CPI năm 2010 của Hà Nội, TPHCM: Trên hay dưới 10%?
|
Nếu sử dụng phương pháp so sánh với cùng kỳ năm trước thì CPI năm 2010 của Hà Nội đã tăng 11.95% và TPHCM tăng 11.34%. |
(Vietstock) – CPI cả năm 2010 dưới 10% của Hà Nội và TPHCM vừa được công bố là con số tính theo phương pháp trung bình. Nếu sử dụng phương pháp so sánh với cùng kỳ năm trước thì CPI năm 2010 của Hà Nội đã tăng 11.95% và TPHCM tăng 11.34%. Câu hỏi đặt ra là nên tính theo phương pháp nào?
Kết quả khác nhau từ 2 phương pháp tính
Theo Cục Thống kê Hà Nội, CPI tháng 12 của Hà Nội tăng 1.83% so với tháng 11, tính cả năm tăng 9.56%. Còn tại TPHCM, CPI tháng 12 tăng 1.61% so với tháng trước, so với tháng 12/2009, tăng 9.58%.
Chúng tôi nhận thấy CPI cả năm 2010 dưới 10% của hai thành phố này là con số CPI tính theo phương pháp trung bình mới được Tổng cục Thống kê công bố trong một vài năm gần đây.
Tính toán của chúng tôi cho thấy, nếu sử dụng phương pháp so sánh với cùng kỳ năm trước thì CPI năm 2010 của Hà Nội đã tăng 11.95% và TPHCM tăng 11.34%.
Như vậy, hai cách tính khác nhau sẽ cho số liệu khác biệt rất lớn. Câu hỏi đặt ra là nên tính theo phương pháp nào?
Chỉ số giá tiêu dùng tính theo hai phương pháp
* Giả định CPI cả nước tăng 1.7% trong tháng 12.
Nên sử dụng phương pháp nào?
Hiện nay, Tổng cục Thống kê thường công bố 2 chỉ số CPI khác nhau do hai cách tính cho kết quả khác nhau. Cách thứ nhất là CPI so với cùng kỳ năm trước và cách thứ hai là tính CPI bình quân trong kỳ.
Phương pháp so với thời kỳ gốc được định nghĩa trong các sách giáo khoa về kinh tế học và được Tổng cục Thống kê sử dụng từ trước đến nay. Phương pháp này cũng được sử dụng trong hầu hết các báo cáo nghiên cứu và có nhiều ý nghĩa cho việc hoạch định chính sách.
Chúng tôi cho rằng việc sử dụng số liệu CPI theo cách tính so với thời kỳ gốc sẽ đem lại nhiều ý nghĩa thực tế hơn con số bình quân. CPI bình quân thời kỳ thường không phản ánh đúng mức độ tăng giá của hàng hóa vào tháng báo cáo, cũng như mức độ đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát đến tháng báo cáo.
Vào cuối năm 2007, Tổng cục Thống kê có ý định sử dụng con số theo phương pháp bình quân để công bố nhưng không được giới chuyên gia đồng tình.
Thực tế, số liệu về CPI vẫn được người ta nhắc đến với con số 12.6% của năm 2007, 19.89% của năm 2008, 6.52% của năm 2009 là những con số so với thời kỳ gốc, thay vì con số 8.3%, 22.97% và 6.88% như cách tính theo phương pháp bình quân.
Tính đến tháng 11/2010, CPI cả nước đã tăng 9.58% so với đầu năm và 11.09% so với cùng kỳ, cũng thường xuyên được nhắc đến thay vì con số 8.96% là theo cách tính bình quân.
Nên nhất quán trong cách tính và công bố số liệu
CPI của Hà Nội và TP.HCM chiếm hơn 40% tỷ trọng trong rổ tính CPI cả nước. Do vậy, với mức tăng của hai thành phố này tương tứng trong tháng 12 là 1.83% và 1.61% thì dự kiến CPI cả nước sẽ vào khoảng 1.7%. CPI năm 2010 nếu ước tính theo cách tính bình quân thì sẽ vào khoảng 9.5%.
Trong khi đó, nếu tính theo phương pháp so với cùng kỳ thì với mức tăng tháng 12 giả định ở mức 1.7%, CPI cả năm 2010 sẽ là 11.44%.
Để CPI cả năm 2010 tính theo phương pháp thông thường tăng dưới 10%, thì CPI tháng 12 cả nước phải tăng không quá 0.38%. Điều này gần như là không thể trong bối cảnh hiện nay.
Cho dù là số liệu tính theo phương pháp nào, chúng tôi thiết nghĩ nên nhất quán và rõ ràng khi công bố số liệu CPI để tránh sự hiểu nhầm không cần thiết.
Hoàng Nam
|