Chủ Nhật, 26/12/2010 22:04

Việt Nam năm 2010: Góc nhìn của họ

Khép lại năm 2010, từ góc nhìn riêng, những người làm công tác giáo dục, chuyên gia tài chính, đại biểu dân cử... chia sẻ mối quan tâm, sự hài lòng và cả những lo lắng của họ đến nhiều vấn đề lớn của đất nước.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu HĐND TP.HCM:

Cần một đột phá chiến lược trước khi quá muộn!

Năm 2010 là một mốc quan trọng mà có khi ta không để ý: kết thúc kế hoạch kinh tế - xã hội năm năm, bắt đầu một chu kỳ mới, những nhiệm kỳ mới. Năm qua là năm thứ 10 TP.HCM liên tục đạt và vượt mức đầu tư, tăng trưởng... Vấn đề là chiếc kẹo thành tích ấy vẫn để lại dư vị đắng. Biểu đồ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng chất lượng sống cho người dân đang trái chiều nhau. Tốn hàng tỉ đôla xây thêm nhiều cầu đường mà nạn kẹt xe vẫn là căn bệnh mãn tính.

Chi hàng chục ngàn tỉ đồng ngân sách và nợ ODA cho các công trình chống ngập mà mấy năm trời dân vẫn phải lội nước sau mỗi trận mưa lớn, mỗi đợt triều cường. Không gian công cộng, vỉa hè, công viên... để hít thở vừa hiếm hoi vừa bị lấn chiếm trắng trợn. Hàng trăm ngàn mét khối chất thải từ sinh hoạt, công nghiệp, y tế vẫn xả ra sông rạch. Những “hố tử thần” liên tiếp xuất hiện và không biết chừng nào hết. Thủ tục hành chính vẫn là cơn ác mộng của người dân. Văn hóa, giáo dục, đạo đức suy thoái, nhất là trong giới trẻ, và càng xóa nghèo thì khoảng cách giàu nghèo càng dãn ra. Vậy cái đích của tăng trưởng, của đầu tư, quy hoạch và của cả trăm ngàn tỉ đồng thu thuế mỗi năm là gì?

Cái đích phát triển của một đất nước cũng như một địa phương phải là con người, làm sao cho người dân có một môi trường sống và làm việc ngày càng văn minh, hiện đại, chất lượng sống được nâng cao. Nhìn ra khu vực, thấy sự phát triển của TP.HCM hình như đã chậm bước, thậm chí có phần lạc bước. Nhưng chưa quá muộn nếu chúng ta biết chuyển hướng con tàu trước khi tăng tốc. Trong các chương trình đột phá của thành phố, sự đột phá về tư duy và mô hình tăng trưởng có lẽ là điều quan trọng nhất và cần được bắt đầu ngay từ năm 2011 - năm đầu của thập niên thứ hai thế kỷ 21.

Bà Trương Thị Mai

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của quốc hội Trương Thị Mai:

Vẫn mắc nợ cử tri

Đã gần ba nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội và nay là một đại biểu Quốc hội chuyên trách, tôi cảm thấy công việc, cuộc sống và người dân - cử tri ngày càng đặt ra những yêu cầu cao hơn cho mình. Điều khiến tôi nặng lòng nhất dù đã cố gắng hết mình nhưng vẫn cảm thấy mắc nợ cử tri là việc mỗi năm Ủy ban Các vấn đề xã hội nhận hàng ngàn đơn thư kiến nghị, khiếu tố các loại.

Có người hỏi tôi có thấy phiền lòng hay rắc rối trước chừng ấy đơn thư không? Tôi lại thấy mình còn nhiều trăn trở, bởi người dân phải gửi đơn thư nghĩa là đã bức xúc, tâm tư về một vấn đề, vụ việc nào đó. Tôi thật sự không vui khi tỉ lệ giải quyết đơn thư của người dân còn thấp. Vấn đề không phải là nhận được đơn thư nhiều mà là giải quyết được bao nhiêu đơn thư do người dân gửi tới.

Lần nào tiếp xúc cử tri cũng có rất nhiều điều phải suy nghĩ, vì cử tri đặt ra rất nhiều vấn đề mà mình không thể giải quyết hết. Có cuộc tiếp xúc cử tri rất chia sẻ với Quốc hội, Chính phủ, nhưng có những cuộc hàng chục cử tri đứng lên nói rất căng thẳng. Tuy có những việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình nhưng đó đều là những vấn đề cuộc sống, của người dân đặt ra, mình là đại biểu cho dân thì phải có trách nhiệm tìm hiểu, nắm bắt.

Có những vấn đề bản thân thấy hết cách, chẳng hạn những vụ việc hết thời hạn giải quyết hoặc những chuyện các cơ quan thẩm quyền giải quyết cứ lòng vòng. Có nhiều điều người dân đòi hỏi phải giải quyết ngay nhưng mình không thể giải quyết ngay được, dẫn đến việc người dân không vui vẻ thì bản thân mình cũng thấy không thể vui được.

Công việc của một đại biểu Quốc hội nhiều khó khăn nhưng cũng mang đến những niềm vui, rèn luyện và giáo dục cho mình nhiều, bản thân tôi cũng trưởng thành lên qua từng việc. Thật sự tôi chưa hài lòng với những việc đã làm được. Cuộc sống, thời gian sẽ không chờ đợi, mình phải tận dụng hết thời gian, đáp ứng yêu cầu do người dân đặt ra cho mình, không dừng lại được.

PGS.TS Trần Hữu Tá

PGS.TS Trần Hữu Tá:

“Khủng hoảng giáo dục không trần trọng thêm nhưng còn quá nhiều vấn đề"

Năm qua, những khủng hoảng lớn của giáo dục từ năm 2009 không giải quyết được nhiều nhưng đáng mừng là không trầm trọng hơn, một số mặt khủng hoảng giảm. Tốc độ phát triển các trường đại học giảm, trước đây cứ một tháng 2-3 trường thành lập thì nay bớt hẳn, bộ cũng đã có ý thức yêu cầu các trường mới phải tiến tới đạt chuẩn về chương trình học tập, tổ chức thi cử, quản lý...

Nhưng về mặt chuyên môn, năm 2010 giáo dục cấp nào cũng có những vấn đề. Hệ thống mầm non bị thả nổi, không có đủ trường cho trẻ, nhà trẻ tư xảy ra quá nhiều bi kịch với trẻ do nạn bạo hành. Đúng là Nhà nước không thể gánh vác được hết, nhưng lẽ ra phải có chỉ đạo thế nào để hệ thống mầm non hoạt động đúng hướng và được giúp đỡ để khi vào cuộc nó đạt chuẩn về đào tạo, chương trình và kế hoạch. Cấp tiểu học và trung học vẫn bị quá tải nặng nề, trẻ con vẫn học tối tăm mặt mũi, đến trường mà không cảm thấy được như khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” vì bài vở chất chồng, kiến thức lại hạn chế và suốt ngày nghe thầy cô rao giảng độc diễn.

Việc phát triển mỗi tỉnh có 1-2 trường đại học là rất nên, nhưng không nên vì mục tiêu ấy mà phát triển vội vã, không thể nghĩ tỉnh cho đất, xuất vốn, xây trường... và thế là thành đại học. Các đại học tỉnh hiện nay toàn từ cao đẳng sư phạm nâng lên mà bản thân các trường cao đẳng ấy đã yếu rồi. Tôi chưa thấy có sự chuẩn bị tốt cho các đại học địa phương trong khi thời gian chuẩn bị ấy cũng phải 4-5 năm, phải qua các đợt đào tạo chuyên môn, buộc dự giờ, mời giáo sư đỡ đầu và bồi dưỡng kiến thức cho nhóm giảng viên tương lai. Nhưng không ai làm được chuyện ấy. Thế nên hệ thống đại học địa phương hiện nay rất đáng ngại.

Xã hội hóa việc làm sách giáo khoa cũng là việc được bàn nhiều trong năm. Một chương trình và nhiều sách giáo khoa là cách rất nhiều nước đã làm. Một người viết, một nhóm người viết là hoàn toàn tự nguyện, sau đó xã hội sẽ chấp nhận hoặc từ chối. Nhiều nước một môn có đến 12 bộ sách giáo khoa vẫn đảm bảo đúng chương trình. Tại sao ta vẫn cứ phải giữ chặt lấy kiểu một chương trình một sách giáo khoa trong khi mỗi lần thay sách giáo khoa là cực kỳ tốn kém và mất thời gian?

Ông Lê Trọng Nhi

Chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi:

Phải áp dụng kỷ luật - kỷ cương trong chính sách tiền tệ

Điểm tích cực nhất trong chính sách tiền tệ năm 2010 là mặc dù hơi trễ nhưng dường như Chính phủ đã nhận ra, ghi nhận có bài học bất cập và trải nghiệm thất bại. Nếu đúng như vậy, tôi cầu mong những câu chuyện “thất bại là mẹ thành công” sẽ được thể hiện đúng và đủ trong năm 2011 và chu kỳ phát triển đến năm 2015.

Tình trạng “giật cục” trong kinh tế và đặc biệt trong chính sách tiền tệ (độ nhạy cao) với hệ thống ngân hàng còn yếu và thị trường vốn còn non đồng nghĩa với “bối rối - hao tổn - rời rạc - tổn thương”. Vì vậy phải nói rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bị rủi ro bao quanh gần như thường trực, do đó không có gì ngạc nhiên khi thấy những câu chuyện và phương cách điều hành “giật cục” trong cộng đồng này. Đây là một hệ quả tiêu cực nhất thời trong công việc kinh doanh hằng ngày nhưng sẽ là một tiêu cực có tác hại lớn đến tư duy kết nối hợp tác phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, xa hơn là câu chuyện tư duy trong phát triển kinh tế - xã hội.

Có lẽ cũng cần đề cập sự “giật cục” trong chính sách tiền tệ năm qua có phần góp của những vấn đề trong chính sách tài khóa. Lạm phát hiện nay có những yếu tố bất cập và lãng phí trong chính sách đầu tư công từ nhiều năm qua, làm móp méo nợ công và thị trường tiền tệ. Nói cách khác, đó là thiếu vắng (khá lâu) sự phối hợp cộng hưởng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Muốn kìm hãm và giảm lạm phát, tìm sự ổn định vĩ mô trong năm 2011 theo hướng tích cực, một trong những việc lớn nhất thiết phải được làm ngay là chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng phải có, thực hiện những “kỷ luật - kỷ cương” tốt nhất có thể trong quản lý, điều hành và kinh doanh. Cần thiết hơn nữa là chính sách tài khóa từ Bộ Tài chính phải nhanh chóng kết hợp và hỗ trợ “kỷ luật - kỷ cương” từ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Điều đó khó nhưng không quá khó đến mức không thể thực hiện được.

Lê Kiên - Lan Phương - Lê Nguyên Minh ghi

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   CPI tăng nằm trong dự đoán (26/12/2010)

>   Đầu tư công và lạm phát (26/12/2010)

>   Năm 2011: Cần chấm dứt thu hút FDI bằng mọi giá (26/12/2010)

>   Dự án 11,4 tỷ USD sắp bị thu hồi giấy phép (25/12/2010)

>   Ông Đặng Thành Tâm: "Người ta đến đầu tư chứ không phải ăn xin". (25/12/2010)

>   Sẽ khởi động dự án lọc dầu Cần Thơ? (25/12/2010)

>   Nhân công giá rẻ: Lợi thế thành bất lợi (25/12/2010)

>   Trung hoà giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô (24/12/2010)

>   CPI cả nước tháng 12 tăng 1.98%, năm 2010 tăng 11.75% (24/12/2010)

>   CPI 2010 vượt 1 con số và xu hướng 2011? (24/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật