Thứ Bảy, 18/12/2010 16:46

Sự ổn định ở ngay trước mắt

Một chuyển biến đáng ghi nhận là đến thời điểm hiện nay, hầu như mọi ý kiến của các chuyên gia kinh tế và các quan chức Chính phủ đều đã thống nhất ở một điểm: ổn định kinh tế vĩ mô phải là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, con đường đi đến ổn định lại bị nhiễu vì các ý kiến khác nhau về biện pháp.

Cứ băn khoăn về vàng

Nhiều ý kiến cho rằng vàng đang đóng vai trò quan trọng đối với tỷ giá và từ đó đưa ra những biện pháp mang tính tình thế. Có người nói nên cho nhập vàng thoải mái; có người đề xuất nên cho huy động vốn bằng vàng. Kết hợp với ý kiến này, đã xuất hiện quan niệm cho rằng số tiền người dân bỏ ra mua vàng là khoản tiền bị rút khỏi nền kinh tế, không sinh lợi nên phải tìm cách kiểm soát. Điều này có thể đúng trên bình diện cá nhân nhưng lại không chính xác trên bình diện cả nền kinh tế.

Người mua vàng phải bỏ tiền ra, tiền đó lại đi vào lưu thông, tức chỉ là sự chuyển dịch tài sản và tiền từ người này sang người khác, chẳng khác gì với các công cụ tài chính khác.

Lập luận trên chỉ đúng khi Việt Nam dùng ngoại tệ nhập vàng về nước để bán, lúc đó rõ ràng dự trữ ngoại hối bị ảnh hưởng vì vàng được nhập là vàng phi tiền tệ. Vì thế các ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp cho nhập vàng để ổn định tỷ giá cũng là ý kiến một chiều, chưa kể việc cấp giấy phép nhập vàng có thể tạo ra những khe hở cho nơi nhập hưởng lợi nhiều lần.

Vấn đề đối với vàng là làm sao để giá vàng trong nước gần như tương đương với giá vàng thế giới để giá vàng không ảnh hưởng lên tỷ giá chứ làm sao chúng ta kiểm soát giá vàng cho được.

Để giá vàng trong nước “liên thông” với giá vàng nước ngoài mà không nhập vàng vật chất hoặc nhập rất ít, có một biện pháp có thể áp dụng ngay mà TS. Lê Hồng Giang, một chuyên gia tài chính đang công tác ở Úc, từng đề xuất: cho phép thành lập các quỹ giao dịch vàng trên thị trường chứng khoán. Ông cho rằng quỹ có một mục tiêu duy nhất là đảm bảo giá trị của quỹ tăng lên/giảm xuống đúng bằng giá vàng, do đó giá chứng chỉ quỹ cũng tăng/giảm theo giá vàng.

Cách làm này sẽ chặn đứng các đợt đầu cơ vào giá vàng như vừa qua bởi khối lượng giao dịch vàng vật chất trong những thời điểm sốt vàng không đáng kể so với lượng vàng đang tồn tại trong nền kinh tế. Trung Quốc cũng vừa làm theo cách này để ổn định giá vàng trong nước.

Nên nhớ, nếu Ngân hàng Nhà nước nhập vàng làm dự trữ thì đó là vàng tiền tệ, không ảnh hưởng đến cán cân thương mại. Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới cũng do hiện tượng tồn tại song song hai tỷ giá hiện nay. Giải quyết chuyện này cũng sẽ giải quyết chuyện giá vàng một cách tự động.

Xóa bỏ hiện tượng hai tỷ giá

Tỷ giá hiện nay là bài toán khó và là hệ quả của nhiều năm lẩn tránh áp lực tỷ giá (ví dụ năm 2008 lạm phát lên đến gần 23% trong khi giá đô la Mỹ chỉ tăng 2,35% thì áp lực của năm đó sẽ dồn cho những năm sau như hiện nay chúng ta đang chứng kiến). Vấn đề trước mắt, cũng như giá vàng, là làm sao thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá “chợ đen”.

Nhiều người và nhất là doanh nghiệp đã phân tích những thiệt hại to lớn cũng như sự méo mó của thị trường khi tồn tại hai loại tỷ giá như hiện nay. Nhưng thiệt hại lớn hơn cả là cơ chế này sẽ tạo ra những mối lợi to lớn cho những ai được quyền tiếp cận dự trữ ngoại hối bằng tỷ giá chính thức, còn thiệt hại cuối cùng vẫn do người tiêu dùng gánh chịu.

Để ổn định tỷ giá theo nghĩa trên, đầu tiên cần loại trừ yếu tố tâm lý - chính sách tuyên bố phải rõ ràng và nhất quán, tập trung vào một đầu mối duy nhất. Đã đến lúc cần phải có những biện pháp mạnh hơn để xây dựng sự ổn định lại ngay từ đầu.

Với những yếu tố khác, tỷ giá chỉ tìm được sự ổn định khi các cân đối vĩ mô khác như thâm hụt thương mại không còn là mối quan ngại. Trước mắt cần khơi thông những trở ngại để dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam như đang vào các nước khác. Lúc đó, không những không còn phải lo về chuyện ổn định tỷ giá mà lại phải lo về chuyện tiền đồng lên giá! Chuyện kiểm soát dòng vốn gián tiếp để tránh thiệt hại hay bất ổn cho nền kinh tế lại là một vấn đề khác.

Hiện nay đang có những dấu hiện trái ngược nhau về dòng vốn này. Một mặt, tin tức cho thấy dòng vốn gián tiếp đang quay lại vì giá tài sản ở Việt Nam hiện đang quá rẻ so với nước khác. Mặt khác, nhà đầu tư đang lo lắng vì rủi ro làm ăn ở Việt Nam đang tăng cao. Khi đó chênh lệch tỷ giá sẽ không tác hại bằng chênh lệch giữa chi phí sử dụng vốn bình thường và chi phí cộng thêm để bù trừ rủi ro - sẽ làm dòng vốn đắt lên đáng kể.

Chống lạm phát phải thắt lưng buộc bụng

“Tôi không hiểu tại sao lại phải cần có giấy phép nhập vàng. Cách dễ nhất để điều hành cung cầu vàng, không để nó trở thành công cụ đầu cơ, là đánh thuế xuất và nhập khẩu vàng, khi cần thiết. Đây cũng là biện pháp mà nhà kinh tế chủ trương và nhiều nước đã áp dụng nhằm ngăn chặn tư bản tháo chạy”. TS. Vũ Quang Việt“

Trong lâu dài sau giai đoạn phải ổn định này, Ngân hàng Nhà nước không nên có vai trò gì hết đến thị trường vàng, mà chỉ lo ổn định lạm phát. Ngay cả ở Mỹ, Fed không bao giờ có vai trò gì trong việc ổn định giá vàng hay giá dầu”. TS. Phạm Đỗ Chí.

Lạm phát, xét về lâu về dài, luôn là hiện tượng tiền tệ, chứ không thể đổ cho giá cả thế giới tăng cao ảnh hưởng đến giá cả trong nước; loay hoay với các biện pháp, kiểm soát giá cũng ít có khả năng tạo biến chuyển nhiều. Singapore là nước có độ mở cao hơn Việt Nam nhưng chỉ số giá năm 2010 chỉ trong khoảng 2,5-3%; Malaysia: 2%; Thái Lan: 2,8%... Chính sự nới lỏng tiền tệ trước đó để cố gắng đạt được mức tăng trưởng cao là nguyên nhân chính của lạm phát.

Về khía cạnh này, chính sách đã tỏ ra sát với thực tế hơn; ưu tiên giải quyết lạm phát đã được đặt cao hơn tốc độ tăng trưởng. Thông điệp này cần được liên tục phát ra và củng cố để xây dựng niềm tin cho thị trường. Bên cạnh việc nâng lãi suất (và đừng chiều theo ý muốn của giới ngân hàng muốn đồng thuận đặt ra trần lãi suất), cần phát ra tín hiệu thắt lưng buộc bụng như đã từng làm khá thành công trong năm 2008.

Đó là tuyên bố cắt giảm đầu tư công, giãn, đình hoãn những công trình không cần thiết. Kỷ luật những nơi còn muốn chạy theo những dự án hoành tráng tốn kém tiền tỉ mà hiệu quả không thấy ở đâu. Chính phủ phải đi đầu trong lĩnh vực này, ví dụ bằng tuyên bố đình hoãn vô thời hạn dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Sự ổn định có thể đang nằm ngay trước mắt chúng ta nếu xác lập được sự nhất quán trong chính sách và trong thực thi chính sách.

Nguyễn Vạn Phú

tbktsg

Các tin tức khác

>   Đường cao tốc vẫn chưa tắt lún (18/12/2010)

>   Việt Nam không dễ có tên trên bản đồ F1 thế giới (17/12/2010)

>   300 triệu đôla hỗ trợ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (17/12/2010)

>   DN Việt đầu tư ra nước ngoài: Tiền 'ra' cao, lợi nhuận thấp (17/12/2010)

>   Bắt đúng “bệnh” của nền kinh tế ! (17/12/2010)

>   Trung Quốc mạnh có lợi cho Việt Nam (17/12/2010)

>   Mỹ dẫn đầu đầu tư FDI vào Việt Nam (16/12/2010)

>   Chuyên gia nước ngoài đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam (16/12/2010)

>   FDI vào Việt Nam năm 2010: Những thay đổi lớn (16/12/2010)

>   7 dự án giao thông lớn chờ nhà đầu tư (16/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật