Thứ Hai, 27/12/2010 08:27

Kinh tế TP.HCM năm 2010: Tăng trưởng nhưng không ổn định!

Năm 2010 được coi là năm đầy thử thách với kinh tế TP.HCM. Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, kinh tế thành phố vẫn tồn tại những bất ổn cần tiếp tục giải quyết trong năm 2011.

Tăng trưởng trong khó khăn.

Thành quả đáng ghi nhận đầu tiên của TP.HCM trong năm 2010 là vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM ước đạt 21 tỷ USD, nếu trừ dầu thô đạt khoảng 16,21 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2009. Số các mặt hàng chiến lược có mức tăng trưởng cao là nhóm hàng nông, lâm, thủy, hải sản (tăng 29%). Trong đó gạo đạt trên 1,6 tỷ USD kim ngạch (tăng 8%); cà phê đạt 623 triệu USD (tăng hơn 81%); cao su 496 triệu USD (tăng 143%).. Nhóm hàng công nghiệp cũng tăng trưởng hơn 10%. Trong đó hàng may mặc đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD (tăng 20%); giày dép gần 1,2 tỷ USD (tăng 21%); máy tính, sản phẩm điện tử, đạt 499 triệu USD (tăng 27%).

Để đạt được kết quả trên, chính quyền TP.HCM và các ban ngành đã “làm khác” vai trò của mình bằng cách trực tiếp đi tìm nguồn hàng, đối tác, mở rộng thị trường, thậm chí cả đi tiếp thị cho hàng Việt ở những thị trường mới”- bà Nguyễn Thị Hồng- Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết.

Ông Vòng A Lộc- Trưởng phòng kế hoạch- tài chính Sở Công Thương TP. HCM- cho biết, ngành công thương TP.HCM đã có hàng chục chuyến đi ra nước ngoài để mở rộng thị trường mới, tổ chức hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo, hội chợ hàng Việt trong và ngoài nước. Ngoài việc chú trọng khai thông mảng thị trường trong nước, ngành công thương tập trung khai thác thị trường truyền thống như châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và thiết lập thị trường mới như châu Phi, châu Đại Dương. Nhờ đó, trong năm 2010, khu vực châu Á tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu lên hơn 43% so với năm trước, đạt kim ngạch 6,8 tỷ USD. Hàng hóa của TP. HCM hiện đã có mặt tại 228 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 4 thị trường so với năm 2009.

Ông Nguyễn Văn Lai, giám đốc Sở Công Thương TP. HCM, cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 của TP.HCM đang có xu hướng phục hồi và tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong 28 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của thành phố, đã có 22 mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng dương, cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch, gia tăng sản phẩm chế biến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

Một thành tựu khác rất đáng khích lệ của TP.HCM chính là việc khai thông thị trường nội địa và đẩy mạnh chương trình bình ổm giá trong suốt năm nhằm bình ổn thị trường. Lần đầu tiên, năm 2010 TP. HCM đã tổ chức rầm rộ những cuộc khảo sát về nhu cầu của người tiêu dùng trong nước tại các chợ, siêu thị, bản làng vùng sâu vùng xa để “bắt mạch” thị trường. Riêng ngành công thương đã tổ chức hàng trăm phiên chợ hàng Việt, tần suất tăng gấp đôi so với năm 2009. Tại những phiên chợ hàng Việt, nhu cầu người bán và người mua đã gặp nhau và cung cầu hàng hóa đã được điều tiết đúng với thực tế.

Năm 2010 thành phố đã  chi 380 tỷ đồng từ ngân sách cho 14 DN không tính lãi suất để thực hiện chương trình bình ổn giá hàng hóa với mức bán rẻ hơn thị trường 10%. Hiên nay số điểm bán hàng bình ổn giá có gần 3.000 điểm.

Khó khăn vẫn tồn tại

Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân cho biết, năm 2010, thành phố tập trung hồi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế, kết quả 19/22 chỉ tiêu đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, GDP tăng 11,5%, tổng thu ngân sách trên địa bàn vượt 10%... Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng kinh tế thành phố vẫn còn thiếu tính ổn định và chưa đồng bộ, nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết triệt để.

Trước hết là vấn đề hàng lậu và hàng giả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến họat động sản xuất kinh doanh của các DN. Trong năm qua, bình quân mỗi tháng Chi Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM phát hiện trên 1.000 vụ vi phạm về hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng QLTT TP.HCM, tình trạng kinh doanh hàng lậu, hàng giả trên địa bàn thành phố đang rất nghiêm trọng và khả năng từ nay đến Tết Nguyên đán tình hình sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Tại kỳ họp thứ 19 của HĐND TP.HCM vào trung tuần tháng 12, các đại biểu cho rằng: TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhưng sự phát triển kinh tế của thành phố trong năm 2010 là chưa xứng tầm. Đại biểu Võ Văn Sen đánh giá: vai trò trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của TP.HCM ngày càng sụt giảm. Thành phố là trung tâm thương mại, công nghiệp nhưng các lĩnh vực này chưa phát huy tiềm năng. Môi trường đầu tư ngày càng kém lợi thế so với các tỉnh lân cận.

Một tồn tại khác khá nghiêm trọng gây bức xúc của người dân cũng như doanh nghiệp và cả các nhà đầu tư nước ngoài chính là vấn đề hạ tầng của thành phố ngày càng tệ. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường... đã làm cho hoạt động kinh tế trì trệ. Mặc dù các vấn đề này tồn tại đã lâu nhưng vấn đề xử lý, khắc phục chậm, khiến tình trạng này không giảm mà còn tăng trong năm 2010...

Đó chính là những điểm yếu mà chính quyền thành phố cần phải giải quyết rốt ráo và triệt để trong thời gian tới. Có giải quyết được những vấn đề trên, kinh tế thành phố mới có thể tăng trưởng một cách lâu dài và ổn định.

Thế Vĩnh

công thương

Các tin tức khác

>   Đáng lo (27/12/2010)

>   Việt Nam năm 2010: Góc nhìn của họ (26/12/2010)

>   CPI tăng nằm trong dự đoán (26/12/2010)

>   Đầu tư công và lạm phát (26/12/2010)

>   Năm 2011: Cần chấm dứt thu hút FDI bằng mọi giá (26/12/2010)

>   Dự án 11,4 tỷ USD sắp bị thu hồi giấy phép (25/12/2010)

>   Ông Đặng Thành Tâm: "Người ta đến đầu tư chứ không phải ăn xin". (25/12/2010)

>   Sẽ khởi động dự án lọc dầu Cần Thơ? (25/12/2010)

>   Nhân công giá rẻ: Lợi thế thành bất lợi (25/12/2010)

>   Trung hoà giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô (24/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật