Thứ Năm, 04/11/2010 08:59

Chờ “cơ hội vàng” thứ hai!

SHF cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc "chuẩn bị sẵn kế hoạch giải ngân trong trường hợp thị trường cash-out mạnh (bán tháo) và VN-Index bắt đầu về ngưỡng 42x hoặc hơn chút là một công việc nên được xem xét.

Tình hình thế giới

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nhóm họp trong tuần này và có thể quyết định gói kích thích kinh tế với số tiền tối đa lên tới 2.000 tỷ USD. Nếu vấn đề này xảy ra, khả năng đồng USD sẽ tiếp tục mất giá và giá vàng sẽ lại tiếp tục tăng như một kênh trú ẩn an toàn. Tại sao Mỹ tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế trong khi nợ quốc gia và thâm hụt ngân sách đang khá nặng nề? Có thể nước này muốn áp dụng chính sách đồng đô la yếu và chiến dịch duy trì lãi suất thấp dài hạn, đồng thời bơm tiền liên tục mua vào tài sản xấu nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Hiện nay, có vẻ như cả thế giới đang tìm nơi trú ẩn ở vàng? Năm 2009, Trung Quốc mua vào 450 tấn vàng, Ấn Độ mua 200 tấn vàng. Hàn Quốc tháng trước công bố dành 290 tỷ USD dự trữ ngoại tệ để mua vàng. Trung Quốc hiện có quỹ dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, nhưng chỉ 1,7% trong đó là vàng. IMF dự báo Trung Quốc sẽ đạt thặng dư cán cân vãng lai 2.600 tỷ USD trong 5 năm tới. Nếu vậy, quỹ dự trữ ngoại hối nước này có thể tăng lên 5.000 - 6.000 tỷ USD.

Nhiều nhận định cho rằng, NHTW Trung Quốc có thể sẽ mua thêm 10.000 tấn vàng. Và nếu nước này tăng mua dự trữ vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối, cung tiền và tỷ lệ lạm phát sẽ tăng.

Đối với TTCK, SP 500, DJ có quá trình tăng trưởng khá tốt trong hơn 2 tháng vừa qua. DJ đã chinh phục ngưỡng 11.000 điểm và mùa kết quả kinh doanh quý III hiện đang hỗ trợ cho việc duy trì đà tăng trưởng này.

Chỉ số chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) bắt đầu đợt tăng trưởng từ thời điểm 30/9/2010 khi có những dấu hiệu của sự ấm lại trên thị trường bất động sản, chỉ số này đã tăng hơn 17% trong thời gian 1 tháng  qua.

Nikkei 225 hiện đã vào downtrend ngắn hạn sau khi có một đợt tăng trưởng ngắn khoảng 10%, kể từ khi Nhật Bản bơm đợt 1 với giá trị 25 tỷ USD trực tiếp vào thị trường tiền tệ để can thiệp việc tăng giá của đồng Yên. Hiện khả năng can thiệp đợt 2 vào thị trường tiền tệ của Nhật có thể sẽ xảy ra khi đồng Yên lại tăng giá trở lại.

Tình hình Việt Nam

Diễn biến vĩ mô tiếp tục có những quan ngại về tỷ giá, lạm phát và hiện tượng tích trữ vàng. Câu chuyện Vinashin vẫn tiếp tục là vấn đề thời sự với việc cố gắng xác định những nguyên nhân, trách nhiệm chính làm ra hậu quả này, nhằm phòng ngừa những Vinashin mới có thể xảy ra với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Hiện chênh lệch tỷ giá giữa giá trần ngân hàng (19.500 đồng/1 USD) so với giá giao dịch trên thị trường tự do (20.500 đồng/1 USD) đã lên đến 5% và có thể sẽ có những chính sách mới được đưa ra để khắc phục bất cập này. Kết hối? Giảm giá VND? Hay giải pháp nào có thể được đưa ra? Hiện thị trường đang khá quan ngại và chờ đợi nó bằng những kênh trú ẩn tạm thời như vàng và USD.

Việc kiềm chế lạm phát 2 tháng cuối năm là khá khó khăn khi giá cả hàng hóa thế giới vẫn đang có xu hướng tăng, còn giá cả hàng hóa thực phẩm trong nước tăng giá vài tuần gần đây đã đi vào câu chuyện hàng ngày của những bà nội trợ.

TTCK Việt Nam

Bức tranh chung của TTCK Việt Nam vẫn là xu hướng sideway của chỉ số VN-Index với những giao dịch kém thanh khoản, giá cổ phiếu blue-chip vẫn giữ nhịp và giá cổ phiếu nhóm còn lại vẫn đều đều đi xuống. Nếu xét về giá, hiện có không ít cổ phiếu đã xuống đến vùng "thực sự hấp dẫn cho đầu tư trung, dài hạn 1 - 2 năm".

Hiện nay, PE (4 quý gần nhất) toàn thị trường đang ở mức 11 và PE theo kế hoạch 2010 chỉ ở mức trên 10 lần, nếu so sánh với các nước mới nổi trong khu vực, TTCK Việt Nam hiện có PE chỉ bằng trên dưới 70%. EPS của cả thị trường hiện nay cũng ở mức trên 2.500 đồng (4 quý gần nhất, đến hết quý II/2010).

Về kết quả kinh doanh quý III/2010, tính đến thời điểm 29/10, có khoảng 370 công ty công bố kết quả kinh doanh. Với 340 DN có mức lợi nhuận trên 1 tỷ đồng, tổng lợi nhuận đã đạt trên 32.000 tỷ đồng, so với con số hơn 37.000 tỷ đồng cả năm 2009 (năm 2010, nhiều công ty lớn, đặc biệt khối ngân hàng tăng vốn mạnh).

Tính từ đầu năm đến nay, khối NĐT nước ngoài mua ròng trên 10.000 tỷ đồng, nhìn con số bằng VND có vẻ nhiều nhưng tính ra chỉ khoảng 500 triệu USD, trong khi riêng quý I/2008 theo đánh giá trước đây, khối ngoại đã bị lỗ trên TTCK Việt Nam đến 1,3 tỷ USD. Từ đầu năm 2010 đến nay, riêng lỗ về tỷ giá trên thị trường tự do thì khối này đã bị tạm lỗ đến 10%, bởi vậy những nhận định khả quan về thị trường với cơ sở dựa vào giao dịch của khối NĐT nước ngoài rất có thể là chưa đủ cơ sở.

Kết luận

Trong ngắn hạn, VN-Index vẫn dao động trong biên độ hẹp 440 - 460 điểm, giá đa phần các cổ phiếu vẫn xuống dần đều. Khả năng VN-Index có thể xuống dưới mức 440 điểm và thị trường rơi vào kênh xuống điểm ngắn hạn.

Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, việc "chuẩn bị sẵn kế hoạch giải ngân trong trường hợp thị trường cash-out mạnh (bán tháo) và VN-Index bắt đầu về ngưỡng 42x hoặc hơn chút là một công việc nên được xem xét (lưu ý VN-Index đang giảm không mạnh so với đa số cổ phiếu, khá nhiều cổ phiếu đã về mốc giá thấp hơn mức VN-Index 42x vừa qua)". Và có lẽ thời điểm đó đã có vẻ sắp đến gần, đây sẽ là "cơ hội vàng thứ hai" trong năm nay.

CTCP Quản lỹ Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF)

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   TTCK: Áp lực 2010 và cơ hội 2011 (04/11/2010)

>   Tỷ giá và hai “nỗi sợ” của nhà đầu tư ngoại (04/11/2010)

>   Vai trò của vốn ngoại đối với xu hướng VN - Index (04/11/2010)

>   Thị trường ngày 04/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (04/11/2010)

>   UPCoM-Index giảm còn 42,12 điểm (03/11/2010)

>   Chứng khoán: Còn 2 tháng 'nước rút' ? (03/11/2010)

>   Vốn “nóng” vẫn nguội! (03/11/2010)

>   Thị trường chứng khoán trước áp lực lạm phát (03/11/2010)

>   Khối ngoại tiếp tục mua ròng: Vì sao? (03/11/2010)

>   Thị trường ngày 03/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (02/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật