Nên đặt mục tiêu lạm phát năm 2011 dưới 6%
|
Ông Võ Trí Thành |
Trước mức lạm phát lên tới 11,75% của năm 2010, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khuyến nghị, mục tiêu quan trọng đầu tiên phải thực hiện ngay trong quý I/2011 là giảm lạm phát.
Trên nền lạm phát của năm 2010, lạm phát quý I/2011 dường như đang ở khởi điểm cao, thưa ông?
Theo quy luật, mức lạm phát của tháng Một thường cao do vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu sản xuất, tiêu dùng đều tăng cao. Tình hình sẽ dịu dần vào tháng Hai, thời điểm sau Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, quý I/2011 đang đứng trước những điều kiện rất khác, khi việc tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu được đặt kế hoạch vào sau Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, việc dự báo lạm phát quý I/2011 là không dễ dàng.
Quan điểm của ông về tình hình kinh tế quý I/2011 trong bối cảnh này thế nào?
Quan điểm của tôi là ngay từ quý I/2011, cần tiếp tục thắt chặt để đạt được mục tiêu quan trọng nhất vào thời điểm này là giảm lạm phát.
Hiện tại, một số tổ chức nước ngoài đưa ra dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2011 vào khoảng 7-8%/năm cho mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7,5%. Điều này cho thấy, khả năng kiềm chế lạm phát dưới 7% cho năm 2011 là rất khó khăn nếu đặt mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, dự báo này đưa ra một thực tế là, nếu không kiên định, nhẫn nại với mục tiêu kiềm chế lạm phát, thì bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2011 có thể sẽ cao hơn năm 2010.
Đặc biệt, tôi chưa thấy rõ mục tiêu trong điều hành chính sách tiện tệ năm 2011. Quan điểm của tôi là, nếu kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thì tăng cung tín dụng không thể cao hơn năm 2010, chỉ nên khoảng 22-23%. Có nghĩa là, mục tiêu chính sách tiền tệ phải chặt chẽ hơn năm 2010. Cùng với điều hành linh hoạt hơn, nền kinh tế sẽ dần ổn định và tránh được những cú sốc lớn cho doanh nghiệp.
Như vậy, theo ông, lạm phát năm 2011 ở mức nào là hợp lý trong tình hình kinh tế của Việt Nam?
Điều đầu tiên phải xác định là kiềm chế lạm phát một cách nghiêm khắc. Ngay cả tỷ lệ lạm phát 7% vẫn là quá cao, sẽ dẫn tới những khó khăn trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là không thể có chính sách lãi suất và tỷ giá nhất quán được. Lạm phát cao cũng sẽ khiến dòng tiền đổ vào sản xuất giảm, thay vào đó là các hoạt động đầu cơ ngắn hạn.
Tất nhiên, chúng ta cũng không thể đặt mức lạm phát khoảng 3-4% như mức trung bình của các nước đang phát triển, vì việc kéo lạm phát từ gần 12% năm 2010 xuống mức 3-4% trong năm tới sẽ gây ra những cú sốc lớn không cần thiết.
Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên đặt mục tiêu khoảng 6% trong năm 2011, làm cơ sở đưa tỷ lệ lạm phát của Việt Nam về mức tương đương với các đối tác thương mại trong những năm tới.
Quan trọng hơn nữa, quyết tâm này phải được hiện thực hoá một cách mạnh mẽ và hợp lý theo nghĩa có sự phối hợp tốt hơn giữa chính sách tiền tệ và tài khoá, cân nhắc tốt hơn giữa chính sách tiền tệ và điều tiết hệ thống ngân hàng.
Khi đó, tăng trưởng có thể sẽ giảm, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn, nhưng với môi trường vĩ mô rõ ràng, doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh, tái cơ cấu một cách hợp lý theo hướng dài hạn. Tôi cũng muốn nhắc tới yêu cầu nghiêm khắc hơn với chính sách tài khoá, để giảm áp lực cho chính sách tiền tệ, giảm áp lực cho doanh nghiệp khi buộc phải thực hiện thắt chặt để ổn định kinh tế vĩ mô.
Khánh An
đầu tư
|