Thứ Tư, 15/12/2010 22:14

Để sẵn sàng đón giai đoạn mới của ODA

Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thể hiện sự ủng hộ chính trị, lòng tin “trông giỏ bỏ thóc” của các nhà tài trợ đối với Việt Nam, đóng góp tích cực về nhiều mặt cho Việt Nam và đang bước vào giai đoạn mới.

Để phù hợp với giai đoạn mới của ODA với những xu hướng mới như phần không hoàn lại sẽ được thay bằng cho vay, phần ưu đãi của việc vay vốn sẽ giảm đi,… có một số điểm cần lưu ý.

Nguồn lực quý, nguồn lực kép

Vai trò nguồn lực quý, nguồn lực kép của ODA biểu hiện trên nhiều mặt, trong đó có 4 mặt chủ yếu.

Trước hết, đây là một nguồn vốn tương đối lớn. Lượng vốn cam kết tính đến nay đã đạt khoảng 72 tỷ USD, số vốn ký kết đạt trên 45 tỷ USD, số vốn giải ngân đạt khoảng gần 29 tỷ USD.

LƯỢNG VỐN ODA GIẢI NGÂN QUA CÁC NĂM (Triệu USD):

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Lượng vốn cam kết, ký kết, giải ngân vẫn tăng và đạt được quy mô khá ngay cả trong những năm Việt Nam bị tác động của cuộc khủng hoảng khu vực (1997-1998) hay suy thoái kinh tế thế giới (năm 2009 đạt đỉnh điểm về lượng vốn cam kết, ký kết và giải ngân; năm 2010 trong điều kiện kinh tế thế giới hồi phục còn khó khăn, nhưng lượng vốn cam kết vẫn đạt 7,9 tỷ USD,…)

Nếu tính bằng VND theo tỷ giá VND/USD bình quân từng năm, thì tỷ lệ lượng vốn ODA giải ngân (tính trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội) đạt khoảng 9,5% - một tỷ lệ đáng kể xét cả về hai mặt: một mặt là đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; mặt khác là góp phần cải thiện cán cân thanh toán, giảm sức ép tăng tỷ giá VND/USD.

Thứ hai, trong tổng lượng vốn ODA vừa qua, có khoảng 20% là vốn viện trợ không hoàn lại, góp phần vào việc cân đối ngân sách, có khoảng 80% là vốn vay. Ngay cả nguồn vốn vay này thì cũng được ưu đãi về nhiều mặt. Thời hạn vay khá dài, thường lên đến khoảng 40 năm. Lãi suất vay thường khá thấp, trung bình chỉ vào khoảng 0,75%/năm. Thời gian ân hạn lên đến 10 năm… Tổng hợp các yếu tố trên và với sự mất giá của USD, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã thông báo Việt Nam được hưởng không tới 80%, số thực phải trả chỉ còn khoảng 20%.

Thứ ba, ODA đã tác động đến nhiều ngành và lĩnh vực quan trọng.

Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông chiếm tỷ trọng lớn nhất, với rất nhiều công trình được xây dựng nâng cao bằng nguồn vốn này, như Quốc lộ 5, 10, 18, đường xuyên Á đoạn TP.HCM – Mộc Bài, đường hầm đèo Hải Vân, các cảng Cái Lân, Tiên Sa, Sài Gòn, các cầu lớn Mỹ Thuận, Cần Thơ, Thanh Trì, Bãi Cháy, hệ thống thông tin liên lạc ven biển, điện thoại nông thôn và Internet cộng đồng,…

Năng lượng và công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, với sự cải tạo, nâng cấp, phát triển mới nhiều công trình, như các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Phú Mỹ, Ô Môn,… các nhà máy thuỷ điện Hàm Thuận - Đa My, Đại Ninh,…; cải tạo, phát triển mạng tuyền tải và phân phối điện quốc gia,…

Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kết hợp xoá đói giảm nghèo chiếm tỷ trọng lớn thứ ba, với các chương trình, dự án như giảm nghèo các tỉnh vùng núi phía Bắc, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, dựa vào cộng đồng, phát triển kinh tế miền Trung, cấp nước giao thông và điện khí hoá nông thôn, thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long, nhiều dự án phát triển nông thôn kết hợp xoá đói giảm nghèo khác,..

Cấp thoát nước và phát triển đô thị; y tế, giáo dục – đào tạo; môi trường, khoa học, kỹ thuật; các ngành và lĩnh vực khác,.. cũng đã được cải thiện với sự góp sức của ODA.

Thứ tư, quan trọng hơn tiền, ODA đã thể hiện sự ủng hộ chính trị, lòng tin “trông giỏ bỏ thóc” của các nhà tài trợ đối với Việt Nam. Lòng tin này xuất phát từ sự ổn định về chính trị của Việt Nam, vào những tín hiệu khả quan về kinh tế của Việt Nam.

Tín hiệu khả quan của kinh tế Việt Nam được thể hiện trên nhiều mặt. Thời gian tăng trưởng liên tục của Việt Nam tính đến năm 2010 này đã lên đến năm thứ 30 – dài thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau kỷ lục 33 năm của Cộng hoà Nhân dân Trung hoa, trong đó, Việt Nam tăng trưởng ngay cả trong những năm bị khủng hoảng hoặc bị tác động của cuộc khủng hoảng trong khu vực hay trên thế giới.

Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 30 năm qua đạt 6,8%/năm; năm 2010 ước đạt 6,7%, cao hơn 2 năm trước, vượt mục tiêu đề ra và đang tiến tới phục hồi. Đáng lưu ý, Việt Nam đã chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình vào năm 2010 và phấn đấu để thực hiện mục tiêu cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào cuối thập kỷ tới; đã cơ bản thực hiện được mục tiêu thiên niên kỷ,…

Sẵn sàng đón những xu hướng mới

Bước chuyển vị thế của Việt Nam được xác lập vào năm 2010, khi GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đạt khoảng 1.160 USD, tức là chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình.

Việt Nam đang bước vào thập kỷ thực hiện mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, cũng tức là chuyển từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp, chuyển từ nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) sang nhóm nước có thu nhập trung bình cao (trên 3.200 USD).

Việc chuyển vị thế giữa hai thập kỷ cũng là bước chuyển sang giai đoạn mới của ODA vào Việt Nam. Xu hướng trong giai đoạn mới của ODA bao gồm các nội dung chủ yếu là phần không hoàn lại (cho không) sẽ được thay bằng cho vay; phần ưu đãi của việc vay vốn sẽ giảm đi, được thay bằng vốn với lãi suất cao hơn, thậm chí là những khoản vay thương mại có thể được sử dụng thay thế. Để phù hợp với giai đoạn mới của ODA, có một số điểm cần lưu ý.

Trước hết, đẩy nhanh việc giải ngân số vốn ODA đã ký kết, đẩy mạnh việc ký kết đối với số vốn đã cam kết để hoàn thành mục tiêu trong thời kỳ 2006-2010, đồng thời tạo sự “gối đầu” cho giai đoạn sau năm 2010.

Thứ hai, sau năm 2010, một mặt cần tận dụng số vốn ưu đãi để ưu tiên cho các chương trình mục tiêu; mặt khác cần chuyển việc sử dụng ODA ít ưu đãi cho các lĩnh vực mà chương trình, dự án có khả năng hoàn vốn cao, tạo được nguồn thu, có khả năng trả nợ chắc chắn.

Tiếp theo, vì ít ưu đãi hơn, vì vay với lãi suất cao hơn, nên cần nâng cao hiệu quả đầu tư của nguồn vốn này, để vừa trả nợ nhằm củng cố lòng tin của nhà tài trợ; vừa đạt được mục đích vay của Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần hạn chế đến mức thấp nhất sự lãng phí, thất thoát; đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thi công để tận dụng thời gian ân hạn, hạn chế tác động của biến động giá cả, đưa nhanh công trình vào sử dụng.

Bên cạnh đó, cần chuyển dần trách nhiệm quản lý trực tiếp nguồn vốn cho chủ sở hữu vốn để nâng cao trách nhiệm cho các chủ đầu tư trong việc quản lý, sử dụng để nâng cao trách nhiệm của họ, với sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý các cấp.

Ngoài ra, mở rộng đối tượng các loại hình kinh tế ở trong nước được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ODA.

Cuối cùng, một vấn đề quan trọng là làm sao để có quỹ trả nợ sau này. Việt Nam đã thực hiện việc trả nợ đầy đủ và đúng hạn, được các nhà tài trợ đánh giá cao. Tuy nhiên, cần lưu ý: số trả nợ của Việt Nam ngày một tăng lên; số vay mới còn lại được sử dụng sẽ không còn nhiều, nếu trừ đi số nợ cũ phải trả. Vì vậy, cần chú ý đến hiệu quả và chủ động trả nợ.

Minh Ngọc

Chính phủ

Các tin tức khác

>   Việt Nam có thể sở hữu trường đua F1 trị giá 150 triệu USD (15/12/2010)

>   Cẩn trọng với FDI đăng ký và thực hiện (15/12/2010)

>   Quản lý nợ công và trách nhiệm giám sát của Quốc hội (14/12/2010)

>   Hơn 1 tỉ USD cho hai đường sắt cao tốc tại TP.HCM (14/12/2010)

>   Bùng nhùng quanh dự án FDI cho thuê, rao bán (14/12/2010)

>   Tập đoàn Nhật xây nhà máy lọc dầu 5 tỷ USD tại Việt Nam (14/12/2010)

>   TNS: Chỉ số lạc quan của người tiêu dùng Việt Nam tăng (14/12/2010)

>   Nhật Bản rút bài học Trung Quốc ở Việt Nam (14/12/2010)

>   Ảnh hưởng lạm phát từ Trung Quốc (14/12/2010)

>   Việt Nam làm gì để phồn vinh cạnh "cái bóng" Trung Quốc? (14/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật