Thứ Sáu, 17/12/2010 15:09

DN Việt đầu tư ra nước ngoài: Tiền 'ra' cao, lợi nhuận thấp

Phân tích số liệu của 5 tập đoàn nhà nước có lượng vốn đầu tư ra nước ngoài lớn (Petro Vietnam, TKV, Viettel, Sông Đà và Công nghiệp Cao su) cho thấy, số vốn đã chuyển ra nước ngoài đạt trên 1,24 tỷ USD nhưng hầu hết các dự án chưa có lợi nhuận.

Năm năm trở lại đây, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ, “kéo” một lượng ngoại tệ không nhỏ trong nước chảy ra nước ngoài. Hiệu quả và hạn chế của những dự án “mang chuông đi đánh nước người” này đến đâu?

Một báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập đến vấn đề này khá toàn diện, cho thấy sự cần thiết phải siết chặt công tác quản lý.

Phát triển nhanh

Bản báo cáo nói trên cho biết, bắt đầu từ năm 2006, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ĐTRNN) mới thực sự khởi sắc. Sau 5 năm, đến nay Việt Nam đã có 410 dự án ĐTRNN với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 7 tỷ USD, (tăng 3,1 lần về số dự án và 5,3 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 1999 - 2005). Quy mô vốn đầu tư bình quân đạt trên 17 triệu USD mỗi dự án, cao hơn nhiều so với các thời kỳ trước. Riêng tại Lào - quốc gia mà các doanh nghiệp Việt Nam có số dự án và vốn đầu tư nhiều nhất - đã có 178 dự án với tổng vốn đăng ký đạt trên 3,2 tỷ USD. Tại Campuchia, đã có 81 dự án do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư với tổng vốn đăng ký vào khoảng 1,3 tỷ USD… Điểm đến cho ĐTRNN của Việt Nam không chỉ là các thị trường quen thuộc trong khu vực mà còn mở sang cả các quốc gia lớn như Nhật, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, một số nước châu Mỹ La-tinh …

Hầu hết các tập đoàn lớn của Việt Nam đều “nhảy” vào lĩnh vực này, đi đầu là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam). Tính đến tháng 10/2010, Petro Vietnam đã đầu tư, góp vốn vào 25 dự án dầu khí ở 17 nước trên thế giới. Riêng 18 dự án đang trong giai đoạn triển khai thực hiện đã có tổng vốn đăng ký đạt 2,2 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt xấp xỉ 900 triệu USD, bằng 40% tổng vốn ĐTRNN của Việt Nam.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) cũng có 5 dự án đầu tư tại Lào và Campuchia với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 25 triệu USD; Tập đoàn Cao su đã có 16 dự án với tổng vốn đăng ký gần 793 triệu USD; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông có 3 dự án trị giá 7 triệu USD; Tập đoàn Viễn thông Quân đội có 5 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 251 triệu USD. Lĩnh vực thủy điện cũng có 3 dự án tại Lào được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 895 triệu USD.

Tiền “chảy” ra và những hệ lụy

Bên cạnh những tín hiệu tích cực của hoạt động ĐTRNN của các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề cập đến nhiều bất cập đáng kể từ hoạt động này.

Trước hết, ĐTRNN đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam. Đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn tại nước ngoài đồng nghĩa với việc chuyển một lượng vốn tương đối lớn trong nước ra nước ngoài, có ảnh hưởng nhất định đến nguồn vốn đầu tư trong nước; đồng thời tạo thêm gánh nặng cho cán cân thanh toán của Việt Nam – vốn đang có sự thâm hụt lớn.

Quan trọng hơn, theo báo cáo, tỷ suất lợi nhuận và hiệu quả đầu tư của các dự án này không cao. Mặc dù tốc độ chuyển vốn ra nước ngoài năm sau cao hơn năm trước nhưng tỷ suất lợi nhuận (so sánh lợi nhuận chuyển về nước với vốn chuyển ra nước ngoài) đạt tỷ lệ rất thấp, bình quân chỉ đạt  0,46% cho giai đoạn 1989 - 2010. Thống kê 300 dự án ĐTRNN cho thấy, lợi nhuận lũy kế chuyển về nước đến nay mới chỉ đạt 39 triệu USD. Trong khi tính cho đến tháng 9/2010, các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã giải ngân được số vốn gần 1,8 tỷ USD.

Phân tích số liệu của 5 tập đoàn nhà nước có lượng vốn đầu tư ra nước ngoài lớn (Petro Vietnam, TKV, Viettel, Sông Đà và Công nghiệp Cao su) cho thấy, số vốn đã chuyển ra nước ngoài đạt trên 1,24 tỷ USD, chiếm 69% tổng vốn đã chuyển ra của các thành phần kinh tế, nhưng hầu hết các dự án chưa có lợi nhuận. Phần lớn các dự án có quy mô lớn đều mang tính dài hạn, tập trung vào các lĩnh vực có thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả đầu tư chưa được lượng hóa rõ (khai khoáng, dầu khí, trồng cao su, điện).

Đặc biệt, lĩnh vực dầu khí, mặc dù đã chuyển ra nước ngoài khoảng 900 triệu USD (chiếm 49% tổng số vốn đã chuyển ra nước ngoài) nhưng thực tế đây lại là các dự án dàn trải về địa bàn đầu tư, tiềm ẩn rủi ro về chính trị, kinh tế tại nước tiếp nhận đầu tư. Đơn cử như Petro Vietnam hiện đã phải dừng 6/25 dự án do không thu được lợi nhuận từ các dự án này, trong khi số tiền đã chi cho 6 dự án là 10,6 triệu USD. Với 5 dự án của TKV tại Lào và Campuchia thì hiện đã dừng 1 dự án với số tiền đã chuyển để thực hiện dự án là 1,56 triệu USD. 4 dự án còn lại chỉ có 1 dự án có khả năng phát triển mỏ để khai thác, 3 dự án còn lại trữ lượng không đủ lớn để đầu tư khai thác và chế biến quy mô lớn. “Hiện tượng này cho thấy, về ngắn hạn, ĐTRNN đã và đang tạo nên sự mất cân đối giữa dòng tiền đầu tư ra và dòng tiền chuyển về nước của các dự án đầu tư ra nước ngoài”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.

Dễ thất thoát vốn nhà nước

Có thể thấy phần lớn các dự án ĐTRNN có quy mô lớn là các dự án có sử dụng vốn Nhà nước do các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận các khó khăn trong việc quản lý sử dụng vốn tại nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước một phần do hành lang pháp lý chưa được đầy đủ, chặt chẽ. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ sử dụng vốn nhà nước không hiệu quả, thất thoát vốn nhà nước.

Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Đơn cử tháng 6/2010, Bộ này đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư của 516 dự án ĐTRNN báo cáo tình hình thực hiện và hoạt động của dự án. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 300 dự án thực hiện báo cáo, 149 dự án không thấy phản hồi và 69 dự án đã “bốc hơi”, không còn ở địa chỉ cũ! Một số trường hợp qua kiểm tra đã xác định dự án thực hiện chuyển vốn ra nước ngoài nhưng sau đó không hoạt động, hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn mà không có báo cáo về việc xử lý vốn đã chuyển, hay báo cáo số vốn còn lại sau khi khấu trừ chi phí. Phần lớn các chủ đầu tư đã không kịp thời báo cáo về tình hình sử dụng lợi nhuận sau thuế, hoặc không chuyển lợi nhuận về nước theo đúng quy định.

Các lĩnh vực như nghệ thuật, giải trí, tài chính ngân hàng, bất động sản... tuy thuộc diện không khuyến khích đầu tư nhưng cũng đã được thực hiện đầu tư ra nước ngoài với tỷ lệ khá cao, với tổng vốn đăng ký hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 17%. Một xu hướng đầu tư khác cũng cần cảnh báo là mua sắm tài sản cố định như nhà, đất và các tài sản khác có giá trị tại nước ngoài để phục vụ mục tiêu định cư học tập, hoặc sinh sống lâu dài tại nước ngoài. “Nếu không có cơ chế giám sát và chế tài xử lý khả thi sẽ dẫn tới không kiểm soát được ngoại tệ chảy ra nước ngoài qua kênh đầu tư”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo.

Hương Viên

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Bắt đúng “bệnh” của nền kinh tế ! (17/12/2010)

>   Trung Quốc mạnh có lợi cho Việt Nam (17/12/2010)

>   Mỹ dẫn đầu đầu tư FDI vào Việt Nam (16/12/2010)

>   Chuyên gia nước ngoài đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam (16/12/2010)

>   FDI vào Việt Nam năm 2010: Những thay đổi lớn (16/12/2010)

>   7 dự án giao thông lớn chờ nhà đầu tư (16/12/2010)

>   Chấm dứt thu hút đầu tư bằng mọi giá (16/12/2010)

>   Các nhà cung cấp phụ tùng của Honda muốn đầu tư ở TPHCM (15/12/2010)

>   TP HCM "nghèo" hơn Hà Nội (15/12/2010)

>   Cơ cấu và tỷ lệ giải ngân FDI chuyển dịch tích cực (15/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật