Thứ Tư, 22/12/2010 23:18

Vốn FDI đổ vào ngành chế biến

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào ngành chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, cảnh báo đi kèm khá lớn.

Mặc dù lĩnh vực bất động sản bất ngờ vượt lên vị trí số 1 trong danh mục lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2010 với khoảng 7 tỷ USD vốn đăng ký mới, song dòng vốn đổ vào ngành chế biến, chế tạo vẫn tăng đều đặn cả về số dự án mới và số dự án tăng vốn, với tổng vốn thu hút khoảng 4,5 tỷ USD.

Nếu tính tới xu hướng, thì mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng cao. Trong chiến lược đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Hàn Quốc do ông Sung Seog Ki, Giám đốc Phòng Thương mại Đại sứ quán Hàn quốc (KOTRA) tại Hà Nội vừa đưa ra tại Hội thảo Môi trường và Cơ hội đầu tư tại Việt Nam sáng hôm qua (21/12), thì ngành công nghiệp tập trung kỹ thuật như điện tử, sắt thép, linh kiện vật liệu vẫn được coi là một trọng tâm cùng với hướng mở rộng sang các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, tài chính, phân phối bán lẻ…

Trước đó, trong khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) với các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm tới thị trường Việt Nam vừa được công bố vào cuối tháng 11/2010, thì công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là điện máy, cũng được coi là lĩnh vực tạo nên nhiều lợi nhuận nhất trong năm 2010. Mối quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản trong năm 2011 tới thị trường Việt Nam cũng tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, ô tô, xe máy với khoảng 81,8% doanh nghiệp được khảo sát quan tâm.

Đây là lý do để đưa ra dự báo rằng, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục tăng đều trong năm tới. Cùng với đó, các vị trí hàng đầu trong danh mục các quốc gia, nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, đi kèm với dự báo này, trong nghiên cứu về Năng lực cạnh tranh Việt Nam năm 2010 vừa được công bố, GS. Micheal Porter (Trường kinh doanh Havard) cũng nhắc tới xu hướng dịch chuyển các dự án FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên. “Vào thời điểm này, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang tìm kiếm những địa điểm có tính cạnh tranh cao hơn để thay thế một số địa điểm tại Trung Quốc. Và Việt Nam với ưu thế là vị trí địa lý, văn hoá và những lợi thế về lao động rẻ vẫn được cho là quốc gia có lợi nhất trong xu thế chuyển dịch này”, ông Micheal Porter phân tích.

Ngay bản thân các doanh nghiệp Hàn Quốc khi nói tới chiến lược đầu tư vào Việt Nam cũng thẳng thắn nói tới kế hoạch xây dựng nền tảng đầu tư ở các quốc gia phụ cận như Việt Nam, Campuchia… khi rủi ro ở thị trường Trung Quốc tăng cao. Hơn thế, quan điểm mà ông Sung Seog Ki đưa ra trong chiến lược này là tập trung mở rộng xuất khẩu với vai trò là nơi sản xuất số lượng lớn trong ngắn hạn và tấn công thị trường nội địa với số dân 100 triệu người trong dài hạn.

Có lẽ, cũng phải nhắc tới kết quả khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đối với các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực may mặc và điện tử tại Hưng Yên, Hải Dương, Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai cho thấy, các doanh nghiệp này chỉ thực hiện những khâu đơn giản nhất trong dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. Toàn bộ phần thiết kế, xác định dung lượng và các khâu tinh vi khác đều do công ty mẹ ở nước ngoài quyết định. Công ty mẹ cũng lo luôn cả việc cung cấp nguyên liệu đầu vào, phân phối và bán sản phẩm cuối cùng. Với mô hình gia công đơn giản điển hình dựa vào lao động giá rẻ và tiêu tốn năng lượng này, tác động tràn tích cực từ khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp trong nước, tới kỳ vọng về tăng năng suất lao động, tiếp cận công nghệ cao… sẽ không thể đạt được.

Như vậy, vấn đề trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ tiếp tục nổi lên câu hỏi về tính khả thi của việc thu hút các dự án tạo ra giá trị gia tăng trong nước cao, hoặc có hàm lượng công nghệ cao. Một số địa phương như TP.HCM đã rất mạnh tay khi hạn chế việc cấp phép cho các dự án FDI thâm dụng lao động trình độ thấp. Tuy nhiên, lao động có tay nghề và tính liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước dường như vẫn là rào cản cho định hướng này.

Bảo Duy

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Lãnh đạo TPHCM đối thoại với doanh nghiệp Hàn (22/12/2010)

>   "Dừng dự án bô xít Tân Rai là không khả thi" (22/12/2010)

>   Nợ công, lo chung (22/12/2010)

>   Lạm phát thực và ảo (22/12/2010)

>   CPI năm 2010 của Hà Nội, TPHCM: Trên hay dưới 10%? (22/12/2010)

>   10 sự kiện kinh tế năm 2010 (22/12/2010)

>   CPI Hà Nội bộc lộ điểm yếu (22/12/2010)

>   Đừng để "nỗi sợ" Trung Quốc dẫn dắt (22/12/2010)

>   Dòng vốn FDI 2011 đi vào thực chất (22/12/2010)

>   Khi InnovGreen xin trả lại đất “nhạy cảm” (21/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật