Thứ Hai, 27/12/2010 08:30

Lạm phát cao do tăng trưởng dựa vào vốn

Theo các chuyên gia, cung tiền tăng lên, nhưng do năng suất chung thấp nên hàng hoá, dịch vụ được tạo ra tăng không tương ứng khiến cho lạm phát cao.

Tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào vốn, trong khi mức gia tăng sản phẩm, dịch vụ thấp hơn nhiều so với mức tăng cung tiền. Đây là nguyên nhân chính yếu khiến cho lạm phát của Việt Nam cao, kéo dài.

* Lạm phát cơ bản 7,5% là do chính sách tiền tệ

* Đầu tư công và lạm phát

* Thống đốc Ngân hàng: Lạm phát cao không phải do quản lý tiền tệ

Góc nhìn này của một số chuyên gia có sự khác biệt với kết luận cho rằng “việc điều hành tiền tệ trong năm qua không trực tiếp gây ra lạm phát”của thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu tại phiên điều trần trước uỷ ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 25.12.

Vốn tăng, năng suất giảm

Theo thành viên uỷ ban Kinh tế Quốc hội Trần Du Lịch, từ cuối năm 2009, đầu năm 2010, trước những dự báo lo ngại về nguy cơ lạm phát cao trong năm nay, các biện pháp điều hành của Chính phủ khá thận trọng với nguy cơ này. Khi mối lo có phần lắng xuống, mục tiêu tăng trưởng lại được hướng đến, chính sách tiền tệ được nới lỏng dần. Song song với đó, thị trường chịu các tác động khách quan như mặt bằng giá cả thế giới, nhập siêu gây áp lực lên tỷ giá… Và lạm phát đã bị đẩy ra ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ.

TS Nguyễn Quang A phân tích, các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng của Việt Nam bao gồm vốn, lao động và năng suất tổng hợp, trong đó vốn chiếm hơn 60%. Do vậy, muốn tốc độ tăng trưởng đạt cao buộc phải tăng cung tiền, đồng nghĩa với nới lỏng chính sách tiền tệ. Tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế ba năm gần đây luôn trên 40% GDP, tăng trưởng tín dụng năm 2009 lên tới 37%, năm 2010 ước đạt 27% – cao hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế khác. Điều này giải thích vì sao, nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan lạm phát thấp hơn Việt Nam (dưới 5% trong năm 2010), dù họ cùng chịu tác động về chi phí đầu vào quốc tế. “Cung tiền tăng lên, nhưng do năng suất chung thấp nên hàng hoá, dịch vụ được tạo ra tăng không tương ứng khiến cho lạm phát cao”, ông Quang A giải thích.

TS tài chính Quách Mạnh Hào cho rằng, sự phục hồi kinh tế Việt Nam vừa qua được kích thích chủ yếu bởi gói kích cầu lên tới 8 tỉ USD, trong đó có tới 4 tỉ USD được thực hiện thông qua tài trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp. Việc hồi phục kinh tế dựa trên nền tảng “tiền rẻ” là nguyên nhân chính tạo ra sức ép lạm phát bởi càng khuyến khích đầu tư không hiệu quả. Dẫn chứng là năm 2009, hệ số ICOR tăng cao lên mức 8,0 so với mức 6,66 năm 2008, (nghĩa là hiệu suất đầu tư thực tế của chúng ta đã giảm 20%). Nếu so sánh với Thái Lan có ICOR ở mức 5,0, thì có thể thấy rằng chúng ta cần bơm một lượng tiền gần như gấp đôi để có thể tạo ra một mức tăng trưởng ngang nhau.

Lạm phát là thuế vô hình đánh vào người dân

“Mục tiêu số một trong điều hành vĩ mô năm 2011 là giảm lạm phát bởi lạm phát là khoản thuế vô hình đánh vào mọi người dân, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những người nghèo”, TS Nguyễn Quang A nhấn mạnh. Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông, chúng ta không nên chạy theo mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá, đồng thời phải siết chặt chẽ đầu tư, chi tiêu của Chính phủ.

“Nguyên nhân sâu xa của tình trạng lãi suất và lạm phát cao ở Việt Nam là do hiệu quả đầu tư thấp và tình trạng thâm hụt ngân sách khá cao, do vậy, trong dài hạn, để ổn định vĩ mô phải xử lý bằng được những tồn tại này”, ông Hồ Bá Tình, phòng nghiên cứu công ty cổ phần Tài Việt (Vietstock) nêu ý kiến. Theo ông Tình, chúng ta phải từng bước giảm tỷ lệ đầu tư/GDP về quanh mức 30 – 35% thay vì trên 40% như hiện nay. Bên cạnh đó, cần đặt mục tiêu giảm tăng trưởng tín dụng và cung tiền hàng năm về quanh mức 20% và hệ số ICOR khoảng bốn lần.

Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm lưu ý thêm, sự điều hành của Chính phủ cần nhịp nhàng hơn nữa, tránh tình trạng thiếu đồng bộ về biện pháp, phát ngôn giữa các cơ quan chức năng, gây tâm lý lo lắng cho người dân, thậm chí một số trường hợp đã lợi dụng để “té nước theo mưa”, như việc một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động tới 18% như vừa qua là một ví dụ càng khiến cho thị trường rối loạn, khiến kiểm soát giá cả, lạm phát càng khó khăn.

Thảo Nguyễn

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Lạm phát cơ bản 7,5% là do chính sách tiền tệ (27/12/2010)

>   Kinh tế TP.HCM năm 2010: Tăng trưởng nhưng không ổn định! (27/12/2010)

>   Đáng lo (27/12/2010)

>   Việt Nam năm 2010: Góc nhìn của họ (26/12/2010)

>   CPI tăng nằm trong dự đoán (26/12/2010)

>   Đầu tư công và lạm phát (26/12/2010)

>   Năm 2011: Cần chấm dứt thu hút FDI bằng mọi giá (26/12/2010)

>   Dự án 11,4 tỷ USD sắp bị thu hồi giấy phép (25/12/2010)

>   Ông Đặng Thành Tâm: "Người ta đến đầu tư chứ không phải ăn xin". (25/12/2010)

>   Sẽ khởi động dự án lọc dầu Cần Thơ? (25/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật