TTCK: Áp lực 2010 và cơ hội 2011
TTCK Việt Nam năm 2010 trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm: từ lạm phát cao, lãi suất cao, đến khủng hoảng nợ châu Âu; từ giai đoạn bùng phát của các cổ phiếu nhỏ đến giai đoạn tụt dốc và hồi hộp chờ đợi Thông tư 13 được chỉnh sửa. Hiện tại, đang bước vào quý cuối cùng của năm 2010. Liệu thời gian còn lại của năm, thị trường có xuất hiện những nhân tố mới, sáng sủa hơn, để nhà đầu tư có thêm hy vọng vào một năm 2011 sắp đến.
Về tình hình vĩ mô, điểm tích cực là tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2010 khá tốt. Đến hết quý III/2010, tăng trưởng kinh tế đã đạt 6,52% và nếu đà tăng trưởng tiếp tục duy trì như hiện nay, khả năng kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5 - 6,7%, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, có thể thấy các tháng còn lại của năm 2010, kinh tế vĩ mô phải chịu một số áp lực, trong đó nổi bật là lạm phát và tỷ giá.
Lạm phát tính đến tháng 10 là 7,58%, rất gần chỉ tiêu kế hoạch 8% đặt ra cho năm nay. Sau một thời gian kiềm chế thành công lạm phát ở mức thấp (từ tháng 4 đến tháng 8, CPI tăng 0,96%, bình quân gần 0,2%/tháng), CPI có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trong 2 tháng gần đây (1,31% trong tháng 9 và 1,05% trong tháng 10). Điều này làm dấy lên lo ngại lạm phát quay trở lại và tăng mạnh trong các tháng còn lại của năm. Đó là chưa tính đến yếu tố chu kỳ, CPI thường cao vào các tháng cuối năm và đầu năm mới.
Do vậy, nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ vượt mức 8%. Vấn đề là lạm phát sẽ ở mức nào vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hạ lãi suất và chính sách tiền tệ của Việt Nam. Cần lưu ý là chính sách tiền tệ năm nay phải theo đuổi cùng lúc hai mục tiêu là tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Như vậy, với việc chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ đạt được trong khi nền kinh tế đang đối diện với áp lực lạm phát trong ngắn hạn, có thể thấy chính sách tiền tệ trong các tháng cuối năm sẽ nghiêng về khả năng kiềm chế lạm phát. Tăng trưởng tín dụng sẽ được duy trì ở mức vừa đủ để các DN sản xuất kinh doanh tiếp cận được vốn. Lãi suất nhiều khả năng sẽ không thể hạ thấp hơn hoặc nếu có chỉ ở mức tương đối.
Áp lực thứ hai là tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã hai lần được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh, lần đầu ở mức 3,3% vào ngày 11/2/2010 và thêm 2,1% vào ngày 18/8/2010. Như vậy, tỷ giá VND/USD đã được điều chỉnh giảm tới 5,3%. Tuy nhiên, đến hiện tại, tỷ giá vẫn là một bài toán khó với các nhà điều hành. Thâm hụt thương mại năm nay vẫn ở mức cao. Tính đến tháng 10, nhập siêu của nền kinh tế đã lên đến 9,5 tỷ USD, bình quân khoảng 1 tỷ USD/tháng. Mặc dù vẫn được bù đắp bằng các nguồn như FDI, ODA và kiều hối, nhiều khả năng cán cân thanh toán tổng thể năm 2010 sẽ tiếp tục thâm hụt (trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 của Chính phủ được công bố ngày 17/10, cán cân thanh toán tổng thể năm 2010 được dự báo sẽ thâm hụt khoảng 4 tỷ USD). Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối mỏng, thâm hụt cán cân thanh toán năm nay sẽ càng tạo áp lực lên dự trữ ngoại hối, ảnh hưởng trực tiếp đến cung - cầu ngoại tệ và tỷ giá VND/USD.
Lãi suất không được cải thiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền vào TTCK. Trong khi các áp lực vĩ mô như lạm phát và tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vào hệ thống vĩ mô, tác động đến tâm lý của NĐT.
Về các yếu tố nội tại của TTCK, áp lực mạnh nhất là nguồn cung cổ phiếu. Thống kê từ đầu năm đến hết quý III/2010, lượng huy động vốn qua kênh phát hành đại chúng đạt 34.000 tỷ đồng trong khi số vốn cấp phép chào bán ra công chúng ước tính vào khoảng 60.000 tỷ đồng. Dự báo, số vốn huy động qua TTCK năm nay sẽ đạt khoảng 60.000 tỷ đồng. Năm 2010 cũng chứng kiến làn sóng niêm yết cổ phiếu với khoảng 150 công ty niêm yết mới trên cả hai sàn (chiếm 1/4 trong tổng số các công ty đang niêm yết) với giá trị vốn hóa thị trường ước tính vào khoảng 90.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc các DN nhà nước, tổng công ty tiến hành IPO và thoái vốn trên TTCK. Tuy nhiên, cũng có điểm sáng nhất định trong tương quan cung cầu cổ phiếu.
Các NĐT nước ngoài vẫn thể hiện niềm tin vào khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai khi liên tục duy trì trạng tháng mua ròng suốt từ đầu năm đến nay (tính đến cuối tháng 9, giá trị mua ròng trên cả hai sàn HSX và HNX là trên 10.000 tỷ đồng). Mặc dù vậy, xét trong bối cảnh lực cầu trong nước không cải thiện nhiều do mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức cao, lực cầu của khối ngoại không thể sánh được với lượng cung cổ phiếu áp đảo. Cán cân cung - cầu mất cân đối là nguyên nhân sâu xa của việc thị trường lao dốc trong thời gian qua.
Trong bối cảnh thị trường chịu áp lực như trên, yếu tố hỗ trợ cho quyết định đầu tư của NĐT là nền tảng kinh doanh của các DN. Liệu các DN có khả năng duy trì đà tăng trưởng ấn tượng như năm 2009? Thống kê kết quả kinh doanh của các DN niêm yết trên cả hai sàn giao dịch, tính đến hết quý II/2010, doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2009 (Tại sàn HSX, doanh thu tăng 21,9% và lợi nhuận sau thuế tăng 21,3%, trong khi con số của sàn HNX lần lượt là 32,1% và 32,4%). Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn vào kết quả kinh doanh, có thể thấy tăng trưởng chủ yếu do quý I/2010.
Quý II tăng trưởng bắt đầu sụt giảm (tại sàn HSX, lợi nhuận sau thuế quý I tăng 17,5% trong khi quý II là 4,8%; con số của HNX lần lượt là 73,8% và 10,6%). Đó là chưa tính đến yếu tố, quý I và II năm 2009, kinh tế vừa mới thoát khỏi khủng hoảng nên kết quả kinh doanh của các DN chưa thể hiện nhiều, trong khi quý I và II năm nay, hoạt động kinh doanh còn được hưởng lợi từ đà tăng trưởng kinh tế của năm trước. Như vậy, có thể dự đoán, khả năng quý III và IV năm nay, tăng trưởng sẽ không quá ấn tượng.
Trên cơ sở xem xét các yếu tố trên, có thể nhận thấy, dù tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam ở mức khá tốt, nhưng từ nay đến cuối năm, kinh tế vĩ mô chịu nhiều sức ép ngắn hạn và là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền và niềm tin của NĐT. Về nội tại TTCK, cán cân cung - cầu dự kiến vẫn mất cân đối trong khi kết quả kinh doanh của các DN không quá ấn tượng. Do vậy, có thể dự báo, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn chịu nhiều áp lực.
Tuy nhiên, các NĐT cũng không nên quá bi quan. Điểm tích cực là không giống như đợt suy giảm năm 2008, hoạt động kinh doanh của các DN chịu sự tàn phá của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2010, dù không tăng trưởng ấn tượng như năm 2009 nhưng các DN vẫn hoạt động có hiệu quả. Và đây là một yếu tố rất quan trọng xét trên quan điểm đầu tư giá trị. Khi thị trường chung chịu nhiều áp lực và suy giảm, đó cũng là cơ hội tốt để NĐT tích lũy, đầu tư dài hạn vào những công ty có hoạt động kinh doanh ổn định và tiềm năng tăng trưởng.
Các NĐT trong nước không nên quá lo lắng nếu phải hành động ngược thị trường. NĐT nước ngoài đã đặt niềm tin vào khả năng tăng trưởng của TTCK Việt Nam và các nước trong khu vực. NĐT cần lưu ý về một lượng vốn rất lớn của nước ngoài đã đổ vào các nước trong khu vực và đang sẵn sàng để vào Việt Nam. Và một điểm rất quan trọng nữa cần lưu ý là, đầu năm 2011, nhiều khả năng Việt Nam sẽ có một chủ trương mới, một chính sách kinh tế mới, mở ra cơ hội phát triển cho giai đoạn 2011 - 2015.
Nguyễn Hắc Hải, Giám đốc Phân tích & Tư vấn đầu tư, CTCK Rồng Việt
Đầu tư chứng khoán
|