Thứ Sáu, 17/12/2010 11:32

Bắt đúng “bệnh” của nền kinh tế !

Trao đổi với DĐDN xung quanh việc xây dựng nội dung Báo cáo thường niên - doanh nghiệp Việt Nam năm 2010 của VCCI, bà Đỗ Hồng Hạnh - Trưởng đại diện Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) tại Việt Nam cho rằng, báo cáo cần hướng tới chỉ đúng “bệnh” của nền kinh tế, doanh nghiệp.

Bà Đỗ Hồng Hạnh cho rằng, báo cáo có ý nghĩa rất lớn đối với vận động chính sách, bởi lẽ VCCI là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Những sản phẩm nghiên cứu của VCCI sẽ tiếp cận các nhà hoạch định chính sách theo kênh chính thống. Tuy nhiên, ý nghĩa đó chỉ có thể đạt được cao nhất nếu sản phẩm đó nêu bật được những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có những dẫn chứng khoa học, các thông điệp đưa ra rõ ràng và phải bắt đúng “bệnh” của nền kinh tế thì tác động sẽ lớn. Và, báo cáo này đang đi đúng hướng như vậy.

- Vậy, nhìn một cách tổng thể, bà đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay ?

Trong báo cáo “Môi trường Kinh doanh 2011: Tạo khác biệt cho doanh nghiệp” của IFC và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tăng 10 bậc, lên thứ 78 nhờ những cải cách tốt nhất nhằm tạo điều kinh doanh thuận lợi trong năm 2009/2010. Mặc dù vậy, vấn đề lớn nhất của môi trường kinh doanh ở Việt Nam năm nay là bất ổn về kinh tế vĩ mô. Nó khiến các doanh nghiệp rất khó tiên liệu, khó lên kế hoạch kinh doanh trước, độ rủi ro cao khiến các doanh nghiệp lưỡng lự trong các kế hoạch đầu tư.

Các rủi ro vĩ mô này không chỉ ảnh hưởng từ bên ngoài mà nó còn bắt nguồn từ cơ cấu của nền kinh tế, đó là những vấn đề mang tính “bệnh kinh niên” của nền kinh tế. Chính sự bất ổn đó dẫn đến phản ứng chính sách của năm nay, vì phải đối phó với những bất ổn quá lớn và đột ngột trong môi trường kinh tế rất mở nên những phản ứng đôi khi mang tính chất đối phó và giật cục bằng các biện pháp hành chính.

- Trong bối cảnh như vậy, những giải pháp Việt Nam nên thực  hiện là gì, thưa bà ?

Tôi cho rằng, những biện pháp hành chính có thể làm “hạ hỏa” được những bất ổn vĩ mô. Tuy nhiên về lâu về dài cần có giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế. Bên cạnh đó, cách tiếp cận chính sách cần dài hạn hơn và dự đoán được.

Vấn đề thứ hai của môi trường kinh doanh đã có những đột phá về thể chế. Chẳng hạn chúng ta đã có Luật doanh nghiệp mới, đặt tất cả các thành phần kinh tế trên một  mặt bằng, tuy nhiên thực hiện nó như thế nào lại là cả một vấn đề. Hiện cần sớm ra được hướng dẫn cụ thể, nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước, cần tạo cho họ hoạt động trong khuôn khổ mới, đặt các doanh nghiệp trên cùng một mặt bằng cạnh tranh.

Ba khuyến nghị mà theo tôi rất cần được quan tâm là :

Thứ nhất, là thay đổi động lực dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế, không chỉ dựa vào những thay đổi tăng trưởng ngắn hạn mà phải dựa vào dài hạn, chẳng hạn như tăng năng suất và năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, là vai trò của Nhà nước trong điều hành kinh tế, chuyển từ can thiệp sang tạo điều kiện, tạo các điều kiện cần thiết.

Thứ ba, là cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Tôi cho rằng ba hướng đó sẽ là những nguyên tắc chủ đạo để chi phối chính sách kinh tế và tạo môi trường cạnh tranh hấp dẫn hơn.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Theo bà, môi trường kinh doanh như hiện nay sẽ tác động thế nào tới sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ?

Theo tôi để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần có bộ tiêu chí đánh giá cụ thể. Nếu những bất ổn vĩ mô không được cải thiện sẽ rất khó để các doanh nghiệp cải thiện được năng lực cạnh tranh. Trước mắt họ phải loay hoay đối phó với tỷ giá, lãi suất... trước khi họ nghĩ đến chuyện nâng cao năng suất hay đào tạo kỹ năng lao động cho người lao động. Những vấn đề ngay trước mắt là những vấn đề cấp cứu, chữa cháy và chừng nào chưa ổn định được môi trường vĩ mô sẽ rất khó để giải quyết vấn đề dài hạn mang tính cơ cấu.

Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là cần thiết phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô thì doanh nghiệp mới có thể bình tâm để đầu tư vào những giải pháp dài hạn, nâng cao năng lực cạnh tranh...

- Cụ thể là doanh nghiệp nên làm như thế nào, thưa bà?

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động lên kế hoạch dài hạn, cơ bản, kỹ năng lao động, năng suất... chứ đừng cạnh tranh về giá, cạnh tranh về hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh bằng đối đầu trực tiếp theo kiểu người ta làm gì mình cũng làm. Michael Poter đã nói: “Việt Nam đừng cố gắng bắt chước, làm những gì mà Trung Quốc đã làm” tức là thay vì đối đầu trực tiếp thì anh hãy tìm một thị trường ngách mà mình có lợi thế đặc biệt để tập trung vào. Hãy xây dựng lợi thế cạnh tranh không phải bằng giá rẻ, mà phải dựa trên chất lượng và sự khác biệt của sản phẩm. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư vào những vấn đề dài hạn hơn, ví dụ như đào tạo lao động, nâng cao năng suất, đầu tư dài hạn. Về vấn đề công nghệ, tôi cho rằng sáng tạo ra công nghệ sẽ khó, các doanh nghiệp nên đi cùng với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước làm doanh nghiệp trung tâm và doanh nghiệp nhỏ làm nhà cung ứng cho họ, thông qua đó học công nghệ cũng như cách quản lý của họ để áp dụng.

Trên thực tế mối liên hệ giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân rất ít, thậm chí là chưa có, FDI chủ yếu sản xuất và xuất khẩu phục vụ thị trường nước ngoài, còn phần phối hợp với doanh nghiệp trong nước rất ít. Về vấn đề này tôi có thể lấy ví dụ: ngành công nghiệp sản xuất ôtô của Thái Lan. Họ đã phát triển các nhà cung ứng phụ trợ, từ khung xe, lốp xe, các chi tiết nhựa, cao su... để phục vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, họ xây dựng các cụm, ngành xung quanh các doanh nghiệp FDI. Hay Costa Rica có một ví dụ rất điển hình là Intel, sau khi đầu tư vào Costa Rica, họ đã rất thành công xây dựng ngành công nghiệp IT xung quanh Intel. Việt Nam đã có Intel rồi, các doanh nghiệp cũng nên nhìn Costa Rica là một kinh nghiệm để học tập.

- Xin cảm ơn bà !

Quốc Anh thực hiện

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Trung Quốc mạnh có lợi cho Việt Nam (17/12/2010)

>   Mỹ dẫn đầu đầu tư FDI vào Việt Nam (16/12/2010)

>   Chuyên gia nước ngoài đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam (16/12/2010)

>   FDI vào Việt Nam năm 2010: Những thay đổi lớn (16/12/2010)

>   7 dự án giao thông lớn chờ nhà đầu tư (16/12/2010)

>   Chấm dứt thu hút đầu tư bằng mọi giá (16/12/2010)

>   Các nhà cung cấp phụ tùng của Honda muốn đầu tư ở TPHCM (15/12/2010)

>   TP HCM "nghèo" hơn Hà Nội (15/12/2010)

>   Cơ cấu và tỷ lệ giải ngân FDI chuyển dịch tích cực (15/12/2010)

>   Để sẵn sàng đón giai đoạn mới của ODA (15/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật