Việt Nam nỗ lực thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình
Việt Nam đã có những tiến bộ kinh tế vượt bậc trong 10 năm qua. Nhưng làm sao để tăng trưởng bền vững và mọi người dân đều được hưởng lợi từ những bước tiến này sẽ là cả một thử thách, tờ Guardian nhận định.
Tám giờ sáng tại Hà Nội, hàng nghìn xe máy, xe gắn máy, xe đẩy đủ loại đã qua lại nhộn nhịp trên đường phố. Một số xe chở hai hoặc ba, số khác thì đèo theo nào hàng hóa, nào tải gạo, nào đồ đạc.
Nếu là khách bộ hành lần đầu tiên tại đây, qua đường là trải nghiệm đáng sợ. Ấy thế mà chính trong cái bản giao hưởng hỗn loạn đó, "hệ thống" lại hoạt động trơn tru. Bí quyết là chỉ đi bộ khi bạn có thể, và cứ mặc cho dòng xe dập dờn đi qua bạn.
Hoạt động hỗn loạn này tương phản hoàn toàn với tiến trình kinh tế vĩ mô thận trọng mà Việt Nam đã và đang lựa chọn. Công cuộc đổi mới kinh tế của Việt Nam được phát động năm 1986, sau hơn một thập niên trì trệ kể từ ngày thống nhất.
Việt Nam đã thay đổi mau lẹ trong 10 năm qua, nhưng người dân vẫn nói đất nước họ tụt hậu so với các nước bên cạnh, như Thái Lan và Malaysia, những nước có tổng thu nhập quốc dân (GNP) trên đầu người lần lượt đạt 3.760 USD và 7.230 USD.
Năm ngoái, GNP đầu người của Việt Nam đã leo lên 1.010 USD, thể hiện bước tiến ấn tượng của nước này trong nỗ lực giảm diện cực nghèo. Hà Nội đã thoát khỏi cái bóng của một thành phố tĩnh mịch, buồn bã khi kinh tế Việt Nam cất cánh, dù cái nghèo ở nông thôn vẫn đeo đẳng, đặc biệt tại các khu vực dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa.
Với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, thách thức phía trước họ là làm sao để duy trì đà tiến bộ này. Thái Lan và Malaysia đang mắc kẹt trong cái gọi là "bẫy thu nhập trung bình". Khi các nước này vượt khỏi hạng quốc gia rất nghèo, việc tiến xa nữa sẽ phức tạp hơn rất nhiều do tính cạnh tranh giảm xuống và các chi phí đối với các nhà đầu tư tăng lên.
Bẫy thu nhập trung bình sập xuống, nới rộng thêm bất bình đẳng khi phần lớn của cải tập trung vào trong tay số ít người giàu.
Năm nay, Kuala Lumpur tuyên bố nhiều kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến Malaysia thành một nền kinh tế tiêu chuẩn OECD, theo chân sự trỗi dậy của Hàn Quốc, nước từng là một trong những nơi nghèo nhất thế giới.
Yếu tố quyết định trong sự đi lên của Hàn Quốc là cải cách giáo dục, và lĩnh vực này Việt Nam đang làm khá tốt. Tại Hà nội, các cuộc hội thảo với các chuyên gia trẻ và sinh viên Việt Nam thường đề cập nhiều đến tầm quan trọng của một nền giáo dục tốt đối với người dân Việt Nam.
Việt Nam vừa được "thăng" lên mức trung trên bảng xếp hạng kinh tế thế giới, nhưng vẫn muốn tiếp tục leo cao hơn nữa. Cũng giống như phần lớn các nơi khác tại châu Á, nền kinh tế Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ sau suy thoái toàn cầu. Tăng trưởng năm 2010 ước tính sẽ vượt mức 5% năm ngoái - dù thấp hơn so với tỷ lệ trung bình 6,5-8% trong thập niên trước.
Tháng Mười, nhà máy lớn nhất thế giới của công ty công nghệ Intel tại TP.HCM đi vào sản xuất, là minh chứng rõ nhất về sự vươn lên của nước này trở thành điểm đến đầu tư của các công ty đa quốc gia.
Chủ tịch và Tổng giám đốc Intel, ông Paul Otellini, chia sẻ quan điểm với phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại lễ khai mạc, rằng cơ sở mới này sẽ góp phần củng cố mục tiêu đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, dẫn đầu bởi các ngành có hàm lượng công nghệ cao.
Chưa đầy một tuần sau đó, tại hội nghị cấp cao Đông Á và ASEAN tổ chức tại Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận đầu tư của Microsoft và Boeing.
Tuy nhiên, việc Việt Nam thoát nghèo và duy trì tăng trưởng kinh tế khá phần nhiều do sự tan băng trong quan hệ với Mỹ và những liên kết thương mại và đầu tư hình thành sau đó. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi đối tác lớn nhất là Trung Quốc.
Việt Nam đang cố gắng cân bằng giữa quan ngại về một Bắc Kinh ngày càng quyết liệt với thực tiễn lợi ích kinh tế khi cận kề Trung Quốc.
Việt Nam đã tiến gần hơn tới Mỹ, để Trung Quốc thấy được nước này có nhiều lựa chọn nếu Bắc Kinh chèn ép các nước láng giềng quá đáng. Khi tàu khu trục của hải quân Mỹ USS John S. McCain cập cảng Đà Nẵng hồi giữa tháng Tám, nhiều người đã nói đến tính biểu tượng của sự kiện này.
Con tàu được đặt theo tên ông nội của ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2008, John McCain, cựu tù binh trong chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, chiến lược của Việt Nam nhiều khả năng vẫn nhằm duy trì cân bằng giữa hai cường quốc này. Sự hiện diện của Trung Quốc tại Tây Nguyên đang gây ít nhiều tranh cãi. Họ quan ngại các dự án khai khoáng do Trung Quốc làm chủ vì lý do môi trường và vì sợ tài nguyên của Việt Nam tháo chạy sang Trung Quốc.
Chính sách kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam hẳn cũng góp phần rất lớn thúc đẩy tiến bộ trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và trẻ sơ sinh, nhưng đang khiến Việt Nam phải chịu cảnh mất cân bằng giới tính, giống như Trung Quốc.
Ở Việt Nam, theo thống kê của Liên hợp quốc, tỷ lệ giới tính trẻ sơ sinh đang là 112 bé trai/100 bé gái, và nữ giới trung bình phải phá thai ba lần trong đời, để đảm bảo chính sách hai con.
Đình Ngân (Theo The Guardian)
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|