Trung Quốc mạnh có lợi cho Việt Nam
"Chúng ta phải hoàn thiện từ cách suy nghĩ, cách làm việc đến tất cả các thứ khác của mình. Ai đó lo sợ sự phát triển của Trung Quốc, còn cái tôi lại lo ngại chính là bên trong của mình" - doanh nhân Lê Kiên Thành.
Với vị trí lãnh đạo ngân hàng hiện nay và kinh nghiệm đã có trong lĩnh vực này, đồng thời là người đang lo toan cho những DN sản xuất kinh doanh khác, ông Lê Kiên Thành - Uỷ viên Hội đồng quản trị Ngân hàng SHB, CEO thuộc bảng xếp hạng VNR 500 đã trả lời và chia sẻ với các bạn những thực tế mà các DN và ngân hàng đang gặp phải.
|
Ông Lê Kiên Thành |
Bằng những thông tin thực tế, sự hiểu biết và lo lắng của một doanh nhân từng trải và đang "đứng mũi chịu sào" tại nhiều tổ chức kinh doanh; là người muốn đóng góp điều đó cho xã hội, đang có nhiều khát vọng cống hiến, góp sức xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế tự chủ và giàu mạnh, những thông tin và quan điểm mà anh chia sẻ sẽ rất thú vị không chỉ người kinh doanh mà tất cả bạn đọc quan tâm.
Thị trường có nóng thì mới có đầu cơ
TS. Trần Vinh Dự: Ngày hôm qua, có một thông tin khá nóng hổi, Hãng xếp hạng Tín dụng toàn cầu đã hạ điểm xếp hạng Việt Nam từ hạng BA3 xuống hạng B 1, đứng thứ 14 từ trên xuống. Theo anh điều này sẽ ảnh hưởng đến DN cũng như vấn đề tín dụng của Việt Nam?
Ông Lê Kiên Thành: Xếp hạng như bạn nói là một thông tin không vui nhưng nó chỉ phản ánh một phần nào tình trạng kinh tế nước ta hiện nay. Trong qúa trình phát triển có lúc lên xuống và ta hãy coi đó là bình thường. Hãy bình tĩnh nhìn sâu vào bức tranh kinh tế, để chúng ta làm mọi điều tốt lên. Để bản thân nền kinh tế đi lên, điều đó mới là quan trọng.
TS. Trần Vinh Dự: Trong số lý do để Quỹ tín dụng toàn cầu đánh tụt hạng Việt Nam là do tốc độ lạm phát cao. Đến tháng 11 lạm phát của chúng ta đã đến 11%. Bên cạnh đó, cán cân thương mại chưa được cải thiện, nợ xấu trong DN và vụ Vinashin...
Ông nghĩ thế nào về cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi trong thời gian gần đây, nhất là các DN có nhu cầu vay tiền?
TS. Lê Kiên Thành: Tài chính Ngân hàng là ngành kinh doanh tương đối đặc biệt. Bản thân nó đã phản ánh toàn bộ nền kinh tế. Nó khác các ngành khác ở chỗ đó.
Ta hình dung nền kinh tế như cơ thể thì Tài chính ngân hàng như hệ tuần hoàn, gồm hệ thần kinh - tim máu - nuôi sống cơ thể. Khi máu chạy khắp cơ thể nó có phát hiện bệnh tật ở mọi nơi và phản ánh ngược lại qua nhịp đập, huyết áp. Vì thế vì sao khi khám bệnh người ta đo huyết áp trước.
Trong nền kinh tế cũng vậy, ngành tài chính ngân hàng phản ánh bức tranh của nó nhưng nó còn phản ánh trung thực nhất nền kinh tế hiện tại.
Chúng ta sẽ nhìn lại tài chính ngân hàng như tài chính ngân hàng và soi xét những vấn đề của nó thì đôi khi lại phiến diện.
Chúng ta hãy nhìn xem vì sao có cuộc đua lãi suất. Ngân hàng không có tiền và để có tiền thì tăng lãi suất. Vậy đầu ra của nó ở đâu? Nhìn vào mảng kinh doanh thu hút mảng tiền lớn ví dụ kinh doanh bất động sản chúng ta thấy một dự án, một loạt khu đô thị, căn hộ...
Nhưng trong quá trình vừa qua dường như chúng ta bị ám ảnh bởi bong bóng bất động sản (BĐS) và nhà nước đưa ra một loạt chính sách kìm hãm nó lại. Lập tức nó bị đóng băng.
Đến bây giờ chúng ta muốn hâm nó lại mà nó không nóng lên. Tác động vào nó có rất nhiều chính sách người ta sợ đầu cơ. Người ta sợ cái gì đó nóng lên là do đầu cơ. Tuy nhiên, theo tôi, khi có cái gì đó nóng lên thì mới có đầu cơ. Và như thế, tiền đã đổ ra đầu tư vào những dự án đó không ai mua cả.
Rồi khi chúng ta muốn hâm nó lại vì nó lại chẳng nóng lên. Lâu nay, người ta cứ nghĩ, đầu cơ làm thì trường nóng lên. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác, thị trường có nóng lên thì mới có đầu cơ.
Thực tế, ít có nhà đầu cơ dám bỏ nhiều tiền ra để làm nóng lên cái gì đó. Không nên quy kết nhà đất nóng lên là do đầu cơ. Nhận định này hơi vội vàng, làm tác động đến chính sách, gây ra làn sóng không tốt trong kinh doanh BĐS.
Nhiều người cứ nghĩ, như thế thì người nghèo, người có thu nhập thập thấp sẽ có cơ hội mua nhà. Song thực tế, không phải vậy. Trong khi đó, một nguồn vốn lớn đầu tư vào thị trường BĐS - một kênh kinh tế lại không có cơ hội quay trở lại.
Vấn đề thứ hai, là tiền đi đâu?
Tôi thấy hiện nay nhiều công trình lớn nhưng làm sau 2-3 năm sau không thể sử dụng được như cầu Nguyễn Hữu Cảnh. Công trình này có thể là vốn ODA nhưng vốn đối ứng của chúng ta không hề nhỏ. Vốn đối ứng từ đâu nếu không phải là từ ngân hàng đi ra.
Có một số nghịch lý: khi mà chúng ta nghĩ bắc cây cầu không thôi thì đất bên Thủ Thiêm đắt lên một cách kinh khủng và chúng ta không có đủ sức tiền đền bù để làm những con đường để sử dụng những cây cầu này.
Tại sao chúng ta không bỏ ra phần tiền nhỏ quy hoạch lại khu Thủ Thiêm để khi xây cầu chúng ta có đủ tiền làm các bước tiếp. Khi chúng ta xây cầu đất đắt lên hàng chục lần, chúng ta không có đủ khả năng đền bù giải toả tiếp. Qua nhiều năm, cách làm này dẫn đến sự trì trệ nền tài chính.
Một phần nữa khi đã có chuyện này xảy ra, ứng xử người làm ngân hàng mang tính cục bộ của DN mình hơn cái chung. Đòi hỏi người chủ ngân hàng vì cái chung thì hơi khó nhưng họ chỉ hiểu đơn giản tôi huy động 17% tôi cho vay 19% đằng nào tôi cũng được.
Họ không hiểu ngoài cái việc đẩy lãi suất lên cao đối với ngân hàng là chúng ta đang đẩy chúng ta vào thế khó. Tôi cũng là DN tôi không thể hình dung ra được tôi làm cái gì ra lãi 20% một năm.
Như thế có nghĩa là ngân hàng chấp nhận khách vay của mình đang kinh doanh mạo hiểm. Sự mạo hiểm đến khi nào đó xảy ra tình trạng người chấp nhận lãi suất vay cao không trả được. Đến một lúc nào đó, Ngân hàng sẽ hứng chịu hậu quả xác suất đổ bể trong kinh doanh của người vay cao là vô cùng lớn.
TS. Trần Vinh Dự: Tôi rất đồng ý với phân tích của anh Thành nếu chạy đua lãi suất cao đến lúc nào đó khách hàng của anh sẽ nằm trong nợ nần hoặc kinh doanh rất rủi ro, về lâu dài sẽ bất lợi cho ngành tài chính ngân hàng.
Nhân về chuyện đầu tư cơ sơ hạ tầng, những thiệt hại do lỗi chính sách làm phiền lòng các nhà đầu tư. Theo anh, làm thế nào để khắc phục chuyện này? Làm sao để tư nhân tham gia xây dựng các công trình hạ tầng lớn...?
TS. Lê Kiên Thành: Để tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng tôi cho là bài toán khó vì phần lớn dự án dài hạn số lượng tư nhân có khoản tiền lớn như vậy chấp nhận rủi ro lớn không nhiều. Nếu nhà nước muốn khuyến khích họ phải cho chính sách đặc biệt.
Chính sách này phải thể hiện ở sự nhất quán tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư tư nhân mới có thể động viên tư nhân cùng với Nhà nước đầu tư.
E ngại việc ra chính sách
TS. Trần Vinh Dự: Quay về vấn dề tài chính có bạn đọc hỏi về chuyện riêng của anh. Năm 2008 anh có xin thành lập ngân hàng nhưng không được cấp phép.
Chính phủ không cho mở thêm ngân hàng mới và có vẻ tạo điều kiện cho ngân hàng yếu kém tồn tại. Về mặt cạnh tranh có vẻ đi ngược. Anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Kiên Thành: Đây là một câu hỏi hay. Theo tôi, trong các ngành kinh doanh của nước ta, ngành non trẻ nhất là ngân hàng. Chúng ta mới biết kinh doanh ngân hàng vài chục năm nay.
Đến giờ tôi có cảm tưởng người ta chưa hình dung nổi nước ta với chừng này dân thì bao nhiêu ngân hàng là đủ. Một ngân hàng tốt bao nhiêu vốn thì đủ.
Chúng ta gần 100 triệu dân với hơn 30 ngân hàng, con số đó nhiều hay ít? Thuỵ Sĩ vài triệu dân nhưng có hàng ngàn ngân hàng thì nhiều hay ít.
Chúng ta nói rằng, vốn của một ngân hàng của chúng ta 3.000 tỉ thì đảm bảo bảo hoạt động vững chắc. Còn ở Thuỵ Sĩ, một ngân hàng có vốn vài chục triệu USD nhưng họ quản lý đến bờ bên kia Thái Bình Dương, đến người Mỹ cũng phải đem tiền đến gửi.
Một ngân hàng tốt không chỉ bởi cái vốn. Ngoài cái vay và cho vay nó còn nhiều dịch vụ theo nó. Dịch vụ xung quanh mới tạo an toàn cho ngân hàng. Những ngân hàng nhỏ họ tìm hướng để kinh doanh và kinh doanh rất thành công.
Đối với chúng ta bao nhiêu ngân hàng là đủ dựa trên tiêu chí gì? Dường như chúng ta không dám cho một ngân hàng nào chết cả.
Có cảm giác rằng, nếu 1 ngân hàng nào sụp đổ thì cả nền kinh tế cũng ảnh hưởng theo. Tôi ngờ rằng những người kinh doanh ngân hàng đang ỉ vào thế đó. Tại sao Mỹ cho 200 ngân hàng sụp đổ mà không gặp vấn đề gì.
Trở lại năm 2008, tôi xin phép thành lập ngân hàng không được thực ra đó không phải chì là trường hợp của chúng tôi. Lúc đó, Nhà nước cho phép cho 9 ngân hàng và chỉ chờ ngày cắt băng khánh thành. Tuy nhiên, sau đó, đùng một cái họ chỉ cho phép 3 ngân hàng hoạt động.
Để cấm xe 3 bánh phải mất đến 6 tháng nhưng việc cấm thành lập ngân hàng chỉ được quyết định trong vòng 1 tuần lễ. Chuyện này thật sự làm tôi bị choáng. Một chính sách lớn như vậy mà chỉ trong vòng 1 tuần lễ quay ngoắt 180 độ. Vì thế tôi hơi cảm thấy e ngại về chính sách của mình.
Đứng đứng dưới bất kỳ cái bóng nào
TS. Trần Vinh Dự: Gần đây, nhiều người cho rằng chúng ta chịu sức ép quá lớn từ "cái bóng" của Trung Quốc?
Ông Lê Kiên Thành: Tôi không thích dùng từ "cái bóng" của Trung Quốc. Cá nhân tôi muốn nói, chúng ta phải ngẩng cao đầu đừng bao giờ đứng dưới một cái bóng nào đó. Chúng ta phải lớn lên.
Tôi cho rằng bất cứ nước nào nước nào phát triển hay không, như nội tại nền kinh tế chúng ta vẫn tồn tại điểm yếu và chúng ta phải xử lý tồn tại. Điều này không phụ thuộc vào sự phát triển hay không phát triển của một đất nước nào đó.
Khi chúng ta xử lý được tất cả những vấn đề nội tại đó, những yếu tố bên ngoài đến với chúng ta thì lúc đó chúng ta xử lý theo một cách hoàn toàn khác, chủ động với tư thế của một chủ thể mà chấp nhận các yếu tố bên ngoài như là một yếu tố của cuộc chơi của chúng ta.
Điều thứ hai tôi muốn nói là yếu tố bên ngoài bao giờ cũng có 2 mặt của nó. Nước Lào chắc chắn không thể nói hơn Việt Nam là vì không có biển cả và không phải hứng một năm từng ấy cơn bão.
Chúng ta chấp nhận đương đầu với từng đấy cơn bão, nhưng chúng ta lại có một cơ hội của chúng ta để khai thác một vùng biển rộng lớn như vậy, chúng ta có thể phát triển rất nhiều ngành nghề như vậy. Cho nên yếu tố bên ngoài bao giờ cũng mang tính hai mặt, và cái đúng của mình là tự bản thân chúng ta phải lớn lên ở trong điều kiện đó. Chúng ta đừng nhìn cái đó như một điều kiện xấu hay tốt.
Tôi không hiểu rằng nước Việt Nam sẽ tốt lên cạnh một đất nước rộng lớn nhưng yếu về kinh tế, hay nước Việt Nam sẽ tốt lên ở cạnh một đất nước mạnh về kinh tế.
Tôi nghĩ rằng Hồng Kông ở cạnh Trung Quốc, nhưng từ khi Trung Quốc yếu nhất Hồng Kông vẫn mạnh và đến giờ Trung Quốc rất mạnh Hồng Kông vẫn không yếu.
Đó là vì Hồng Kông họ có một cơ thể, một định chế của họ. Họ có cách thức kinh doanh của mình. Họ luôn tiếp nhận và sàng lọc được những gì là yếu tố bên ngoài và họ lợi dụng nó họ đẩy cho kinh tế của họ đi lên mà thôi.
Chúng ta hay than thở với nhau sao Trung Quốc hay trúng thầu ở Việt Nam thế. Vấn đề của chúng ta là tại sao lại ham rẻ thế, nếu chúng ta không có thói ham rẻ thế thì vấn đề nó khác.
Tôi vẫn nhớ câu của một người Mỹ nói: Tôi chưa đủ giàu để dùng đồ rẻ. Thế thì chúng ta giàu quá à? Cho nên việc của chúng ta là đừng đổ tại bên ngoài, mà phần lớn là do chính chúng ta.
Tôi nghĩ rằng, Trung Quốc mạnh lên hay mạnh lên hơn nữa thì nếu chúng ta phát triển chúng ta chỉ có lợi trong việc đó. Nhiều nước vẫn nghĩ Trung Quốc là thị trường lớn của họ, và để đến Trung Quốc, họ phải trải qua quãng đường dài và bao nhiêu khó khăn. Còn chúng ta thì ngay liền kề Trung Quốc, sao chúng ta không thấy đó là điểm mạnh?.
Hàng Trung Quốc làm rẻ chẳng hạn, tại sao chúng ta không thấy đó là một thách thức cho tất cả DN chúng ta?
Tôi thấy bộ comple Trung Quốc 200.000 đồng nhưng bộ comple của mình thì tới mấy triệu đồng, tự nhiên tôi cảm thấy bộ comple mình mặc nhiều triệu thật vô lý.
Điều đó kích thích chúng ta đi tới chuyện gì đó, ở đây vừa là thách thức, vừa là lý do để chúng ta hoàn thiện mình.
Chúng ta phải hoàn thiện từ cách suy nghĩ, cách làm việc đến tất cả các thứ khác của mình. Cho nên ai đó lo sợ sự phát triển của Trung Quốc, còn cái tôi lại lo ngại chính là bên trong của mình.
TS. Trần Vinh Dự: Cách nhìn của anh là rất tích cực. Sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội cho Việt Nam, thay vì là một thách thức. Bởi vì theo anh nếu mình nghiên cứu thật kỹ Trung Quốc, mình có thể tìm được cái mình có thể khai thác được từ sự phát triển của họ để mà mình cũng tự phát triển lên.
Nếu đứng ở góc nhìn DN tôi thấy mình đang bị sức ép về giá rẻ nên hay mua hàng của Trung Quốc. Do đó, cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc thì Việt Nam luôn luôn âm ở phía Việt Nam?Tôi nghĩ mình cạnh tranh với họ về giá chắc chắn mình sẽ thua. Cá nhân tôi không nên theo mô hình đấy. Kinh nghiệm của tôi, một số DN Việt Nam đã chọn được hướng đi có kết quả tốt, ví dụ công ty Kềm Nghĩa. DN này đã bán sản phẩm khắp thế giới. Tôi nghĩ rằng cuộc cạnh tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc còn phải nghiên cứu dài dài. Anh có chia sẻ về lập trường của tôi không?
Ông Lê Kiên Thành: Tôi nghĩ là hiện tượng Trung Quốc là hiện tượng toàn cầu, không phải chỉ chúng ta. Ngay cả Mỹ và nước khác đều nghĩ rằng, Trung Quốc là yếu tố phát triển mà họ phải tính sâu sắc trong bước phát triển của mình.
Chính vì vậy mà đơn giản hóa chuyện này, như lúc đầu mình nói, là không phải như vậy. Mỗi một nước đối diện với Trung Quốc ở góc độ khác nhau.
Chúng ta phải bình tĩnh, và quan trọng nhất là chúng ta hơn người Mỹ là gì có hàng ngàn năm sống cạnh Trung Quốc, có kinh nghiệm sống và chia sẻ bảo vệ mình.
Bài học lịch sử là gì? Chúng ta muốn phát triển, muốn tự do, bình đẳng thì chúng ta phải mạnh lên về tất cả ý nghĩa của nó. Chúng ta có đủ trí tuệ và lòng yêu nước đều phải mạnh lên. Nói như vậy hơi lý thuyết nhưng trước khi làm việc gì nên xuất phát từ đó nó sẽ giải toả phần nào đó.
"Bố tôi không cuồng tín về tư tưởng"
TS. Trần Vinh Dự: Từ đầu tới giờ câu chuyện của chúng ta toàn xoay quanh vấn đề kinh tế, nhưng có nhiều bạn đọc hỏi về cuộc sống cá nhân anh và sự ảnh hưởng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với anh.
Đã từ lâu tôi cũng có ý tìm hiểu nhiều về con đường đi của anh. Phải nói rằng tôi thật sự rất khâm phục anh. Là con trai của một vĩ nhân, anh có đủ thuận lợi để thăng tiến theo một hướng khác, được nhiều an nhàn, công danh, quyền lợi. Nhưng anh đã chọn một lối đi "tự thân", và nhiều lần quyết thay đổi vị trí của mình. Tôi muốn biết rằng: trong những quyết định làm thay đổi đó, có lúc nào anh mông lung, nuối tiếc, ân hận khôn? Nếu có, anh đã làm thế nào vượt qua điều đó?
Ông Lê Kiên Thành: Tôi rất hay gặp câu hỏi này, đặc biệt là thời gian tôi đi tiếp xúc cử tri. Trong lúc tiếp xúc với cử tri, họ thấy mình được đào tạo và xuất thân trong gia đình như vậy họ cũng hay hỏi. Nhưng khi còn sống, ông cụ luôn giáo dục con cái trong nhà là: Nếu chẳng may mà mấy đứa không có khả năng, đi làm công nhân cũng được, nhưng ba chỉ mong là hãy yêu lao động và biết yêu thương mọi người.
Ở hai điểm đó, ông muốn con mình làm gì không quan trọng kể cả làm công nhân.
Có một lần tôi tiếp xúc với tùy viên kinh tế của Đại sứ quán Mỹ. Ông ấy hỏi tôi là ông nghĩ thế nào nếu bố ông còn sống mà nhìn những công việc ông đang làm đây?
Tôi nói với ông ấy là có thể ông và một số người nữa ở đất nước tôi có cảm giác rằng ông bố tôi là một người cộng sản mang tính chất hơi cuồng tín về tư tưởng của mình, nhưng không phải như vậy.
Và tôi dẫn chứng cho ông ấy về ý thức cởi mở của bố tôi từ lúc đang còn chiến tranh. Khi đang còn chiến tranh, bom đạn ghê gớm như vậy, bố tôi xuống thăm Hải Phòng. Ông cụ gặp một cô công nhân đang làm xuất khẩu, ông hỏi: "Cháu có biết đồng đô la là gì không"? Lúc ấy, ông Đoàn Duy Thành, Bí thư tỉnh uỷ Hải Phòng bảo: "Thưa anh, đến tôi còn không biết. Thời chiến tranh nhìn đồng tiền Việt còn ít huống hồ đến đồng đô la Mỹ".
Nghe vậy ông cụ nói: "Không phải đâu chú ạ. Sau chiến tranh thì đối tác chúng ta làm ăn là Mỹ, cho nên chú phải hiểu người làm xuất khẩu ít nhất phải biết đồng đô la Mỹ là cái gì".
Ông ở Đại sứ quán Mỹ rất ngạc nhiên vì trong khi Việt Nam và Mỹ đối đầu với nhau nhất thì ông cụ đã hiểu rằng là cái việc sau đó sẽ là làm ăn với nhau. Tôi nghĩ chưa chắc ông đã cho rằng Liên Xô bây giờ là sụp đổ đâu. Điều đó là có thật. Trong hồi ký của ông Đoàn Duy Thành đã ghi lại chuyện đó.
Điều tôi học được ở ông là suy nghĩ không theo lối giáo điều, cái gì sát với cuộc sống, do cuộc sống đòi hỏi bức bách là cái thật chứ không phải điều chúng ta học hỏi ở đâu đó một cách máy móc.
Có nghị lực, kiến thức là có tất cả
TS. Trần Vinh Dự: Một bạn đọc có hỏi rằng: Em là thế hệ trẻ trong thời kỳ đổi mới. Em xin hỏi anh Thành về sự thành công của giới trẻ ngày nay cần nhứng yếu tố nào và rèn luyện kỹ năng gì cũng như làm cách nào để mình lập kế hoạch hiệu quả cho công việc và cho cuộc đời của mình. Anh nghĩ thế nào về kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm nữa?
Ông Lê Kiên Thành: Một bạn cũng hỏi tôi là khi anh có được một gia đình như thế, được chuẩn bị đẩy đủ như thế, anh có lời khuyên nào cho một người trẻ không có gì để làm ăn được không?
Tôi nói không người nào không có gì. Người nào cũng có ít nhất một nghị lực, cũng có một mong muốn, kiến thức. Nếu bạn bảo bạn không có cái đó thì không có gì thật, còn nếu bạn có thì bạn sẽ có tất cả. Chúng ta từ đó mà đi lên.
Còn 10 năm nữa kinh tế của chúng ta là cái gì? Chúng ta đừng nhìn 10 năm nữa theo kinh tế, mà tôi lo nhất 10 năm nữa chúng ta vẫn loay hoay với cải cách giáo dục như bây giờ. 10 năm nữa chúng ta không có người làm kinh tế.
Tôi đã từng nói chuyện với cử tri ở Thủ Đức: Intel họ mở nhà máy, cần 1.000 lao động. Vậy mà ngay ở một quận ở thành phố lớn nhất cả nước, khi cần 1.000 lao động phổ không đã không có. Chúng ta đừng nghĩ cao siêu. Tôi nghĩ rằng cái mà chúng ta đang tranh luận tốn bao nhiêu tiền để cái tiến trong giáo dục, tôi nghĩ để cái tiền đó cho tất cả học sinh học hết lớp 12 đi.
Tại sao bây giờ chúng ta vẫn loay hoay trong cải cách giáo dục để mà không đủ tiền để cho cả một thế hệ? Chúng ta có thể làm được điều mà chúng ta là người cộng sản, trong điều kiện đất nước nghèo nhất, tất cả học sinh được đi học và học sinh phải học lớp 12. Bởi giáo dục là nền tảng của kinh tế 10 năm nữa. Tôi có cảm tưởng hiện nay chúng ta chưa đi đúng vào thực chất đó.
Có lần tôi đi cùng bố đến một nhà máy. Ông có hỏi một giám đốc làm gì để tăng năng suất? Ông giám đốc có giải thích về chỗ đứng, thao tác...
Nhưng bố tôi nói: "Đồng chí nói đúng, nhưng nếu muốn tăng năng suất lao động có thể là cần cái quạt cho người công nhân nữ kia ngủ qua đêm. Nếu tạo điều kiện cho người lao động ngủ tốt thì hôm sau họ sẽ tạo ra sản phẩm gấp đôi. Năng suất lao động phát sinh từ cái đó".
TS. Trần Vinh Dự: Một người bạn vừa trao đổi với tôi, năm 2010 kết thúc bằng con số không và đúng với nghĩa đen của nó. Năm 2011 bắt đầu bằng nhiều sự kiện quan trọng, bắt đầu là kỳ Đải hội Đảng sắp tới. Anh có kỳ vọng gì về kinh tế Việt Nam say khù Đại hội Đảng lần này?
Thực ra, mỗi lần đến Đại hội Đảng tôi đều kỳ vọng. Chừng nào còn kỳ vọng chúng ta cũng còn đang hy vọng một điều gì đó.
Tôi thì không nghĩ như bạn năm 2010 kết thúc bằng con số không, vì ít nhất có một con số 1 đứng trước và nó có ý nghĩa rồi, tất nhiên chúng ta muốn kết thúc bằng con số 9.
Tôi nghĩ tôi cũng như tất cả người dân Việt Nam đang sống trong một đất nước, mỗi một lần đại hội Đảng đều mang một tâm trạng sắp sửa bước qua cái gì đó, với mong muốn tạo cho cuộc sống chúng ta, con em chúng ta, dân tộc chúng ta đi lên phía trước. Tôi nghĩ sự đi lên đó phụ thuộc vào phần lớn chúng ta. Chúng ta phải phấn đấu bằng mọi sức lực thì đất nước sẽ đi lên.
TS. Trần Vinh Dự: Cảm ơn anh đã có buổi chia sẻ hết sức chân tình. Còn rất nhiều câu hỏi của bạn đọc, tuy nhiên, do thời gian có hạn, xin phép lần sau có cơ hội anh Thành sẽ trả lời các bạn.
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|