Thứ Hai, 01/11/2010 23:29

Vốn ngoại... chưa chảy chỗ trũng vì sao?

Theo số liệu thống kê từ Blomberg, chỉ số P/E trung của TTCK Việt Nam luôn dưới 10 lần - thuộc diện hấp dẫn nhất khu vực. Tuy nhiên, bất chấp điều này, dòng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Marc Djandji, Giám đốc Bộ phận Phân tích CTCK Bản Việt xung quanh chủ đề trên.

Thưa ông, giao dịch của khối NĐT nước ngoài hiện vẫn là một bí ẩn đối với NĐT trong nước, ông cắt nghĩa ra sao về động thái giao dịch của họ?

Quả thực, NĐT nước ngoài đã mua ròng kể từ đầu năm tới nay, nhưng giao dịch khá “lai rai”, chỉ tập trung vào một số cổ phiếu có vốn hóa lớn như BVH, HAG, FPT...

Nhiều NĐT cho rằng, hành động mua vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn giống như một động thái nâng đỡ Index. Điều này thật ra là vì mục tiêu của quỹ là cần phải tìm cách để duy trì danh mục quỹ tối thiểu là bằng với thị trường.

Các quỹ đầu tư nước ngoài thường lựa ch phiếu lớn, vì các cổ phiếu này chiếm tỷ trọng lớn trong biến động của chỉ số và biến động của thị trường sẽ theo sát diễn biến của những cổ phiếu lớn này.

Một lý do khác là TTCK Việt Nam vẫn hạn chế về tính thanh khoản, khi mua họ cũng phải nghĩ đến lúc bán. Các cổ phiếu lớn “vô tình” đáp ứng các tiêu chí này. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu blue-chip cũng là các cổ phiếu tốt nhất thị trường hiện nay xét theo các yếu tố cơ bản. Nước đương nhiên phải chảy chỗ trũng (cười).

Ông vừa nói trước chảy chỗ trũng, vậy tại sao TTCK Việt Nam vẫn nhận vốn ngoại ít hơn các TTCK láng giềng, trong khi chỉ số P/E trung bình của thị trường hiện ở mức rất thấp?

Đúng vậy, theo số liệu tôi có, P/E trung bình của thị trường chỉ vào khoảng 9,87 lần, TTCK Việt Nam dường như đang khá rẻ hơn so với khu vực. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét kỹ nguồn gốc lợi nhuận của các DN đến từ đâu. Hầu hết DN niêm yết có tham gia vào các dự án BĐS, có doanh thu trong lĩnh vực tài chính và thi thoảng có các khoản thu nhập đột biến. Vì vậy, sự tăng trưởng lợi nhuận không xuất phát hoàn toàn từ ngành nghề “lõi”.

Có thể thấy sự không ổn định về lợi nhuận của một số DN niêm yết qua các biến động vĩ mô như tỷ giá thay đổi, lãi suất tăng cao, TTCK đi xuống..., làm lợi nhuận nhiều DN lập tức đi xuống.

Chỉ số P/E chỉ có ý nghĩa thực sự nếu lợi nhuận được tạo ra một cách liên tục và bền vững từ hoạt động kinh doanh chính. Các NĐT nước ngoài am hiểu thị trường Việt Nam dĩ nhiên nhìn thấy vấn đề này. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn có nhiều công ty tốt, giá cổ phiếu đã ở mức rất hấp dẫn, rất hợp lý để giải ngân.

Tỷ giá cũng là vấn đề gây quan ngại cho NĐT nước ngoài. Trong vòng 12 tháng qua, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đã điều chỉnh khoảng 10%. Do đó, các NĐT nước ngoài sẽ phải đạt lợi nhuận nhiều hơn để bù đắp lại khoản điều chỉnh tỷ giá này.

Lo ngại về tỷ giá điều chỉnh có thể là một trong các nguyên nhân khiến NĐT nhìn thấy rủi ro ngắn hạn ở TTCK Việt Nam, dù về dài hạn TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn.

Bên cạnh đó, khi so sánh các con số tuyệt đối, chúng ta cần chú ý đến quy mô thị trường. Dù có nhiều tiến bộ nhưng TTCK Việt Nam vẫn có quy mô bé hơn nhiều thị trường láng giềng, nên cũng hợp lý nếu chúng ta nhận được ít tiền hơn họ.

Ông dự báo ra sao về hướng địch chuyển của dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam trong thời gian sắp tới?

Đương nhiên, khi bức tranh kinh tế vĩ mô tương đối rõ ràng thì TTCK sẽ thu hút được nhiều vốn hơn hiện nay, NĐT ngoại luôn e ngại các giải pháp sốc do đó, khi các chính sách kinh tế trở nên rõ ràng và ổn định hơn sẽ thu hút được sự quan tâm của các NĐT nước ngoài.

Việc cơ quan quản lý chậm đưa các giải pháp tăng tính thanh khoản cho thị trường có ảnh hưởng gì đến việc thu hút vốn bên ngoài hay không?

Dòng vốn trên TTCK Việt Nam hiện nay khá đa dạng, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là các quỹ huy động vốn để đầu tư vào Việt Nam và các quỹ khu vực phân bổ một phần vốn cho TTCK Việt Nam. Hầu hết họ là các NĐT dài hạn, chỉ dành một phần danh mục để “trading”.

Tuy nhiên, họ vẫn thích các TTCK có thanh khoản tốt, bởi lẽ mua rồi phải nghĩ tới lúc hiện thực hóa các khoản đầu tư. Ở một khía cạnh khác, nếu thị trường Việt Nam đa dạng các công cụ giao dịch như các nước láng giềng, xu hướng thị trường hiện nay sẽ khác, chứng khoán Việt Nam không phải một mình tách dòng so với xu hướng chung trên thế giới.

Cụ thể điều này như thế nào, thưa ông?

Chúng ta có thể thấy hiện nay thị trường bị lệch về một bên của “cán cân”, khi mọi NĐT đều nghĩ xu hướng chính của thị trường đang theo chiều hướng bất lợi. Nhưng hãy đặt vào trong kịch bản TTCK Việt Nam có các công cụ phái sinh. Mỗi khi nhận thấy thị trường đang có xu hướng lệch về một bên, các NĐT thông minh sẽ sử dụng các công cụ phái sinh để đầu tư sinh lợi. Và do đó, thị trường sẽ dễ dàng tìm được điểm cân bằng và trở nên hiệu quả hơn để phản ánh những kỳ vọng của NĐT.

Giang Thanh thực hiện

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 02/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (01/11/2010)

>   UPCoM-Index giằng co quanh mốc 42 điểm (01/11/2010)

>   Chứng khoán nhập môn... (01/11/2010)

>   SBS khuyến nghị mua VNS dưới 3x (02/11/2010)

>   Chọn cổ phiếu có cổ tức tiền mặt (01/11/2010)

>   Thất bại do đâu? (01/11/2010)

>   Tỷ giá và lãi suất vẫn 'làm khó' chứng khoán (01/11/2010)

>   Giá cổ phiếu đã thực sự rẻ? (01/11/2010)

>   Cổ phiếu ngân hàng nhúc nhắc có giao dịch (31/10/2010)

>   Thị trường tuần 01 - 05/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (31/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật