Bà Jocelyn Tran (chủ tịch AmCham VN):
Đón làn sóng đầu tư thứ ba của Mỹ
Làn sóng đầu tư thứ ba từ Mỹ vào VN đang diễn ra và sẽ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Thông tin này được bà Jocelyn Tran, chủ tịch AmCham VN, đánh giá:
- Các công ty Mỹ hoạt động ở VN rất thành công. Nếu như thương mại giữa hai nước trong giai đoạn 1995-2000 chưa tới 1 tỉ USD thì đến năm 2010 đã là 18 tỉ USD. Một số công ty lớn của Mỹ như Nike, MAST Industries, Target... đã góp phần nhiều vào con số đó qua việc đặt hàng ở VN xuất qua Mỹ. Trong số 14,7 tỉ USD hàng hóa VN xuất vào Mỹ có 2/3 thuộc về các mặt hàng may mặc, giày da và đồ gỗ.
Tôi tự tin để nhận định rằng năm 2020, nghĩa là trong mười năm tới, thương mại hai nước sẽ đạt con số 35 tỉ USD. VN sẽ là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực ASEAN.
* Nhưng vẫn chưa có nhiều công ty sản xuất lớn của Mỹ vào VN?
- Đầu tư của Mỹ có thể chia làm ba giai đoạn. Làn sóng đầu tiên diễn ra từ năm 1995-2000, chủ yếu là các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng đầu tư để khai thác thị trường VN. Giai đoạn 2 từ năm 2001-2005, sau khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương. Làn sóng này đến từ các công ty đầu tư nước ngoài có quan hệ với Mỹ để xây nhà máy ở VN rồi xuất khẩu vào Mỹ, nhất là các lĩnh vực dệt may, giày da, đồ gỗ.
Các công ty Mỹ chủ yếu liên quan đến mua hàng và phân phối cho thị trường Mỹ, điều này giải thích kim ngạch xuất khẩu từ VN vào Mỹ tăng từ 1,1 tỉ USD (năm 2001) lên 14,74 tỉ USD (năm 2010). Làn sóng thứ ba bắt đầu từ năm 2006, đến từ khu vực công nghiệp chế tạo hiện đại mà bắt đầu là sự xuất hiện của Intel với nhà máy lắp ráp và kiểm định chip 1 tỉ USD.
Trong những tháng đầu năm 2010 đã có 25 công ty lớn nhất của Mỹ trong top “500 Fortune” đến VN tìm cơ hội trong các lĩnh vực dịch vụ, điện, hóa chất và ôtô... Những công ty này có doanh số tổng cộng khoảng 675 tỉ USD.
VN có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo hiện đại nhưng cũng cần mở cửa hơn trong lĩnh vực dịch vụ như điện, giao thông, viễn thông, bán lẻ, giáo dục... Bởi vì ngành chế tạo hiện đại cho thị trường toàn cầu phụ thuộc vào ngành dịch vụ hỗ trợ mạnh và có sức cạnh tranh.
Lê Nguyên Minh thực hiện
tuổi trẻ
|