Thứ Năm, 04/11/2010 07:19

Vai trò của vốn ngoại đối với xu hướng VN - Index

Các chuyên gia của công ty chứng khoán và quỹ đầu tư chia sẻ những quan điểm về vấn đề tác động của dòng vốn ngoại đang chảy vào TTCK Việt Nam trong bối cảnh bức tranh thị trường vẫn còn ảm đạm.

- Trong điều kiện TTCK hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giải ngân vào các mã bluechip. Điều này có thể lý giải thế nào?

Ông Nguyễn Đình Quang: Mặc dù còn nhiều rủi ro vĩ mô tồn tại làm TTCK có xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn, tuy nhiên, rất nhiều cổ phiếu đã ở định giá rất hấp dẫn về mặt cơ bản, phù hợp với mục tiêu đầu tư dài hạn. Đây cũng chính là động lực cho dòng tiền nước ngoài và tổ chức vào Việt Nam. Theo con số thống kê qua báo cáo kinh doanh của các quỹ, những quỹ đầu tư đã có thâm niên trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã giải ngân phần lớn và số tiền đầu tư còn lại không nhiều. Theo tôi thì chưa có quỹ nào kéo thêm được tiền mới tại thời điểm này.

Ông Nguyễn Việt Hùng: Trong thời gian qua, dòng tiền “nóng” được đánh giá là chưa tìm đến với Việt Nam. Với rủi ro về tỷ giá và xu hướng đi xuống của thị trường so với các chỉ số khác trong khu vực như hiện nay, theo đánh giá của tôi dòng vốn ngoại chủ yếu là dòng vốn cũ.

- Có thể nói rủi ro về thanh khoản hiện nay là vấn đề lớn của TTCK VN, liệu dòng tiền của nhà đầu tư ngoại (nếu rót vào) có cải thiện được vấn đề?

Ông Nguyễn Đình Quang: Thanh khoản thấp trong đợt vừa qua khi thị trường lình xình quanh mức điểm 450. Lý do là cầu không gặp cung. Thanh khoản sẽ được cải thiện ít nhất trong ngắn hạn khi VN - Index chạy ra khỏi vùng cân bằng. Dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài có thể là một động lực nhỏ mang tính chất xúc tác nếu vẫn giữ được khối lượng giao dịch tốt. Tuy nhiên, trong ngày giao dịch cao nhất từng có, khối ngoại chỉ chiếm 25% giá trị giao dịch thị trường, khối nội vẫn chiếm trên 75%. Giao dịch khối nội vẫn sẽ chiếm ưu thế trong việc ảnh hưởng đến thanh khoản chung của thị trường.

Ông Nguyễn Việt Hùng: Mặc dù liên tục mua ròng nhưng quy mô tham gia của khối ngoại so với tổng giá trị giao dịch của thị trường chưa lớn, trung bình chưa tới 5% nên khó có thể đánh giá được vai trò của khối ngoại đối với xu hướng VN - Index. Vấn đề của thị trường hiện không phải là thiếu dòng tiền mà thiếu các yếu tố hỗ trợ để dòng tiền đi vào thị trường, trong đó có dòng tiền từ khối ngoại. Khi dòng tiền của các quỹ đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam không còn nhiều thì dòng vốn mới sẽ có vai trò rất quan trọng trong thời gian tới.

- Nhiều ý kiến cho biết nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới thị trường mới nổi, liệu thị trường Việt Nam có phải là điểm đến trong tầm ngắm hiện nay?

Ông Nguyễn Việt Hùng: Rất khó có thể kỳ vọng vào đột biến về dòng tiền “ngoại” cho tới khi chính sách tiền tệ được định hình, mà quan trọng nhất là vấn đề tỷ giá, thâm hụt thương mại và chính sách về kiểm soát dòng tiền của chính phủ. Nếu giải quyết được vấn đề này, dòng tiền có khả năng vào Việt Nam rất nhanh.

Ông Chris Freund: Trong quá trình đi gây quỹ để đầu tư vào thị trường Việt Nam, chúng tôi thường nhận được một số câu hỏi. Về cơ bản thì câu hỏi đầu tiên sẽ là khoản đầu tư thành công nhất và ít thành công nhất của chúng tôi là gì và bài học rút ra từ các khoản đầu tư này? Một câu hỏi khác là liệu chúng tôi đã có những khoản thoái vốn thành công tại thị trường Việt Nam hay chưa? Và đối với các nhà đầu tư trong khu vực cũng như toàn cầu, một câu hỏi khác được đặt ra là tại sao lại đầu tư vào Việt Nam mà không phải các thị trường khác. Đối với chúng tôi, Việt Nam đang cho thấy một cơ hội thú vị để tham gia vào mức tăng trưởng tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là một đất nước có tỷ lệ dân trí tăng trưởng nhanh, dân số trẻ và đông với tỷ lệ lớn người dân ở độ tuổi lao động và tiêu dùng. Tiêu dùng bình quân tính trên đầu người tại Việt Nam hiện còn thấp so với các nước trong khu vực nhưng lại có mức tăng trưởng liên tục hàng năm. Trong vòng 5 - 15 năm tới, chúng ta có thể thấy mức tiêu dùng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng nhanh khi tầng lớp trung lưu xuất hiện mạnh mẽ.

- TTCK VN có thể kỳ vọng đợt sóng tăng trưởng của nhà đầu tư nước ngoài không khi rủi ro về tỷ giá còn lớn?

Ông Nguyễn Đình Quang: TTCK VN vẫn sẽ rất có sức hút đối với dòng tiền ngoại về mặt dài hạn. Việt Nam vẫn là một thị trường mới với tiềm năng tăng trưởng cao trong khu vực cũng như trên thế giới, tiêu biểu là rất ít nước có GDP tăng trưởng đều đặn khoảng 7%/năm. Thời điểm của một đợt sóng vốn ngoại mới thì không ai có thể đoán chính xác. Tuy nhiên những điều kiện để thu hút dòng vốn ngoại là chính sách và luật pháp cần được minh bạch và doanh nghiệp có cách nhìn dài hạn hơn.

Ông Nguyễn Việt Hùng: Do việc pha loãng và phát hành thêm nên mặc dù VN - Index đang cách xa so với đáy năm 2009, nhiều cổ phiếu đã trở về mức giá của giai đoạn này. Nếu bỏ qua hai yếu tố nêu trên, P/E của 80% số mã chứng khoán trên thị trường hiện nay đã lùi về ngưỡng 5x – 7x, tức là “rẻ” hơn nhiều so với bất kỳ thị trường nào khác trong khu vực. Như vậy, mặc dù hiện nay TTCK đang đối mặt với một số tin tức không tích cực và rủi ro trong ngắn hạn, khả năng giảm điểm vẫn tồn tại. So sánh với các thị trường khác trong khu vực, TTCK VN dường như đang phản ứng quá mạnh với lo ngại về nền kinh tế vĩ mô. Chúng tôi nhận định muộn nhất là đầu năm 2011, thị trường tài chính được hứa hẹn tiềm ẩn nhiều cơ hội lớn đối với nhà đầu tư trung và dài hạn, thậm chí cả dòng tiền “nóng”.

Biểu đồ dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam

- Nếu dòng vốn ngoại đổ vào, chúng ta có thể hy vọng trường phái đầu tư cơ bản sẽ trở lại thị trường, thay vì theo làm giá hay tin tức nội gián như hiện nay?

Ông Nguyễn Đình Quang: Dòng tiền ngoại sẽ chảy vào nhiều hơn nếu trường phái đầu tư cơ bản dài hạn lên ngôi, chứ không phải điều ngược lại là dòng tiền ngoại vào sẽ làm trường phái cơ bản trở lại. Nhà đầu tư nội vẫn sẽ chiếm lĩnh thị trường ít nhất trong vài ba năm tới.

Ông Nguyễn Việt Hùng: Theo tôi, trường phái chỉ mang tính chất trừu tượng, là thước đo để nhà đầu tư cân nhắc điểm “vào”, “ra’”để đạt được lợi nhuận mục tiêu. Tuy nhiên, dù đầu tư theo trường phái nào thì vẫn chịu rủi ro chung của thị trường. Vấn đề lớn hơn của thị trường Việt Nam năm nay là sức ép từ các chính sách vĩ mô chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư.

Trong điều kiện đó, các nhà đầu tư cá nhân đi tìm các cơ hội từ cổ phiếu nhỏ và tin tức nội gián. Nhiều CP được đánh giá là đã bị đẩy vượt quá giá trị thật. Tuy nhiên ngay cả khái niệm “giá trị thật” cũng mang tính chất trừu tượng. Nếu không có người mua thì làm sao có hiện tượng làm giá được? Theo quan điểm của tôi, khi dòng vốn của khối ngoại vào đủ mạnh, nhóm bluechip sẽ được quan tâm nhiều hơn và sẽ hỗ trợ NĐT cá nhân tìm đến các cổ phiếu “an toàn” hơn mà vẫn đạt được kỳ vọng về lợi nhuận. Đa số NĐT nước ngoài đều theo trường phái cơ bản nên có lý do để tin tưởng về vai trò của đầu tư giá trị nhất là khi thị trường xuống rất sâu như hiện nay.

Ông Chris Freund: Vì Mekong Capital là công ty quản lỹ quỹ tập trung đầu tư vào cổ phần riêng lẻ (private equity) tại Việt Nam nên câu trả lời của tôi sẽ dành cho thị trường private equity. Hiện có rất nhiều quỹ đầu tư cổ phần riêng lẻ hoạt động tại Việt Nam, nhiều hơn ở bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á. Các quỹ này có rất ít hoặc không còn vốn để đầu tư ở thời điểm hiện tại, nhưng khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, một số trong các quỹ này sẽ khai trương quỹ mới. Sự cạnh tranh, sẽ thúc đẩy các công ty đầu tư cổ phần riêng lẻ ở Việt Nam buộc phải cập nhật và ứng dụng những thông lệ tốt nhất. Việt Nam nhất định sẽ nổi lên như một thị trường cổ phần riêng lẻ hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vì nguồn vốn trong nước đầu tư vào cổ phần riêng lẻ ở Việt Nam còn ít, các quỹ đầu tư vào cổ phần riêng lẻ sẽ phụ thuộc vào vốn nước ngoài trong vòng 10 năm tới.       

- Xin cảm ơn các ông!

Song Hương thực hiện

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 04/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (04/11/2010)

>   UPCoM-Index giảm còn 42,12 điểm (03/11/2010)

>   Chứng khoán: Còn 2 tháng 'nước rút' ? (03/11/2010)

>   Vốn “nóng” vẫn nguội! (03/11/2010)

>   Thị trường chứng khoán trước áp lực lạm phát (03/11/2010)

>   Khối ngoại tiếp tục mua ròng: Vì sao? (03/11/2010)

>   Thị trường ngày 03/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (02/11/2010)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ 0,06 điểm (02/11/2010)

>   Chứng khoán: Né “cú tát” của con gấu (02/11/2010)

>   Tỷ giá - ẩn số tháng 11 (02/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật