Vốn “nóng” vẫn nguội!
Mặc dù hoạt động mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài kéo dài từ đầu năm đến nay nhưng thị trường vẫn kéo dài chuỗi ngày nguội lạnh.
|
Tỷ giá đang là rủi ro đối với dòng vốn nóng muốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. |
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá tháng 8/2010, đã có những nhận định về lo ngại dòng vốn “nóng” từ bên ngoài đổ vào tạo nên bong bóng tài sản, mà cụ thể là thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, khi chỉ còn gần hai tháng nữa là hết năm, dòng vốn này vẫn chưa “hâm nóng” thị trường được bao nhiêu.
Điểm tréo ngoe là trong khi các phương tiện truyền thông quốc tế rầm rộ thông tin về sự “đau đầu” của các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia mới nổi tại châu Á tìm cách kiểm soát dòng vốn đầu tư đang ồ ạt chảy vào thị trường khiến giá tăng vọt, thì thị trường chứng khoán Việt Nam lại èo uột, không “xứng” với những chỉ số vĩ mô đang cải thiện.
Thực tế, dòng vốn nước ngoài mua mua vào ròng trên thị trường Việt Nam (cả hai sàn, trừ trái phiếu) từ đầu năm đến nay vẫn ở mức dương, khoảng 11.759,1 tỷ đồng. Tính riêng 10 tháng, tổng giá trị mua ròng cũng đạt 11.618,1 tỷ đồng. So với mức 3.372,8 tỷ đồng trong cả năm 2009 thì đây cũng là sự gia tăng vượt bậc.
Nếu xét theo thời gian, mức độ phân bổ vốn của khối ngoại cũng khá cân bằng. 5 tháng đầu năm, giá trị mua ròng chiếm khoảng 51,4% tổng giá trị. Kỷ lục về mua ròng thuộc về tháng 4/2010 với 2.387,2 tỷ đồng. Quy mô mua vào sụt giảm xuống thấp nhất vào tháng 7/2010 với 573,7 tỷ đồng. Nhìn chung 3 tháng trở lại đây, mức độ mua ròng của khối này bắt đầu mạnh lên và tháng 10 đạt 1.647,6 tỷ đồng.
Trên lý thuyết, rõ ràng khả năng dòng vốn bên ngoài đổ vào thị trường tài sản là có thực. Ngay thị trường chứng khoán các nước khác trên thế giới cũng như trong khu vực đều có sự tăng trưởng rất mạnh. Với chi phí vốn rẻ mạt do lãi suất duy trì ở mức thấp tại nhiều nước, dòng tiền “cuống cuồng” tìm nơi đầu tư để sinh lời cao hơn, thay vì nhét dưới gối.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận dòng vốn mới vào “nóng” đến mức tạo ra “bong bóng”, nhất là với thị trường chứng khoán niêm yết thì hơi quá lạc quan. Năm 2006, 2007 bong bóng thực sự có khi dòng vốn ngoại vào mạnh, nhưng khi đó quy mô thị trường còn nhỏ. Mặt khác, tỷ giá tiếp tục là vấn đề đau đầu với vốn “nóng” vì rút ra không hề dễ.
Việc định giá đồng nội tệ hiện tại thấp hay cao còn nhiều ý kiến khác nhau. Ngân hàng Standard Chartered từ tháng 9/2010 đã cho rằng tỷ giá giữa VND và USD sẽ ở mức 19.900 đồng đổi một USD vào cuối năm nay và 20.800 đồng một USD trong năm 2011. Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì cho rằng Việt Nam đã hai lần giảm giá tiền đồng trong năm nay và không cần thiết phải tiếp tục đưa ra quyết định tương tự thêm một lần nữa.
Tổng giám đốc VinaCapital, ông Don Lam, trong một hội thảo cuối tháng 10 cho rằng người dân nhìn thấy những áp lực đang đè nặng lên Việt Nam đồng, do đó họ cho rằng đồng nội tệ sẽ tiếp tục bị phá giá và chuyển toàn bộ tiền mặt của mình sang USD và vàng. Quan điểm này cho rằng việc đồng tiền bị giảm giá hoàn toàn trở thành một sự suy đoán chủ quan và “mong các nhà đầu tư, trong nước lẫn nước ngoài hiểu được rằng giá trị Việt Nam đồng hiện nay không thấp như suy nghĩ của các nhà quan sát”.
Mặc dù các quan điểm “bình ổn” được ưa chuộng hơn nhưng thực tế thị trường trong nước liên tục đón nhận các diễn biến tỷ giá bất ngờ. Theo Bloomberg, chỉ số VND NDF (hợp đồng kỳ hạn tỉ giá VND/USD không chuyển giao) kỳ hạn 12 tháng hôm nay đã tăng thêm 2% lên mức trên 22.000 đồng/USD. Càng về cuối năm, nhu cầu USD càng cao khi các hợp động xuất nhập khẩu được thanh toán. Thị trường luôn phản ánh kỳ vọng và nếu không có các biện pháp cụ thể đủ mạnh thì khó tạo niềm tin vào khả năng ổn định.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SME, ba nguyên nhân chính được sử dụng để lý giải biến động tỷ giá trong tháng 10 là giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước cao hơn thế giới, do đó có hiện tượng thu gom USD trên thị trường tự do để đi mua vàng lậu; Các khoản vay bằng ngoại tệ đầu năm đã đến hạn trả; Việt Nam chưa thu hút được dòng tiền nóng từ nước ngoài để cân đối nguồn ngoại tệ. Bình ổn tỷ giá vẫn là bài toán khó và một phần nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán lình xình thời gian qua là do chính sách tiền tệ chưa tìm được hướng đi phù hợp.
Đồng USD mất giá mạnh trên thế giới nhưng lại tăng mạnh tại Việt Nam do nhiều yếu tố vĩ mô. Do đó vấn đề quan trọng hơn mà dòng tiền “nóng” lo ngại là khả năng rút vốn hơn là cơ hội tận dụng được giá rẻ của đồng nội tệ. Đơn giản vì đã là vốn “nóng” thì tốc độ luân chuyển nhanh, rút vốn khó khăn tức là rủi ro ngắn hạn cao. Mặt khác, sự mất giá của VND cũng đồng nghĩa với việc phải bù đắp rủi ro tỉ giá khi chuyển đổi ngược, chưa kể rủi ro chính sách thay đổi bất ngờ.
Một thực tế là các quỹ nước ngoài tại Việt Nam đang “đau đớn” nhìn giá trị tài sản ròng sụt giảm theo thị trường. Đó mới chỉ là tính theo nội tệ. Nếu quy đổi ra USD chắc các cổ đông còn “đau” hơn vì xu hướng giảm giá tiền đồng không biết sẽ tiếp diễn như thế nào. Dù vậy hoạt động mua vào trên sàn niêm yết vẫn đang diễn ra hàng ngày. Nếu xuất phát từ dòng vốn mới bổ sung thì đó là dòng vốn “ấm” chứ không phải là dòng vốn “nóng”. Sẽ đến lúc dòng vốn đó hiện thực hóa lợi nhuận nhưng dù sao khi chấp nhận vào họ đã phải tính đến các rủi ro này. Thiếu độ “nóng” thì khó có thể trông đợi dòng vốn ngoại tạo cơn sốt trên thị trường.
Nguyễn Hoàng
TBKTVN
|