Ông Đặng Thành Tâm: "Người ta đến đầu tư chứ không phải ăn xin".
Đã mang về rất nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài, Đặng Thành Tâm chia sẻ ông không bao giờ quảng bá Việt Nam với nhân công và đất rẻ, bởi "người ta đến đầu tư chứ không phải ăn xin".
* Ông Đặng Thành Tâm: “Bán tài nguyên thô là ăn cắp của tương lai”
Không "khoe" đất rẻ, nhân công rẻ
Nhà báo Lê Vũ Phong: Bạn đọc gửi rất nhiều câu hỏi thắc mắc với anh về việc anh là một nhà xúc tiến đầu tư mát tay. Vậy trong những lần anh đi xúc tiến ở nước ngoài, câu chuyện anh trao đổi với những nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất là về gì? Có phải là quảng bá cho những lợi thế của Việt Nam, hay nói với những nhà đầu tư nước ngoài khả năng kiếm lợi khi ở Việt Nam?
Ông Đặng Thành Tâm: Có 2 vấn đề rất quan trọng.
Thứ nhất, người ta chưa biết thì mình phải làm cho người ta biết. Trong quá trình đó, người ta chưa thấy Việt Nam thì người ta phải quý mình. Nếu người ta quý mình thì người ta mới nghe mình. Nghe mình, người ta đến, người ta mới nhìn thấy, người ta mới quý tiếp.
Còn các yếu tố, nói chung quy là lợi, nhưng mọi người nghĩ lợi là về vật chất thì không phải.
Tiếng Anh là benefit, có nghĩa là lợi ích. Người ta đến vì lợi ích, nhưng nhiều người nhầm tưởng lợi ích vật chất, thì không phải, mà tại vì Việt Nam ổn định. Vì họ đã bỏ mấy trăm triệu đô la vào đầu tư thì liệu có ổn định lâu dài hay không? Đây là câu hỏi người ta băn khoăn nhất.
Tôi ví dụ như vì sao gần đây doanh nghiệp của Hàn Quốc chuyển dịch sang đây? Vì bên họ mất ổn định, người ta chuyển dịch sang đây. Đó cũng là lợi ích, chứ không phải lúc nào cũng là lợi ích tiền bạc.
Rồi nhiều người nói rằng, ở Việt Nam nhân công rẻ, nhưng nói như thế cũng là rất đáng buồn. Tại vì nhân lực như thế, trình độ sẽ thấp, toàn làm bằng tay chân thì không có gì hay ho để giới thiệu. Người ta bảo tôi có đi ăn xin đâu mà rẻ.
Thứ hai nữa, cũng phải nói thật là, tôi ví dụ như năm vừa rồi Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN, và tiếng nói cộng với nó là những cam kết, của những người lãnh đạo Việt Nam.
Có bao giờ lãnh đạo cao cấp Việt Nam đi nước ngoài nhiều như thời đại này, và hiện nay ngoại giao có 2 vai trò: vai trò ngoại giao về chính trị và vai trò ngoại giao về kinh tế. Đây là 2 yếu tố mà bản thân tôi nói rất nhiều. Nhân công tôi đâu cung cấp được cho họ, lỡ đâu về sau nhân công lên giá thì sao. Đất rẻ, lỡ đầu tiên đền bù giải toả mỗi năm người ta gia tăng, rồi bất động sản, đất người ta gia tăng, tôi làm sao bán rẻ được?
Và tổng thể là gì? Tổng thể là tạo ra một yếu tố cạnh tranh.
Không phải nói xấu các quốc gia khác, nhưng trước đây, người ta đầu tư nhiều vào Thái Lan, nhưng hiện nay Thái Lan mất ổn định về chính trị. Mà bất ổn về chính trị thì làm sao người ta dám đầu tư được.
Indonesia cũng là nước cạnh tranh với Việt Nam, nhân lực rẻ, nhưng lại vướng vấn đề sắc tộc. Bây giờ còn Malaysia thôi, mà Malay thì, đến đó mới biết rằng, đất nước phát triển cao rồi, lương lại quá cao.
Vậy nên từ khi Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam rẻ, từ xưa vẫn rẻ, mà xưa còn rẻ hơn thế, tại sao nó không vào? Mà chẳng qua rằng đây là cam kết của Việt Nam. Khi Việt Nam vào WTO, cam kết một sự phát triển ổn định cho quý vị, cam kết tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp, và họ không sợ bị quốc hữu hoá, người ta không sợ bị phân biệt đối xử ở Việt Nam, giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.
Nỗi khổ của doanh nghiệp tư nhân
Ông Đặng Thành Tâm: Hồi xưa, nhân công rẻ nhưng các doanh nghiệp nhà nước là trên trần, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lưng lửng đâu đó, và doanh nghiệp tư nhân chúng tôi là dưới sàn.
Về phân bổ tài nguyên, trong một quốc gia trước đây chúng ta cũng thấy phân bổ nhiều nhất là khối doanh nghiệp nhà nước. Đến bây giờ người ta vẫn thống kê thế, dần dần sẽ phải phân bổ lại cơ cấu.
Thứ hai thì cũng phải nói thật để cho bạn đọc hiểu một cách thấu đáo các doanh nghiệp Việt Nam vất vả như thế nào. Miếng ngon thì ông đầu tư nước ngoài đến rất hoành tráng, bảo rằng đầu tư vài ba tỷ đô là choáng váng hết rồi, thế đồng ý ngay tức khắc.
Ngay cả miếng đất chúng tôi làm cũng thế. Chẳng qua họ không làm nổi nữa, nhả ra thì mới đến lượt mình thôi. Có nghĩa là tất cả những gì đẹp, những gì tốt, không đến lượt doanh nghiệp. Mấy năm vừa rồi khủng hoảng, mấy ông mới nhả ra hết. Doanh nghiệp Nhà nước vay hồi xưa không phải thế chấp vay, nhưng bây giờ bình đẳng, cũng phải thế chấp, hạn mức như nhau, thì không thể làm được nữa, để giãn lâu quá, người ta thu hồi thì mới đến lượt các doanh nghiệp khác.
Trong quá trình phát triển đi lên, cũng có doanh nghiệp từ tay trắng, mà hầu hết là từ tay trắng nhưng có những ông nhanh quá, không ứng xử được nổi đối với tình trạng của mình, nên đôi khi mới gọi là kệch cỡm. Người ta mới gọi những người đấy là đại gia.
Thực ra doanh nghiệp chúng tôi chẳng ai thích nghe đại gia bao giờ cả. Chỉ thích mình là doanh nghiệp, nên gọi là CEO như tiếng nước ngoài.
Nhiều người bảo tôi, trời ơi mày nhiều tiền thế mà vẫn tham. Tôi cũng chia sẻ, ở đây không có tham, mà thực sự tôi thấy rằng vẫn còn làm việc được tiếp thì mình làm.
Như vừa nãy tôi nói về giá trị gia tăng, một miếng đất này, nếu nhà nước sử dụng, tiếp tục như hiện tại chỉ mang lại giá trị như này, nhưng nếu vào tay chúng tôi, nó đem lại ngàn lần giá trị hiện tại, sao không làm? Thì cả xã hội này, tổng tài sản xã hội gia tăng, thì chúng tôi nhận được nột phần, và xã hội nhận được nhiều hơn.
Năm ngoái, người ta hỏi Carlos, người giàu nhất thế giới là sao tỷ phú Mỹ, ai cũng hứa tặng cả tài sản cho từ thiện, trong khi đó tỷ phú giàu nhất của Mexico chả thấy công bố 1 đồng nào hết.
Ông nói rằng đối với người khác, cho tiền là từ thiện, là giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ người khác, nhưng tôi thà dùng tiền đó đầu tư vào vùng nghèo khó không sinh ra lợi.
Thay vì tôi cho, tôi chọn đầu tư những vùng không sinh lợi, nhưng tạo ra chuyển biến cả vùng đất đó, tạo ra bao nhiêu công việc làm đó, thì đối với tôi còn vui hơn. Và tôi cho rằng đấy cũng là từ thiện.
Một năm tôi tăng trưởng 10% thì cũng giúp cho GDP bao nhiêu thì còn tốt hơn rất nhiều tại sao bắt tôi cắt cái khoản ấy đi. Do đó cách tôi nghĩ là tôi sẽ điều tiết đầu tư của tôi, thay vì chỉ tập trung vào lợi nhuận thì phải có 1 phần đầu tư vào các vùng rất nghèo khổ tạo công an việc làm. Mà khi tôi đầu tư vào đó mà ông ấy đầu tư vào đó thì tự dưng người khác cũng theo vào, thấy Carlos đầu tư vào người ta tưởng là ngon lắm, ăn theo mà. Đầu tư vào đó thì tự dưng tạo thành một vết nứt theo phát triển.
Tôi nói thật thôi, vấn đề giàu nghèo chỉ là một khái niệm, không phải là một sự thật.
Tôi vẫn còn nhiều ước mơ, nhiều hoài bão, và cũng còn nhiều nghĩa vụ phải trả, tôi phải tiếp tục làm. Khi tôi hết nghĩa vụ phải trả, lúc đó tôi xem cái nào là của tôi, tôi mới quyết định được. Bây giờ tôi muốn hoành tráng tự nhiên tôi công bố tôi cho 90% tài sản nhưng mà nhỡ đâu tôi nợ nhiều hơn thì chẳng nhẽ đi cống hiến cái nợ à?
CEO toàn cầu hoá
Nhà báo Lê Vũ Phong: Nhưng như anh nói thì anh cũng không sợ từ đại gia, cũng không sợ từ người giàu nhưng bây giờ CEO là cái từ anh thích nhất và anh sẽ cống hiến để trở thành một CEO giỏi. Theo quan điểm của anh, một CEO như thế ở Việt Nam thì cần hội tụ những đặc điểm nào?
Ông Đặng Thành Tâm: Nói chung, đến bây giờ Việt Nam có rất nhiều CEO được đánh giá là rất tốt, không phải trong đất nước, trong nội địa đánh giá tốt mà quốc tế người ta cũng đánh giá tốt ví dụ như thế này thôi.
Như trước đây, một nữ doanh nhân được Bộ Chính trị đưa vào Trung ương nhưng chị vẫn từ chối để ra làm doanh nghiệp. Sau đó, chị tiếp tục đưa doanh nghiệp từ bé đến giờ thành quá hoành tráng. Và đấy là một cái hình ảnh rất tốt để cho các cái doanh nhân Việt Nam học tập.
Thì thực ra, tôi không biết rằng người khác nghĩ như thế nào, chứ đại đa số doanh nghiệp chúng tôi coi là làm doanh nghiệp là sự nghiệp cả đời.
Mỗi người một kiếp mỗi người một nghiệp. Người đi theo con đường chính trị họ có "máu làm quan". Họ sẽ phấn đấu để lên bộ trưởng hoặc chức gì đó vĩ đại, để cống hiến suốt đời và họ coi đó là sung sướng.
Thách đố đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là CEO toàn cầu hóa. Nghĩa là mình làm sao vươn ra ngoài thế giới được, mình ngang hàng với các CEO khác, tức là ngồi nói chuyện thoải mái về các vấn đề thế giới, không chỉ mỗi vấn đề về Việt Nam, mà nói cái gì CEO Việt Nam cũng tham gia được, tức là bằng vai phải lứa với các doanh nghiệp toàn cầu hóa. Đấy là cái mong ước mà tôi cho là rất là chính đáng.
Điều đó cũng giúp cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, mà phát triển lên thì đương nhiên rằng sản phẩm của họ sẽ tiến bộ hơn. Một ông giám đốc hiểu biết thì sẽ phải nghiên cứu nâng cấp sản phẩm, giá trị gia tăng trong nước ngày càng nhiều hơn, rồi hàm lượng chất xám cao hơn, tự khắc kinh tế tốt hơn và các sản phẩm giá trị chất xám cũng cao hơn.
Tôi lấy ví dụ châu Âu đang lặn ngụp trong nợ nần quốc tế, không chỉ mỗi doanh nghiệp, chính phủ cũng nợ nần. Trong khi mọi người không nghe, không nghĩ, không thấy thì mình cũng canh me, cũng bốc được một cái công ty con con nhưng mà rất hay. Đặc biệt là trước kia công ty đó lỗ nhưng bây giờ bắt đầu hoạt động có lãi. Mặc dù nó rất nhỏ thôi nhưng mang mầm mống công nghệ, cơ khí công nghệ cao rất lớn.
Các anh em khác nghe thấy thế cũng phải nghiên cứu để làm như thế.
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|