Chuyên gia nước ngoài đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam
Nằm trong khu vực sẽ tiếp tục là đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần có chính sách hợp lý nhằm đảm bảo phát triển kinh tế bền vững giai đoạn hậu khủng hoảng.
Kỳ 1: Thực trạng kinh tế Việt Nam qua con mắt các chuyên gia nước ngoài
Thạc sỹ Phạm Nam Kim, cựu Giám đốc Ngân hàng bang Vaud, chuyên gia tư vấn chiến lược về tài chính tại Thụy Sĩ nêu những nguy cơ gây bất ổn đối với kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Thạc sỹ Kim, trong đó mối đe dọa trầm trọng nhất là mảng kinh tế “ảo”. Điển hình thứ nhất là lĩnh vực địa ốc, đầu cơ trên lĩnh vực này đã đưa đến một mức giá nhà đất hoàn toàn ảo, đắt nhất thế giới, trong khi GDP trên đầu người là 1.095 USD, xếp hạng thứ 139 trên thế giới (theo IMF). Mọi nhà đầu tư, cá nhân hay doanh nghiệp (ngay cả các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước) đều đổ xô đầu tư vào lĩnh vực địa ốc. Tài nguyên của cả nước được dùng để xây cất những cao ốc, chung cư cao cấp, không phải để ở mà để mua đi bán lại. Tất nhiên những đầu tư trên không giúp gì cho sự phát triển của nền kinh tế “thực” mà nó còn là nguyên nhân gây bất ổn và căng thẳng cho xã hội như vấn đề nhà ở cho người dân. Hiện tại, chính phủ chưa có một biện pháp cụ thể nào để thay đổi tình hình này, ngay cả việc đánh thuế trên lợi nhuận kinh doanh nhà đất cũng đang bị rất nhiều vướng mắc trong việc áp dụng đại trà.
Thứ hai là lĩnh vực “tiết kiệm – đầu tư”. Kinh tế của một quốc gia chỉ có thể phát triển khi biết tiết kiệm và biết biến tiết kiệm thành đầu tư trong những lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng. Tuy nhiên, tiết kiệm phải dài hạn mới có thể dùng để tài trợ những dự án. Đặc trưng của Việt Nam là tiết kiệm của dân hoặc của các tổ chức chỉ trên căn bản ngắn hạn, dù bằng USD hay trên VNĐ, và hệ thống ngân hàng duy trì và nuôi dưỡng tính ngắn hạn này của nguồn tiết kiệm. Ngoài ra, dân chúng tiết kiệm bằng vàng, một lĩnh vực không giúp được gì cho nền kinh tế. Vô hình chung, tiết kiệm quốc gia là một dòng tiền luôn luôn di động theo tiêu chí đầu cơ, nay thì để ở ngân hàng, mai rút hết, đầu tư chứng khoán, chứng khoán xuống thì đổ hết vào USD, kinh doanh địa ốc và những tháng vừa qua thì xếp hàng đi mua vàng. Đó là những biểu hiện chính của sự bất ổn của nền kinh tế Việt Nam và chính quyền cũng chưa có phương án hữu hiệu để bài trừ tệ đầu cơ này.
Trong khi đó, bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) của Tạp chí Economist (Anh) dự báo viễn cảnh kinh tế Việt Nam cho 2011 tới suốt 2014 là một điểm sáng trên nền kinh tế thế giới. Theo dữ liệu của (EIU), đây là nền kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng mạnh đạt mức trung bình hàng năm 6,7% (GDP thực tế) và 7,2% từ 2012 – 2014.
Mặc dù dự báo tương lai cho viễn cảnh kinh tế Việt khá lạc quan, nhưng EIU thông báo rằng, chính phủ đã đưa ra những tín hiệu khác nhau trong chỉ dẫn về chính sách tài chính và tiền tệ. Vấn đề chính mà chính sách kinh tế Việt Nam phải đối mặt là làm thế nào để kiềm chế áp lực lạm phát trong khi cùng một lúc phải cố gắng hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, EIU dự báo rằng, châu Á sẽ là khu vực mạnh nhất trong lĩnh vực tăng trưởng kinh tế 2010-2011 và nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ quan điểm lạc quan về viễn cảnh dài hạn của Việt Nam. Nó sẽ khiến tăng trưởng trong đầu tư sản xuất nở rộ trong hai năm tiếp theo. Hơn thế nữa, ngành xây dựng cũng sẽ đươc hỗ trợ trong giai đoạn 2010-2011 do đầu tư quốc gia và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Và, theo ước tính dữ liệu thông tin của EIU thì “Tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ, với chức năng như động lực chính của mở rộng kinh tế năm 2009, cũng sẽ gia tăng, với các dịch vụ bán lẻ và tài chính là nhân tố đóng góp chính cho tăng trưởng”.
Một yếu tố chính có thể ảnh hưởng tới viễn cảnh kinh tế Việt Nam là liệu kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng ở tỉ lệ cao hay không. Lo lắng đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu trước mắt của Trung Quốc. Nếu kinh tế Trung Quốc phát triển chậm hơn thì sau đó, kinh tế Việt Nam có thể chịu tác động bất lợi vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.
Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC), xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2011, Việt Nam tăng 10 bậc. Việt Nam hiện đứng thứ 78/183 nước có mức độ thuận lợi kinh doanh năm 2011. Việt Nam đứng thứ 4 trong các nước có mức độ cải thiện tốt nhất trong bảng xếp hạng 2011. Đặc biệt, nếu tính 5 năm gần đây, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc về mức độ cải thiện, nhờ tạo thuận lợi cho việc thành lập Doanh nghiệp bằng cách áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhà và chuyển việc chứng nhận quyền sở hữu nhà cho Sở Tài nguyên và Môi trường khiến việc cấp phép xây dựng trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt, hệ thống thông tin tín dụng có rất nhiều cải thiện, khi người đi vay được phép kiểm tra báo cáo tín dụng của mình và được quyền sửa các thông tin sai lệch.
Giải pháp đảm bảo phát triển bền vững
Thạc sỹ Kim đưa ra một số giải pháp nhằm đảm bảo tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững cho giai đoạn “hậu khủng hoảng”.
Theo ông Kim, kinh tế thế giới đã trả một giá rất đắt khi nuôi dưỡng trong 40 năm một mảng kinh tế “ảo” dựa trên đầu cơ và những sản phẩm phái sinh và đã đưa đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại. Việt Nam đã tránh được cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng từ 15 năm nay đã vướng phải mảng kinh tế “ảo” khác, như đã nói ở trên.
Muốn xây dựng một nền kinh tế bền vững Chính phủ Việt Nam phải loại bỏ mảng kinh tế ảo và xây dựng một nền móng phát triển dựa trên kinh tế “thực”.
Muốn vậy, đầu tiên phải đưa ra chính sách mới về nhà, đất và chặn đứng đầu cơ trong lĩnh vực này bằng những biện pháp thuế gắt gao, nhất là đối với cho việc mua đi bán lại. Thứ hai, là chỉnh đốn lại lĩnh vực tiết kiệm – đầu tư bằng cách tái thiết kế những công cụ tiết kiệm, và đánh thuế mạnh lợi nhuận dựa trên đầu cơ.
Để đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế thực, Việt Nam nên có một chiến lược phát triển mang đến sự khác biệt tích cực so với các đấu thủ cạnh tranh. Thật vậy, trên trường quốc tế đang diễn ra một cuộc chiến khốc liệt, suy thoái kinh tế toàn cầu đưa đến sự cân bằng hóa trong lĩnh vực thương mại thế giới giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia mới nổi. “Cuộc chiến tiền tệ thế giới” hiện tại là một chứng minh cụ thể cho thấy các nước phát triển đang dùng đủ mọi cách để tăng trưởng xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, một chiến lược theo chiều hướng “công xưởng thế giới” như của Trung Quốc những thập niên vừa qua, “vựa nông sản”, “tài nguyên thiên nhiên” hay “lao động rẻ tiền” như những quốc gia trong khu vực, khó có thể có sức cạnh tranh. Chiến lược tạo khác biệt phải dựa trên sự hiểu biết cặn kẽ thị trường, người tiêu thụ và nhất là chất lượng. Việt Nam nên theo gương Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ II, từ một nước mang tiếng xấu là chỉ biết sản xuất đồ kém chất lượng nay đã là tấm gương trên thế giới về sản xuất đồ chất lượng cao.
Nhưng trước mắt, năm 2011, kinh tế thế giới chưa thể hoàn toàn hồi phục, mức tăng trưởng ở những quốc gia phát triển sẽ còn khoảng 0,5% đến 1%, số vốn nhàn rỗi khổng lồ trên thế giới luôn luôn tìm kiếm tối ưu hóa đầu tư và những năm vừa qua họ đã hướng về các nước đang nổi. Việt Nam phải cố hết sức thu hút nguồn đầu tư này. Năm 2010, họ đã không chọn đầu tư ở Việt Nam vì nền kinh tế, tài chính của Việt Nam bất ổn, vì Việt Nam chưa có một chính sách nhất quán đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và đã làm cho các nhà đầu tư mất lòng tin.
Trong năm 2011, muốn thu hút những nguồn đầu tư của thế giới, Việt Nam phải thể hiện rõ sự nhất trí đặt lên hàng đầu mục tiêu tăng trưởng GDP, những chỉ tiêu kinh tế, tài chính khác đều nhất thời phụ thuộc vào mục tiêu chính, muốn như vậy, chính sách tài chính phải được vạch rõ và đi theo một cách nghiêm túc, không thể để xảy ra những đột biến của năm 2010 một lần nữa.
Tất nhiên, đầu tàu cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam chính là những tập đoàn quốc doanh và Việt Nam không thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng khi chính những tập đoàn nhà nước lại là những tấm gương xấu. Giải quyết vấn đề này, Việt Nam phải giải quyết mâu thuẫn hiện tại khi một mặt khẳng định tôn trọng quy chế thị trường, nhưng mặt khác điều hành 60% nền kinh tế này thông qua quy chế đặc biệt của những tập đoàn quốc doanh và chính những tập đoàn này phải đối mặt với các đối thủ nước ngoài với những luật chơi của thị trường tự do. Việc kiểm tra, tái kiểm tra những tập đoàn này để tránh xảy ra một vụ Vinashin thứ hai hoàn toàn vô ích, nó chỉ làm cho việc quản lý khó khăn, nặng nề hơn. Tốt hơn hết Việt Nam nên đặt hẳn các tập đoàn này dưới sự quản lý của thị trường cạnh tranh, có lợi nhuận thì tồn tại, không có lợi nhuận sẽ bị sa thải. Tất nhiên, chính phủ sẽ không trợ giúp, không cho một quy chế đặc biệt nào và khoản đầu tư của nhà nước sẽ được quản lý theo luật thị trường./.
Khánh Lâm (Theo các báo nước ngoài)
TỔ QUỐC
|