Thứ Sáu, 24/12/2010 10:04

CPI 2010 vượt 1 con số và xu hướng 2011?

Mặc dù đến ngày hôm qua (23.12), tổng cục Thống kê vẫn chưa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12 nhưng khả năng CPI tháng này trên 1,5% là cao do CPI của Hà Nội tháng này tăng 1,83%, CPI của TP.HCM tăng 1,61% so với tháng trước.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 sẽ ở mức 11%.

Mức tăng giá cả, dịch vụ ở các tỉnh, thành phố khác trong tháng cũng tương tự, chủ yếu tập trung ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng, chất đốt, đồ may mặc… Như vậy, đúng như dự báo trước đó của các cơ quan quản lý, tổng hợp, nghiên cứu về giá cả của Nhà nước: cục Quản lý giá (bộ Tài chính), trung tâm Thông tin – thương mại công nghiệp (bộ Công thương), tổ điều hành thị trường trong nước (liên ngành)… lạm phát năm 2010 đã không thể giữ được ở mức một con số như Chính phủ yêu cầu (nghị quyết Quốc hội giao không quá 7% năm 2010). Tuy nhiên, khả năng CPI tháng 12 vượt quá mức dự kiến trước đó của hầu hết các cơ quan này (1 – 1,5%) đến thời điểm này cũng khá rõ ràng.

Theo đánh giá khá thống nhất của một số chuyên gia kinh tế, tài chính, lạm phát năm 2010 tăng cao, chủ yếu dồn vào bốn tháng cuối năm 2010 có những nguyên nhân sau. Thứ nhất là do tác động (trễ) của chính sách tài khoá và tiền tệ nới lỏng và các gói kích thích kinh tế trong năm 2009 (thâm hụt ngân sách, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng năm 2009 tăng cao, lần lượt là: 6,9% GDP, 27,54%, và 37,53%) nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Từ cuối quý 3/2010 cũng đã có những nới lỏng nhất định trong chính sách tiền tệ. Việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD, điều chỉnh học phí từ tháng 9.2010… cũng có những tác động không nhỏ đến CPI từng thời điểm.

Thứ hai, do những tác động khách quan từ việc tăng giá cả nhiều loại hàng hoá, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới năm 2010, nhất là các tháng cuối năm theo đà hồi phục kinh tế thế giới. Đặc biệt, giá vàng thế giới tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường vàng, ngoại tệ trong nước. Một yếu tố khách quan nữa là trong các tháng cuối năm 2010, nhiều vùng miền Trung bị thiên tai, lũ lụt liên tiếp ảnh hưởng đến sản xuất, cung cầu hàng hoá.

Tại sao ở các nước trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng một số yếu tố khách quan trên nhưng lạm phát của họ ở mức không quá cao: trung bình 3 – 4%? Vấn đề của Việt Nam là không chỉ chịu những tác động bên ngoài và những yếu tố khách quan bên trong mà có những vấn đề về cơ cấu. Theo một chuyên gia ngành ngân hàng, cơ cấu kinh tế Việt Nam yếu kém là lý do quan trọng. Theo ông này, nền kinh tế Việt Nam đến nay sức cạnh tranh vẫn rất kém do trình độ công nghệ, năng suất lao động thấp và chi phí trung gian cao. Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy, trình độ công nghệ và trang thiết bị của Việt Nam lạc hậu từ hai đến ba thế hệ so với các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ trang thiết bị kỹ thuật cũ, công nghệ lạc hậu và trung bình chiếm 60 – 70%, kể cả công nghệ nhập khẩu. Trong khi đó, các sản phẩm chủ lực và xuất khẩu lớn là khoáng sản thô và hàng gia công (giày dép, dệt may, đồ gỗ...) giá trị gia tăng thấp. So với các nước ASEAN thôi, năng suất lao động của Việt Nam đã thấp hơn từ 2 – 15 lần.

Hiệu quả sử dụng vốn thấp cũng là một yếu tố giải thích hiện tượng lạm phát cao trong nhiều năm chứ không chỉ năm 2010. Chỉ số ICOR tăng nhanh: 1996 – 2000: 3,7; 2000 – 2005: 4,6; 2006: 4,95; 2007: 5,52; 2008: 7,46; năm 2009: khoảng 8. Trong khi đó, ICOR của các nước trong khu vực chỉ khoảng 3.

Những vấn đề mang tính cơ cấu như trên tất nhiên phải có những giải pháp lớn, dài hạn. Nhưng trước mắt, câu hỏi được nhiều người quan tâm đặt ra là xu hướng giá cả trong những tháng tới và cả năm 2011 như thế nào? Theo các chuyên gia của trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, bộ Công thương thì CPI trong hai tháng tới sẽ không dễ giảm thấp hơn tháng 11 – 12.2010 do là hai tháng có tết dương lịch và tết âm lịch, sức mua thị trường tăng cao và giá cả các nguyên vật liệu, hàng hoá nhập khẩu từ bên ngoài vào cũng đang có xu hướng tăng hoặc vẫn giữ ở mức cao. Một dự báo được đưa ra là CPI tháng 1.2011 sẽ tăng khoảng 1,5% so với tháng 12.2010 và CPI tháng 2.2011 có thể lên tới 1,7 – 1,8% do đúng vào dịp tết Nguyên đán. Như vậy, khả năng trong quý 1 năm sau, CPI khó có thể tăng ở mức dưới 3%.

Nhìn xa hơn một chút, giá cả thị trường trong nước cả năm 2011 sẽ vẫn chịu những tác động không nhỏ của giá cả hàng hoá, nguyên vật liệu, giá dầu thô... trên thị trường thế giới do kinh tế thế giới vẫn đang trên đà hồi phục và kinh tế Việt Nam hiện đã có độ mở rất cao, hội nhập càng sâu hơn vào kinh tế thế giới. Ở trong nước, giá cả một số sản phẩm trọng yếu, đầu vào của nền kinh tế như than, điện... chắc chắn phải tăng theo lộ trình thị trường hoá do thực sự, việc giữ giá thấp các sản phẩm này lâu, nếu kéo dài cũng gây ra những hệ luỵ không phải nhỏ. Một khi giá điện, giá than tăng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả nhiều loại hàng hoá khác.

Đáng chú ý, hiện nay, ở một số địa phương, nhất là các thành phố lớn đang có hiện tượng một số doanh nghiệp, cơ sở tư nhân ém hàng để chờ tăng giá, kiếm lãi trong dịp tết. Để đối phó với tình trạng này, một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM đã chi hàng ngàn tỉ đồng, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện dự trữ các mặt hàng thiết yếu: thực phẩm, rau, hoa quả..., bình ổn giá khi cần thiết. Theo bộ Công thương, lượng hàng dự trữ ở các địa phương đủ lớn để tung ra cân đối, bình ổn thị trường ở bất cứ điểm nào có phát sinh biến động tăng giá.

Mặc dù các yếu tố tiềm tàng có thể gây sức ép tăng CPI ở mức cao trong năm 2011 vẫn còn. Tuy nhiên, với chính sách thắt chặt tiền tệ đang được quyết liệt áp dụng hiện nay, việc Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp kiềm chế giá cả, tăng nguồn cung, có thể xem xét tăng giá điện, than ở mức độ chấp nhận được, không gây sốc… thì mức tăng giá cả năm 2011 có thể không ở mức quá cao. Theo đánh giá của một số chuyên gia, dự báo lạm phát năm 2011 sẽ không ở mức hai con số như năm 2010, mức lạm phát cả năm dưới 8% như yêu cầu của nghị quyết quốc hội là có thể thực hiện được.

Mạnh Quân

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Việt Nam phát đạt khi Trung Quốc phát triển (24/12/2010)

>   Giải ngân FDI năm 2010 đạt 11 tỷ USD (23/12/2010)

>   Vài suy nghĩ về bốn năm Việt Nam gia nhập WTO (23/12/2010)

>   Để phát triển bền vững không là mục tiêu trên giấy (23/12/2010)

>   Thu hút FDI : Nước chảy chỗ trũng (23/12/2010)

>   Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Năm 2011, chi phí sản xuất tăng (23/12/2010)

>   Có gì mới từ 1-1-2011? (22/12/2010)

>   Vốn FDI đổ vào ngành chế biến (22/12/2010)

>   Lãnh đạo TPHCM đối thoại với doanh nghiệp Hàn (22/12/2010)

>   "Dừng dự án bô xít Tân Rai là không khả thi" (22/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật