Thứ Bảy, 25/12/2010 07:38

Sẽ khởi động dự án lọc dầu Cần Thơ?

Nhà máy lọc dầu Cần Thơ, dự án lọc dầu đầu tiên do công ty tư nhân liên doanh với nước ngoài xây dựng, đã hé lộ hướng ra sau một thời gian dài bế tắc khi đối tác Mỹ rút lui khỏi dự án.

Sau hai năm cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án lọc dầu Cần Thơ vẫn chưa thể triển khai.

Sau cuộc họp ngày 22-12, chính quyền thành phố Cần Thơ khẳng định đã sẵn sàng để có thể giao 50ha đất thô cho nhà đầu tư cũng như xin ý kiến Chính phủ để gia hạn thời gian triển khai dự án.

Ái ngại năng lực chủ đầu tư

Hai năm chưa thể triển khai

Dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ được cấp phép năm 2008, có diện tích 250 ha, vốn đầu tư 538 triệu USD (Công ty cổ phần đầu tư - thương mại Viễn Đông góp 30% vốn và Công ty Semtech Limited, Mỹ góp số vốn còn lại), công suất 2 triệu tấn/năm. Sau khi Công ty Semtech Limited rút lui khỏi liên doanh, cuối năm 2009 Công ty Viễn Đông xin điều chỉnh quy mô dự án còn 50ha với tổng vốn đầu tư 350 triệu USD, công suất còn 1 triệu tấn/năm. Nhà máy sẽ sản xuất xăng A92, A95, dầu diesel, naphtha nhẹ... Công ty Vitol (Anh) đã ký thỏa thuận cung cấp dầu thô cho dự án.

Theo phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn, nếu xem xét năng lực tài chính của chủ đầu tư, hiện đã đủ điều kiện thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án này, nhưng còn cơ hội thì nên tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai. Băn khoăn của chính quyền Cần Thơ là có cơ sở bởi ngay từ đầu dự án này đã không suôn sẻ.

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, một năm sau Công ty Semtech (Mỹ) - phía đối tác nước ngoài chiếm 70% vốn trong liên doanh - rút lui. Bên VN trong liên doanh là Công ty cổ phần đầu tư - thương mại Viễn Đông (gọi tắt là Viễn Đông) kêu gọi một nhà đầu tư khác là Công ty Crystal Future, một nhà đầu tư Đài Loan đăng ký pháp nhân tại nước cộng hòa Mauritius, tham gia dự án.

Tuy nhiên, theo ông Võ Thành Sang - giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP Cần Thơ, đến nay Công ty Viễn Đông và đơn vị đối tác mới vẫn chưa ký kết liên doanh nên không đủ yếu tố để cơ quan chức năng Cần Thơ cấp lại giấy chứng nhận đầu tư mới. Trước đó, Công ty Viễn Đông đã cam kết đến ngày 31-10 sẽ cùng đối tác mới nộp đủ hồ sơ để đăng ký lại giấy chứng nhận đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Đức - tổng giám đốc Công ty Viễn Đông, thực tế Viễn Đông và Crystal Future đã ký hợp đồng nguyên tắc để nhà đầu tư mới này thay thế Semtech một cách hợp pháp trong liên doanh, nhưng bất ngờ Crystal Future tuyên bố ngưng hợp tác từ ngày 15-10 với lý do chính quyền địa phương Cần Thơ chưa giao đất sạch để triển khai dự án. Trong khi đó, ông Đức khẳng định thư xác nhận giải ngân vốn vào dự án của Ngân hàng Far East National Bank chi nhánh tại TP.HCM vẫn còn hiệu lực đến ngày 7-7-2011.

Ngoài ra, ông Đức cũng rất tự tin về khả năng vốn để triển khai dự án vì nhà thầu chính của dự án là Công ty Sumec (Trung Quốc) đã đồng ý trả chậm 80% giá trị gói thầu xây dựng trong vòng 5 năm (khoảng 120 triệu USD).

Ai lo đất sạch?

Vấn đề hiện nay là làm sao có mặt bằng ngay để triển khai dự án. Ông Đức cho rằng vì là nhà đầu tư đến sau nên Crystal Future quan ngại vấn đề đất sạch là hợp lý bởi họ không dự đoán được các rủi ro có thể phát sinh do vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư... Nhà máy lọc dầu Cần Thơ được cấp phép xây dựng trong Khu công nghiệp Ô Môn, trong khi trên thực tế khu công nghiệp này chưa được xây dựng. Nhưng ông Đức cho rằng với cam kết của lãnh đạo thành phố Cần Thơ sau cuộc họp giải quyết ngày 22-12, khi các điều kiện về giao đất đã rõ ràng thì ông có thể thuyết phục nhà đầu tư trở lại.

Ông Võ Thanh Hùng - trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ - thừa nhận dự án Khu công nghiệp Ô Môn quy mô 600ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập từ năm 2009 hiện vẫn chưa thành hình. Tuy nhiên, phần 50ha dành cho nhà máy lọc dầu đã được xác định vị trí, tọa độ rõ ràng. Như vậy chủ trương của TP và đất dành cho dự án đều có, điều quan trọng là chủ đầu tư phải bắt tay vào việc quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cụ thể nhà máy và bắt tay vào đền bù giải tỏa.

Trước đề nghị của chủ đầu tư về giao đất sạch, ông Nguyễn Thanh Sơn khẳng định “không thể có” mà chủ đầu tư phải chi tiền để địa phương giải phóng mặt bằng, sau đó trừ vào tiền thuê đất. Còn theo ông Võ Thành Sang, trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, Cần Thơ đã nêu rõ chỉ cho thuê đất thô, nhà đầu tư giải phóng mặt bằng và thuê đất, TP không có cam kết nào về giao đất sạch. Ông Sang khẳng định nếu trung ương tiếp tục cho phép gia hạn dự án này và chủ đầu tư chứng minh được năng lực tài chính thì TP sẽ tiếp tục có hướng dẫn tháo gỡ, tạo điều kiện cho dự án đi vào thực tế.

Lê Nguyên Minh - C.Quốc

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   Nhân công giá rẻ: Lợi thế thành bất lợi (25/12/2010)

>   Trung hoà giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô (24/12/2010)

>   CPI cả nước tháng 12 tăng 1.98%, năm 2010 tăng 11.75% (24/12/2010)

>   CPI 2010 vượt 1 con số và xu hướng 2011? (24/12/2010)

>   Việt Nam phát đạt khi Trung Quốc phát triển (24/12/2010)

>   Giải ngân FDI năm 2010 đạt 11 tỷ USD (23/12/2010)

>   Vài suy nghĩ về bốn năm Việt Nam gia nhập WTO (23/12/2010)

>   Để phát triển bền vững không là mục tiêu trên giấy (23/12/2010)

>   Thu hút FDI : Nước chảy chỗ trũng (23/12/2010)

>   Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Năm 2011, chi phí sản xuất tăng (23/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật