CPI tăng nằm trong dự đoán
Sau khi Tổng cục thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tháng 12 tăng 1,98%, đưa CPI của cả năm lên mức hai con số là 11,75%. Theo ý kiến của các chuyên gia, chỉ số này không bất ngờ và hoàn toàn nằm trong dự đoán.
Lương thực và thực phẩm tiếp tục là nhóm hàng dẫn đầu về mức tăng giá trong tháng 12 này. Cụ thể, lương thực tăng 4,67%, thực phẩm tăng 3,28%, và tác động mạnh đến chỉ số CPI của tháng 12 là 1,98%, cũng là mức tăng mạnh nhất của cả năm.
Lý giải về sự gia tăng đột biến này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các nguyên nhân khách quan, như thị trường thế giới tăng giá, dịch bệnh trên đàn gia súc trong nước và thiên tai bão lũ đóng vai trò quan trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế: “Nguyên nhân bên ngoài có hai sự kiện lớn đáng quan tâm, một là sự gia tăng mãnh liệt của giá vàng, giá vàng trên thế giới đã đạt những kỉ lục trong lịch sử chưa bao giờ có. Thứ hai là, trên thế giới đang có xu hướng gia tăng rất mãnh liệt hàng lương thực thực phẩm. Cuối cùng, việc tăng giá lần này còn chịu ảnh hưởng rất mạnh của những yếu tố đầu cơ và tâm lý, trong đó đầu cơ liên quan đến vàng và ngoại tệ. Còn tâm lý trong nước, các mặt hàng cũng bị thổi theo, ăn theo”.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế: “Từ chỉ số tăng CPI cao hai con số như vậy, năm 2011 chúng ta phải rút kinh nghiệm trong điều hành, không được chủ quan. Mục tiêu số một là phải ổn định vĩ mô, đây là điều tiên quyết để bảo đảm tăng trưởng và tạo niềm tin, nhất là vấn đề giải quyết vấn đề an sinh xã hội”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chỉ số CPI cả nước năm 2010 không bất ngờ và hoàn toàn nằm trong dự đoán của các nhà quản lý cũng như các nhà khoa học. Cần phân biệt 2 chỉ số, 1 loại phản ánh kì vọng, mục tiêu phát triển kinh tế của quốc gia, đó là mức 7% mà Quốc hội giao cho chính phủ hồi đầu năm. Mức chính phủ đặt ra sau đó đã có sự điều chỉnh dựa trên dự báo của tình hình kinh tế thế giới và trong nước.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế: “Ví dụ, trong nửa đầu năm, chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách lãi suất giảm dần để kích cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển kinh tế… nhưng sau đó áp lực lạm phát tăng lên, do nhận thức được phản biện của xã hội, chính phủ đã có chỉ đạo ngược lại, không gây sức ép hạ lãi suất nữa mà thực hiện lãi suất theo thị trường hơn để kiềm chế lạm phát, để tạo sự ổn định chung. Đây rõ ràng là sự phản ánh của kết quả những dự báo mang tính chất khách quan và khoa học hơn”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng CP về kiềm chế lạm phát, đặc biệt là những tháng sát Tết nguyên đán, Bộ Công thương và Bộ Tài chính từ nhiều tháng nay vẫn tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm bình ổn thị trường như: cho các doanh nghiệp lớn vay vốn ưu đãi để dự trữ hàng hóa thiết yếu, kiểm soát việc tăng giá bất hợp lý, hoãn thu phí giết mổ thịt gia súc, gia cầm.
Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết bình ổn giá, bảo đảm giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5-10%, bán hàng bình ổn giá đến tận tay người tiêu dùng để họ được thụ hưởng trực tiếp chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Hằng Nga
VTV
|