Bốn lực mua và cơ hội tại ngưỡng hỗ trợ 420 điểm
Phiên giao dịch ngày 17/11 đã phát tín hiệu đầu tiên về lực cầu tại vùng hỗ trợ 420 - 410 điểm. Lịch sử có lặp lại, khi tại ngưỡng này đã từng có những đợt phục hồi mạnh?
Đợt phục hồi đầu tiên là vào giữa tháng 12/2009. VN-Index từ đỉnh cao 620 điểm rơi xuống cùng với thông tin tăng lãi suất cơ bản, điều chỉnh tỉ giá. Độ lớn tối đa của sóng tăng đó khoảng 22,6%.
Diễn biến trên được lặp lại khi chỉ số trở về ngưỡng 420 điểm lần thứ hai vào cuối tháng 8/2010. Tuy nhiên mức độ tăng chỉ đạt xấp xỉ 10%.
Đặc điểm chung của cả hai đợt phục hồi đó là tốc độ rơi nhanh từ một mặt bằng cao. Chẳng hạn thời điểm tháng tháng 12/2009, thị trường đã chứng kiến một đợt giảm tới trên 30% trong vòng hơn 2 tháng, tương đương mức giảm gần 200 điểm. Thời điểm tháng 8 chỉ số cũng mất gần 18%, tương đương hơn 100 điểm.
Diễn biến giảm về mức hỗ trợ 420 điểm đang diễn ra không có chung tính chất đó: VN-Index thực tế vẫn đang trong một khoảng dao động vì được kìm giữ bằng nhóm cổ phiếu lớn. Dù vậy, rất nhiều cổ phiếu vẫn có tính chất tương tự vì giảm mạnh hơn Index.
Vậy khả năng dòng tiền từ những hoạt động nào có thể giúp vực dậy thị trường?
Trên góc độ đầu cơ, khả năng đảo chiều phục hồi kỹ thuật tạo vùng hỗ trợ này là khá cao. Ngưỡng hỗ trợ 420-410 điểm là đáy thấp nhất đã được kiểm nghiệm hai lần trong hơn một năm qua. Không như ngưỡng 440 điểm, vùng hỗ trợ dưới “cứng” hơn nhiều và đi gần với “ranh giới đổ vỡ” khi tâm lý sẽ trở nên rất bi quan nếu ngưỡng này bị phá vỡ. Khoảng trống mênh mông trên phương diện kỹ thuật có thể khiến nhiều nhà phân tích choáng váng. Mức hỗ trợ dưới, sâu hơn, trên lý thuyết ở tận 380 điểm hay 360 điểm tùy vào các xác định.
Tâm lý thị trường những phiên vừa qua chưa đến đỉnh điểm của sự sợ hãi, tương quan bảng điện vẫn chưa trắng bên mua. Tuy nhiên trên góc độ kỹ thuật, khá nhiều yếu tố ủng hộ cho một cơ hội đảo chiều.
Một thống kê độ rộng của thị trường cho thấy đến ngày 16/11, số lượng cổ phiếu có chỉ báo dòng tiền (MFI), sức mạnh (RSI) ở mức quá bán (dưới 25) tương đương với thời kỳ 25/8/2010 và 17/12/2009. Ngay với VN-Index, các chỉ báo cũng tương tự.
Do vậy, khả năng đánh nhanh trong một cơ hội ngắn hạn là có. Mặc dù chưa thể biết khả năng phục hồi đến đâu, sẽ kiểm tra lại vùng kháng cự nào nhưng đối với một “trader”, cơ hội như vậy cần phải tận dụng. Dĩ nhiên họ sẽ luôn sẵn sàng những biện pháp phòng ngừa rủi ro, chẳng hạn đánh ngắn hơn T+4...
Lực đầu cơ ngắn hạn là yếu tố đầu tiên cộng vào sức mua tại vùng hỗ trợ 420-410 điểm.
Lực mua thứ hai là hoạt động bắt đáy mới. Người giữ 100% tiền mặt hoặc đang có tỉ lệ tiền mặt lớn có khả năng chấp nhận bắt đáy một phần ở ngưỡng hỗ trợ “cứng”. Một phần lớn cũng vẫn sẽ e ngại rủi ro T+4, nhưng việc giải ngân thăm dò là điều có thể chấp nhận được. Với tâm lý “ném đá dò đường”, lỡ kẹp thì để đó, người mua có thể dễ dãi hơn.
Lực mua thứ ba là hoạt động “cover” lại hàng đã bán. Khi đã bán ở giá cao, danh mục đầu tư dài hạn phải mua lại dần dần. Hoạt động này có thể đã diễn ra từ trước nhưng sẽ mạnh lên nếu hàng giá rẻ được bày bán ê hề. Ngoài ra, người vay mượn cổ phiếu bán khống cũng có thể “cover” lại tại vùng hỗ trợ để tối đa hóa lợi nhuận.
Lực mua thứ tư là hoạt động bình quân giá đối với những nhà đầu tư bị kẹp. Để đưa giá của khối lượng chứng khoán bị “treo” ở các giá cao, thường khối lượng mua vào tại giá thấp phải lớn hơn nhiều lần, tùy vào mức giá mà người đó muốn hạ xuống.
Tuy nhiên vẫn rất khó trông mong một quy mô thanh khoản tăng đột biến dù khá nhiều đối tượng thực hiện các chiến thuật giao dịch khác nhau. Mức độ giải ngân đối với từng tài khoản không thể ồ ạt mà vẫn mang tính thận trọng. Dù vậy cơ hội tăng giá vẫn có vì lượng cung giá rẻ ở quanh mức hỗ trợ thường rất thấp.
Ngoài ra, khả năng phục hồi đến đâu là không thể đoán trước vì áp lực bán sẽ ngày càng cao khi giá tăng. Đó là chưa kể đến sự phân rã của chính đội ngũ mua vào. Chẳng hạn, nhà đầu cơ có khả năng đánh ngắn hơn T+4 sẵn sàng chốt lời khi thấy tình huống xấu. Người bình quân giá có thể phải bán bớt đi sau khi đã mua vào khối lượng lớn để hạ giá xuống, nhằm cân đối lại tỉ trọng của mỗi loại chứng khoán trong danh mục...
Việc đảo chiều kỹ thuật thời điểm hiện tại khá rủi ro vì thiếu sự hỗ trợ của các thông tin vĩ mô, chẳng hạn mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng sắp tới hiện vẫn là ẩn số. Sự cộng hưởng của yếu tố thông tin có thể củng cố tâm lý, giúp mức độ phục hồi kỹ thuật mạnh hơn.
Nguyễn Hoàng
TBKTVN
|