Chủ Nhật, 26/12/2010 16:29

Đầu tư công và lạm phát

Điều quyết định cho một quốc gia có sớm trở nên cường thịnh hay không tùy thuộc ở chỗ cách thức có hiệu quả hay không mà quốc gia đó sử dụng để sung dụng các nguồn lực - đặc biệt là nội lực.

Vào đầu tháng 12/2010, mặc dù Chính phủ đã kêu gọi các địa phương thực hiện những biện pháp can thiệp quyết liệt với mong muốn ngăn chặn đà tăng giá dường như có xu hướng ngày càng mạnh trên thị trường trong nước, khả năng kiềm chế lạm phát năm 2010 dưới hai con số xem ra rất khó khăn, khi vào cuối tháng 11/2010, tốc độ lạm phát đã ngấp nghé ngưỡng 10% và tháng 12 là tháng của lễ tết, của mua sắm và theo "truyền thống thị trường", đó vẫn là một trong những tháng có chỉ số tăng giá cao nhất. Việc lạm phát vượt ngưỡng hai con số không phải là điều đáng ngạc nhiên, tuy rằng lẽ ra, với một chính sách tiền tệ thắt chặt suốt năm 2010 bằng các biện pháp hạn chế gia tăng tín dụng ngân hàng không quá 25% và duy trì một mức lãi suất cơ bản (base rate) cao, người ta có thể kỳ vọng một mức lạm phát thấp hơn.

Chắc chắn người ta không thể cáo buộc chính sách tiền tệ năm 2010 là "thủ phạm" gây ra lạm phát. Trong suốt thời kỳ suy thoái kinh tế của hai năm 2008-2009, hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính sách tiền tệ vẫn chưa hề được nới lỏng thực sự, điều này được minh chứng qua việc Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ hạ lãi suất cơ bản (base rate) xuống dưới 8%/năm, trong khi những đồng nghiệp của họ trong khu vực và trên thế giới đã đưa mức lãi suất này xuống rất thấp, có trường hợp xấp xỉ 0%.

Có thể nói, trong nhiều năm, chúng ta đã theo đuổi một chính sách tài khóa quá cởi mở và rất dễ dàng, thể hiện qua việc luật hóa một mức khiếm hụt ngân sách quốc gia hằng năm thường xuyên là trên 5% và trên thực tế có khi lên đến mức 8% GDP. So sánh với nhiều nước đang phát triển khác, đây là một mức khiếm hụt khá cao, nếu biết rằng nguồn thu ngân sách của nước ta (chủ yếu là từ thuế) chiếm đến 28 - 29% GDP.

Ngay cả việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp nhằm giúp họ vượt khó thông qua chương trình kích cầu 17 ngàn tỉ đồng cũng không phải là một biện pháp tiền tệ mà lại là một biện pháp tài khóa. Nguồn tiền sử dụng được trích từ ngân sách chứ không phải là một khoản tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước. Điều đáng quan tâm là rất ít khi chúng ta chứng kiến được một sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, hai cột trụ chính của chính sách kinh tế vĩ mô, trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong hầu hết các trường hợp, chính sách tiền tệ của chúng ta là thắt chặt nhằm hạn chế bớt hậu quả gia tăng lạm phát của một chính sách tài khóa mở rộng.

Có thể nói, trong nhiều năm, chúng ta đã theo đuổi một chính sách tài khóa quá cởi mở và rất dễ dàng, thể hiện qua việc luật hóa một mức khiếm hụt ngân sách quốc gia hằng năm thường xuyên là trên 5% và trên thực tế có khi lên đến mức 8% GDP. So sánh với nhiều nước đang phát triển khác, đây là một mức khiếm hụt khá cao, nếu biết rằng nguồn thu ngân sách của nước ta (chủ yếu là từ thuế) chiếm đến 28 - 29% GDP.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích ngân sách, mức khiếm hụt lớn của ngân sách quốc gia hầu hết được sử dụng để tài trợ cho các khoản đầu tư công, nhưng không phải đầu tư công chỉ sử dụng duy nhất nguồn tài trợ từ ngân sách mà còn từ các khoản nợ công trong nước và ngoài nước thông qua việc phát hành trái phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ và vay ODA.

Đầu tư công bao gồm hai khoản mục chính: (1) Đầu tư trực tiếp của Chính phủ nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, hệ thống thủy lợi, đê điều, điện nước, trường học, bệnh viện...; (2) Đầu tư gián tiếp của Chính phủ qua việc cấp vốn, vay nợ thay cho những công ty, tập đoàn quốc doanh.

Đầu tư công trực tiếp, trong những thập niên qua, đặc biệt từ thời kỳ Đổi Mới, đã là nguồn đầu tư chính yếu trong việc xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Cơ sở hạ tầng của đất nước được nâng cấp, hiện đại hóa, mở rộng đến tận vùng nông thôn xa xôi, làm thay đổi bộ mặt của đất nước, trở thành nền tảng vững chắc cho việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần biến Việt Nam thành "điểm đến" thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong những năm suy thoái, đầu tư công là nguồn lực chính giúp cải thiện tình trạng thất nghiệp, ngăn chặn sự suy giảm nhanh chóng của khối cầu khả dụng nội địa và là đầu tàu vực dậy, lôi kéo sự tăng trưởng của các khu vực kinh tế khác.

Đầu tư gián tiếp của Chính phủ vào các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng giúp tạo nên những công ty công nghiệp lớn hoạt động trong các ngành công nghiệp chủ lực và thiết yếu của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, tham nhũng và lãng phí, đặc điểm tự nhiên của bất cứ các khoản đầu tư công nào tại bất cứ nước nào, đã luôn luôn hạn chế hiệu quả - và thành quả - của đầu tư công.

Trong suốt mấy mươi năm Đổi Mới, đầu tư công - trực tiếp và gián tiếp - đều phát triển cực kỳ nhanh chóng, đồng thời chúng ta cũng chứng kiến vô vàn các trường hợp lãng phí, tham nhũng và kém hiệu quả. Chỉ số ICOR của Việt Nam, từ 2,5 trong thời kỳ đầu của Đổi Mới đã tăng lên đến trên 8 vào thời điểm hiện nay cho thấy mức độ kém hiệu quả của đầu tư tại Việt Nam (trong đó tác nhân chính là đầu tư công) như thế nào.

Hiện nay, chúng ta phải bỏ ra 8 đồng đầu tư chỉ để làm tăng thêm vỏn vẹn 1 đồng xuất lượng của GDP, đó quả là một việc làm vô cùng lãng phí. Chính từ sự lãng phí và kém hiệu quả đó mà đầu tư công đã trở thành tác nhân chính gây ra lạm phát, một con bệnh dai dẳng, kinh niên của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, điều nghiêm trọng hơn chính là ở cách thức mà chúng ta đối phó với lạm phát được gây ra từ các khoản đầu tư công trực tiếp và gián tiếp không hiệu quả.

Trong khi chính sách tài khóa không thể thắt chặt do Chính phủ vẫn chưa muốn giảm đầu tư công, chính sách tiền tệ vốn là một nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hướng vào các đối tượng doanh nghiệp chọn lọc, làm ăn có hiệu quả lại phải siết chặt để chống lạm phát. Hệ quả là các khu vực kinh tế đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đang góp phần vào việc thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế phải dừng bước. Nói một cách khác, phải chăng chúng ta buộc phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh chỉ vì chúng ta cần dành các nguồn lực quốc gia cho các khoản đầu tư công?

Tiến trình hội nhập kinh tế với thế giới đòi hỏi chúng ta phải thay đổi phương cách sung dụng các nguồn tài nguyên đất nước sẽ trở nên ngày càng hiếm hoi hơn nhằm giúp nền kinh tế quốc gia ngày càng có năng lực cạnh tranh cao hơn. Đây sẽ là một vấn đề sinh tử cho tương lai dân tộc Việt từ nay về sau.

Năng lực cạnh tranh cao hơn yêu cầu chi phí thấp hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn và tiết kiệm hơn. Các doanh nghiệp phải có động lực để làm được việc đó, và động lực đó, trên thực tế, chỉ thường xuất hiện trong khu vực kinh tế dân doanh. Khu vực này phải được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận đầy đủ các nguồn lực của quốc gia vì chỉ có họ mới sử dụng với hiệu quả cao nhất các nguồn lực này.

Điều quyết định cho một quốc gia có sớm trở nên cường thịnh hay không tùy thuộc ở chỗ cách thức có hiệu quả hay không mà quốc gia đó sử dụng để sung dụng các nguồn lực - đặc biệt là nội lực. Kinh nghiệm nhiều năm nay cho thấy rằng đầu tư công, đặc biệt là đầu tư công gián tiếp, không phải là phương cách sung dụng nguồn lực hiệu quả, mà còn tạo ra một cơ chế bao cấp về tài chính, "đưa tới những tổn thất quá lớn, làm mất khả năng phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững không chỉ với bản thân doanh nghiệp nhà nước, mà còn với toàn bộ nền kinh tế", như nhận xét của tác giả Việt Phương - nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.

Điều đáng phấn khởi là trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội nước ta đã biểu quyết một hạn mức khiếm hụt ngân sách trên GDP thấp hơn năm trước. Đây có thể là một tín hiệu đáng mừng cho thấy lãnh đạo đất nước đang quyết tâm hơn trong việc xây dựng và thực thi một chính sách tài khóa lành mạnh, tiến đến mục tiêu cân bằng ngân sách, một mục tiêu tuy khó khăn nhưng không phải là không thể.

Để kết luận, chúng tôi xin mạn phép một lần nữa được mượn lời của tác giả Việt Phương trong bài viết Con đường vinh quang và khổ ải, trong quyển Đổi Mới ở Việt Nam, nhớ lại và suy ngẫm: "Kinh nghiệm thực tế của Đổi Mới đã chứng tỏ, để thoát khỏi sự bế tắc nguy hiểm này, Nhà nước cần chủ động rút khỏi chức năng nhà đầu tư và điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh, theo hướng chỉ giữ doanh nghiệp nhà nước khi khu vực dân doanh chưa thể làm, đồng thời phải có giải pháp quản lý, giám sát phù hợp".

Huỳnh Bửu Sơn

 Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Các tin tức khác

>   Năm 2011: Cần chấm dứt thu hút FDI bằng mọi giá (26/12/2010)

>   Dự án 11,4 tỷ USD sắp bị thu hồi giấy phép (25/12/2010)

>   Ông Đặng Thành Tâm: "Người ta đến đầu tư chứ không phải ăn xin". (25/12/2010)

>   Sẽ khởi động dự án lọc dầu Cần Thơ? (25/12/2010)

>   Nhân công giá rẻ: Lợi thế thành bất lợi (25/12/2010)

>   Trung hoà giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô (24/12/2010)

>   CPI cả nước tháng 12 tăng 1.98%, năm 2010 tăng 11.75% (24/12/2010)

>   CPI 2010 vượt 1 con số và xu hướng 2011? (24/12/2010)

>   Việt Nam phát đạt khi Trung Quốc phát triển (24/12/2010)

>   Giải ngân FDI năm 2010 đạt 11 tỷ USD (23/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật