Ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia
Lạm phát cơ bản 7,5% là do chính sách tiền tệ
“Đầu năm mới, Chính phủ sẽ tuyên bố rất minh bạch về toàn bộ chính sách điều hành tiền tệ mà Chính phủ sẽ áp dụng, bao gồm cả mục tiêu, biện pháp thực thi và cả thời hạn có thể đạt được”, ông Nghĩa cho biết.
|
Ngân hàng chủ yếu đầu tư phần lớn vào trái phiếu chính phủ và một phần vào khu vực công. Đây là hai khu vực mang lại hiệu quả kinh tế thấp. |
Ông Nghĩa cho rằng, mức lạm phát 11,75% năm nay có một phần bị tác động từ yếu tố khách quan. Cụ thể, khoảng 4,5% là do tăng giá lương thực vì miền Trung bị bão lụt và khoảng 1% do giá xăng dầu thế giới tăng lên. Như vậy, lạm phát cơ bản của Việt Nam là khoảng 7,5%. Mức lạm phát này là do ngân hàng Nhà nước bằng chính sách tiền tệ đã tạo ra.
Nhưng một điều dễ thấy, lạm phát của Việt Nam có tính cơ cấu kinh tế, tức là phần lớn vốn liếng của xã hội được gom vào khu vực ngân hàng nhưng khu vực ngân hàng, lại đầu tư phần lớn vào trái phiếu chính phủ và một phần vào khu vực công. Đây là hai khu vực mang lại hiệu quả kinh tế thấp, trong khi khu vực tư năng động hiệu quả thì lại thiếu vốn trầm trọng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này làm cho hiệu quả vốn của toàn xã hội giảm.
Tổng kết trong mười năm qua cho thấy, tổng cung tiền của Việt Nam rất lớn. Nếu lấy GDP 6% là điểm cân bằng thì chúng ta chỉ cần tăng một chút lên 6,1 – 6,2% thì lượng tiền cung ứng kèm theo sẽ rất lớn và điều này đồng nghĩa với lạm phát.
Nói một cách khác, Việt Nam có một cấu trúc kinh tế tự nó đẻ ra lạm phát trong trường hợp tăng trưởng kinh tế tiệm cận với tiềm năng, như vậy, nếu ta duy trì mức tăng trưởng cao thì sẽ xảy ra lạm phát.
Còn nữa, nhiều chuyên gia nước ngoài lo ngại một số quan chức của ngân hàng Nhà nước có “ăn phần” trong việc tạo ra sự chênh lệch giữa lãi suất phát hành trái phiếu và lãi suất chiết khấu. Cụ thể, trái phiếu chính phủ mấy tháng trước đây được phát hành với lãi suất 10%/năm và các ngân hàng thương mại ôm trọn, rồi đem đi thế chấp cho ngân hàng Nhà nước với lãi suất chiết khấu 7,5%/năm. Như vậy 2,5% chênh lệch này sẽ vào túi ai đây? Trong khi, việc để mức lãi suất chiết khấu thấp như vậy còn làm cho các ngân hàng có cơ hội đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên cao nhằm hưởng lợi. Mặc dù điều này đã được giải quyết, nhưng gần một năm qua, khoản chênh lệch này rơi vào túi ai?
Về tỷ giá hối đoái, ông Nghĩa cho rằng, rủi ro lớn nhất là cách thức điều hành tỷ giá một cách giật cục khiến cho lòng tin của người dân vào tiền đồng suy giảm nghiêm trọng. Suy giảm tới mức, tỷ giá thị trường chợ đen chênh lệch khoảng 10% (2.000 đồng), điều chưa từng có trong vòng 15 năm trở lại đây.
Chính phủ sắp tới đây sẽ tuyên bố rất rõ ràng về nguyên nhân, biện pháp và thời gian giải quyết thật minh bạch, sau đó sẽ can thiệp trực tiếp vào tỷ giá hối đoái bằng việc phối hợp tất cả các công cụ trong tay. Mục tiêu là quý 1/2011 thị trường ngoại hối có thể ổn định, sau đó tiến hành hạ dần lãi suất.
Minh Huệ - Hà Minh
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|