Cơ cấu và tỷ lệ giải ngân FDI chuyển dịch tích cực
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2010 chứng kiến sự chuyển hướng đáng chú ý với việc vốn đăng ký giảm nhưng lượng giải ngân lại tăng. Cơ cấu FDI cũng có sự thay đổi.
Phân tích về những thay đổi trên của dòng vốn FDI, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (CFIS), Đại học Quốc Gia Hà Nội, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoà i- Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phan Hữu Thắng cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc biến động của kinh tế thế giới cũng như những thay đổi trong nội tại nền kinh tế Việt Nam.
Tỷ lệ giải ngân sẽ tiếp tục khả quan
Tính trong 11 tháng năm 2010, vốn FDI đăng ký đã giảm 40% nhưng vốn giải ngân tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2009.
Theo ông Phan Hữu Thắng, các đối tác đầu tư truyền thống của Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan, EU, Hoa Kỳ… gần đây đã kiểm soát và điều chỉnh dòng vốn đầu tư ra bên ngoài, trong bối cảnh một số nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến, từ đó, ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, những hạn chế của Việt Nam như cung cấp điện, cơ sở hạ tầng dịch vụ, nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc các thủ tục có thể đã khiến một số đối tác cân nhắc hơn khi đầu tư.
“Cần phải tích cực tháo gỡ được một số nút thắt như vừa nêu, nếu không khả năng thu hút đầu tư nước ngoài sẽ giảm trong năm 2011. Tuy nhiên, giải ngân FDI thì lại thực hiện tốt vì Chính phủ ngày càng chú trọng hơn đến giải ngân để rút ngắn khoảng cách giữa vốn đăng ký và thực hiện".
Ông Phan Hữu Thắng tin tưởng, với sự đôn đốc của Chính phủ kết hợp với sự quan tâm của chính quyền địa phương thì sẽ đẩy được vốn thực hiện lên, củng cố sự tin tưởng của các nhà đầu tư.
Theo dự báo của CFIS, vốn FDI thực hiện năm 2011 sẽ tăng không nhiều so với năm nay, chỉ khoảng 11-12 tỷ USD. Với dự báo dài hạn hơn, cơ quan này cho rằng giai đoạn 2010-2015, thu hút vốn FDI có thể đạt 150 tỷ USD với tỷ lệ vốn thực hiện đạt 50%.
Hướng sang công nghiệp chế tạo
Sự giảm sút của vốn FDI đăng ký một phần do việc những dự án bất động sản, các khu khách sạn nghỉ dưỡng du lịch đã giảm mạnh trong năm nay.
Sau khi giành 2 vị trí đầu vào năm 2009 thì đến tháng 11 năm nay, lĩnh vực lưu trú ăn uống đã tụt xuống vị trí thứ 6 trong xếp hạng các lĩnh vực có vốn FDI đăng ký lớn nhất, trong khi kinh doanh bất động sản ở thứ hạng 3, nhường chỗ cho công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất phân phối điện, khí, nước.
Ông Phan Hữu Thắng cho biết thêm, hiện lĩnh vực bất động sản ở một số phân đoạn thị trường có dấu hiệu chững lại, tiến độ triển khai một số dự án có vốn FDI năm 2010 giảm hơn so với 2009 và 2008, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Cùng với sự biến động tỉ giá USD như hiện nay, khả năng mua bán của thị trường trong nước cũng sẽ chậm lại… nên FDI vào lĩnh vực bất động sản cũng như dịch vụ lưu trú ăn uống năm 2011 có thể sẽ không tăng cao.
CFIS dự báo cơ cấu đầu tư vào bất động sản, dịch vụ lưu trú ăn uống, nông lâm nghiệp sẽ thay đổi và chắc chắn FDI vào công nghiệp, xây dựng sẽ tiếp tục tăng.
Về đối tác đầu tư FDI, ông Thắng cho rằng việc Hà Lan đứng đầu chỉ là hiện tượng cá biệt, bởi trong tổng số vốn 2,1 tỷ USD của Nhà máy điện Mông Dương 2, phần vốn góp của nhà đầu tư Hà Lan chiếm tới 90%.
Các doanh nghiệp EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan Trung Quốc đều có cái nhìn khả quan, luôn đánh giá và xếp hạng cao về môi trường đầu tư Việt Nam, cho thấy sẽ tiếp tục là những đối tác đầu tư lớn trong thời gian tới.
Văn Chính
Chính phủ
|