh thành trường đua F1, hầu như toàn bộ những người trong làng công thức 1 đều bị... choáng. Bốn trăm triệu USD đã được thành phố đầu tầu về kinh tế tại Trung Quốc chi ra để xây dựng trường đua này, và đó là một khác biệt cơ bản với hầu hết các trường đua khác.

Theo ông Philippe Tardivel, ở các nước châu Âu, các trường đua được các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh. Còn ở Thượng Hải, trường đua là do Chính phủ Trung Quốc đầu tư. “Tự bỏ tiền xây trường đua công thức 1 là một việc tốn kém và là thách thức khó vượt qua cho các chính phủ, chẳng hạn như Việt Nam”, ông nói với các nhà báo Việt Nam.

Vấn đề là, nếu chính phủ không đứng ra làm, thì sẽ phải trông đợi vào các nhà đầu tư. Nhưng trên phương diện kinh doanh, tính đến hiệu quả kinh doanh thuần túy từ việc xây dựng trường đua là ảo tưởng.

Việc Thượng Hải bỏ ra bốn trăm triệu USD cho ba ngày ồn ào và sau đó đóng cửa cả năm nhưng vẫn phải bảo trì thường xuyên là một điều quá xa xỉ.

Nếu một nhà đầu tư bỏ tiền ra, họ phải tính đến khả năng thu hồi vốn cũng như các điều kiện về đất đai, thuế, khả năng triển khai các dự án liên quan… mà họ có thể nhận được từ chính phủ nước sở tại.

Có rất nhiều nước muốn làm trường đua F1, nhưng hội tụ đủ các điều kiện để làm được thì lại là chuyện khác. Một quốc gia hơn hẳn Việt Nam về công nghiệp du lịch là Thái Lan cũng chưa thể có được trường đua F1, chưa kể nhiều “đại gia” khác của thế giới như Nga và Mỹ.

Soi chiếu vào điều kiện thực tế của ngành công nghiệp F1 và tình hình Việt Nam hiện nay, chắc chắn, việc xây dựng trường đua F1 vẫn chỉ dừng ở mức ý tưởng trong vài năm tới. Hơn nữa, từ việc xây được trường đua đến việc được chấp nhận đưa vào hệ thống đua F1 là một hành trình rất dài.

Anh Minh

TBKTVN

Các tin tức khác

>   300 triệu đôla hỗ trợ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (17/12/2010)

>   DN Việt đầu tư ra nước ngoài: Tiền 'ra' cao, lợi nhuận thấp (17/12/2010)

>   Bắt đúng “bệnh” của nền kinh tế ! (17/12/2010)

>   Trung Quốc mạnh có lợi cho Việt Nam (17/12/2010)

>   Mỹ dẫn đầu đầu tư FDI vào Việt Nam (16/12/2010)

>   Chuyên gia nước ngoài đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam (16/12/2010)

>   FDI vào Việt Nam năm 2010: Những thay đổi lớn (16/12/2010)

>   7 dự án giao thông lớn chờ nhà đầu tư (16/12/2010)

>   Chấm dứt thu hút đầu tư bằng mọi giá (16/12/2010)

>   Các nhà cung cấp phụ tùng của Honda muốn đầu tư ở TPHCM (15/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật