Thứ Năm, 23/12/2010 07:05

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Năm 2011, chi phí sản xuất tăng

Từ nay đến tết Nguyên đán, nguồn cung USD sẽ bớt căng thẳng nhờ can thiệp của NHNN và nguồn kiều hối. Nhưng điều đó có lẽ sẽ chấm dứt sau tết Âm lịch.

Tới đây, các doanh nghiệp sản xuất sẽ đối đầu với giá chi phí đầu vào tăng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, băn khoăn sang năm 2011, chỉ ngay sau tết Nguyên đán thôi, giá các mặt hàng đầu vào của sản xuất như điện, xăng dầu sẽ đồng loạt tăng. Doanh nghiệp sẽ phải chống đỡ như thế nào đây?

Mặt bằng giá năm 2011 sẽ tăng cao

. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thưa ông?

+ Hiện nay Chính phủ đề ra đến hết tết Nguyên đán không điều chỉnh giá điện, xăng dầu. Có thể xem giải pháp này đang là một liều thuốc an thần cho người dân, cho doanh nghiệp. Nhưng rõ ràng sau tết giá các mặt hàng trên sẽ lần lượt được nâng lên. Bởi thực tế giá xăng thế giới đang tăng đến 90 USD/thùng. Còn với giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng có lên tiếng là không tăng giá thì sẽ tiếp tục thiếu nữa.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng có đưa ra lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường. Như thế chi phí đầu vào sản xuất sẽ tăng, vì vậy chắc chắn mặt bằng giá sang năm cũng sẽ cao hơn năm nay.

. Ông đánh giá như thế nào về mức lãi suất cho vay phổ biến 17%/năm?

+ Lãi suất ngân hàng hiện nay đang ở mức cao. Điều này phản ánh lãi suất dựa trên lạm phát. Nếu lạm phát như hiện nay khoảng 11% thì phải cộng thêm 2%-2,5%, tức là lãi suất huy động trên 14%/ năm. Để cho vay, ngân hàng thương mại sẽ phải cộng thêm khoảng 3%. Do vậy lãi suất cho vay lên đến 17%/năm cũng là điều dễ hiểu. Với lãi suất, như thế thì không có doanh nghiệp nào có thể kinh doanh có lãi được. Và như vậy, các doanh nghiệp không muốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Hệ lụy là nền kinh tế sẽ trì trệ.

Tôi cũng muốn nói thêm cả chính sách tỉ giá. Rõ ràng sự chênh lệch rất lớn giữa thị trường tự do và thị trường chính thức. Có những lúc tỉ giá ở hai thị trường này chênh nhau đến 2.000 đồng/USD, điều này làm khó doanh nghiệp. Từ nay đến tết Nguyên đán, nguồn cung USD có thể sẽ bớt căng thẳng nhờ biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước và nguồn kiều hối. Nhưng mà điều đó có lẽ sẽ chấm dứt sau tết âm lịch.

Doanh nghiệp kiếm được một đồng ngoại tệ phải vã mồ hôi, sôi nước mắt. Sau đó, họ phải bán lại cho ngân hàng thương mại theo tỉ giá của ngân hàng. Nhưng khi cần đến ngoại tệ, không doanh nghiệp nào mua được với giá của ngân hàng thương mại cả. Với tình hình này, doanh nghiệp lại phải chịu thiệt, còn ngân hàng thì được hưởng lợi. Điều này đang kích thích ngược với nền kinh tế.

Với tất cả tình hình như vậy, tôi không nghĩ rằng kinh tế vĩ mô năm 2011 sẽ thuận lợi hơn. Còn với doanh nghiệp, vấn đề nâng giá các mặt hàng như điện, xăng dầu…, điều chỉnh tỉ giá, lãi suất sẽ là những khó khăn rất lớn cho họ.

Chỉ tiêu GDP năm 2011 đạt 7%-7,5% là quá cao

. Theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2011, chỉ tiêu tăng trưởng Việt Nam đề ra là 7%-7,5%. Ông bình luận gì về chỉ tiêu này?

+ Chúng ta đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 7%-7,5% cũng theo xu hướng chung của kinh tế thế giới. Hiện kinh tế thế giới đang phục hồi. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 dự báo sẽ tăng hơn năm nay. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực tế thì để tăng trưởng bền vững có chất lượng, con số 7%-7,5% là quá cao.

. Theo ông, để doanh nghiệp làm ăn có lãi thì chính sách tiền tệ sẽ được điều chỉnh như thế nào?

+ Thắt chặt tiền tệ một cách vừa phải, hợp lý giữa tốc độ tăng trưởng và tốc độ tăng tài chính tiền tệ. Nếu như chúng ta vẫn ưu tiên tốc độ tăng trưởng cao thì chúng ta phải bơm ra nhiều tiền. Tuy nhiên, với tình hình như thế này thì chúng ta phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, thắt chặt tiền tệ. Nhưng tôi lo ngại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vượt con số 25% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Theo tôi, cần phải kéo lạm phát xuống, dần dần kéo lãi suất tiết kiệm xuống. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ hoạt động có lãi và nộp thuế. Khi đó, nhà nước sẽ có nguồn thu. Còn với lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp sẽ khó có thể trụ lại nói chi đến chuyện mở rộng sản xuất.

. Xin cảm ơn ông.

Thuế nhập khẩu xăng dầu giảm thêm 6%

Chiều 22-12, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 213 về việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 3%-6% tùy từng mặt hàng. Cụ thể từ ngày 22-12, thuế nhập khẩu xăng giảm còn 6% thay cho mức cũ là 12%. Ngoài xăng, các mặt hàng dầu như dầu hỏa, diesel áp dụng thuế suất 2% thay cho mức 5%.

Đây lần thứ hai trong tháng này, thuế nhập khẩu xăng dầu giảm liên tiếp. Theo Bộ Tài chính, dù thuế nhập khẩu xăng vừa được giảm 5% hồi đầu tháng 12 nhưng doanh nghiệp vẫn đang bị lỗ. Việc giảm tiếp thuế nhập khẩu xăng dầu nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trước yêu cầu giữ giá mặt hàng này đến hết quý I sang năm.

Theo ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, trong 30 ngày qua, giá xăng A92 thành phẩm giao dịch tại thị trường Singapore lên tới 96 USD/thùng. Với giá này, sau khi cộng thêm chi phí, doanh nghiệp đang bị lỗ khoảng 2.400 đồng/lít xăng và khoảng 1.850 đồng/lít dầu.

Lê Thanh thực hiện

Pháp Luật

Các tin tức khác

>   Có gì mới từ 1-1-2011? (22/12/2010)

>   Vốn FDI đổ vào ngành chế biến (22/12/2010)

>   Lãnh đạo TPHCM đối thoại với doanh nghiệp Hàn (22/12/2010)

>   "Dừng dự án bô xít Tân Rai là không khả thi" (22/12/2010)

>   Nợ công, lo chung (22/12/2010)

>   Lạm phát thực và ảo (22/12/2010)

>   CPI năm 2010 của Hà Nội, TPHCM: Trên hay dưới 10%? (22/12/2010)

>   10 sự kiện kinh tế năm 2010 (22/12/2010)

>   CPI Hà Nội bộc lộ điểm yếu (22/12/2010)

>   Đừng để "nỗi sợ" Trung Quốc dẫn dắt (22/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật