Thứ Năm, 23/12/2010 11:17

Để phát triển bền vững không là mục tiêu trên giấy

Từ 15 năm trước, quan điểm tăng trưởng nhanh gắn với phát triển bền vững đã được nói đến trong các văn bản, văn kiện chính thức của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra theo một chiều hướng khác hẳn. Xu hướng chạy theo tốc độ, ưu tiên tăng trưởng mà ít chú ý đến chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế luôn chiếm vị thế chủ đạo.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ bất ổn vĩ mô ngày càng lớn như hiện nay, thúc đẩy thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững là việc làm cấp bách và người cần thay đổi trước tiên phải là Chính phủ.

Trong một báo cáo mới đây về vấn đề tăng trưởng bền vững của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nhận xét: “Trong khi nhận thức về đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế là rất rõ ràng, thì khía cạnh hiệu quả và bền vững của tăng trưởng lại chưa được nhận thức triệt để. Các mục tiêu số lượng được xác định rõ ràng, còn khái niệm, phạm vi, nội hàm của chất lượng tăng trưởng lại chưa được xác định rõ. Các văn bản chính thức chưa đề cập đến năng suất lao động, tổng năng suất các nhân tố (TFP), là những chỉ số phản ánh chất lượng, hiệu quả”.

Nhận xét trên của Bộ KH-ĐT có ý nghĩa như sự thừa nhận tình trạng chạy theo thành tích tăng trưởng có một phần trách nhiệm quan trọng ở cấp đề ra chủ trương, chính sách. Chúng ta đã thiếu các chính sách lựa chọn và định hướng rõ ràng, cụ thể để hướng nền kinh tế tăng trưởng với chất lượng, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như các ngành hàng.

Trong hơn 20 năm đổi mới, chúng ta đã liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Kết quả này góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia có thu nhập trung bình, với GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.200 đô la Mỹ. Thế nhưng, đằng sau thành quả đó lại là hàng loạt bất cập được tích tụ ngày càng lớn suốt quá trình dài chạy theo tốc độ tăng trưởng và nay nó đã trở thành mối nguy của cả nền kinh tế.

Hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc đến 60% vào tăng vốn đầu tư. Tỷ lệ này của giai đoạn 1991-1995 chỉ có 29,8%. Nhịp độ tăng năng suất của công nghiệp chế biến liên tục sút giảm và hiện chỉ bằng 59% so với trung bình của cả nền kinh tế. Trong khi đó, ngành có năng suất lao động cao nhất lại là ngành khai thác tài nguyên. Khu vực kinh tế nhà nước chiếm 40,8% tổng vốn kinh doanh và 42,9% tài sản cố định của cả nền kinh tế, nhưng hiệu quả chỉ bằng một nửa khu vực tư nhân.

Trong báo cáo của mình, Bộ KH-ĐT đã chỉ ra được một loạt những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém bền vững của nền kinh tế. Đây sẽ là những thông tin rất hữu ích, nếu Chính phủ có thể từ đó mà xác định được phương thuốc trị căn bệnh chạy theo thành tích. Năm 2011, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được Chính phủ xác định là mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp mạnh, được cụ thể hóa qua chủ trương, chính sách và luật lệ để ngăn chặn tình trạng chạy theo tốc độ tăng trưởng mà xem nhẹ hiệu quả, thì phát triển bền vững sẽ vẫn là mục tiêu trên giấy.

tbktsg

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật