Cổ phiếu bất động sản có còn sức hấp dẫn?
(Vietstock) - Kết thúc 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp bất động sản niêm yết tương đối khả quan, thậm chí nhiều công ty lãi lớn. Tuy nhiên, cổ phiếu bất động sản không hấp dẫn do bối cảnh chung của nền kinh tế và sự đi xuống của thị trường chứng khoán. Việc dành lại “ngôi vương” của nhóm cổ phiếu ngành này còn phải cần thêm nhiều thời gian.
Muôn hình vạn trạng doanh thu hoạt động tài chính cao
Trong kỳ báo cáo 9 tháng đầu năm 2010, nhiều doanh nghiệp bất động sản có doanh thu từ hoạt động tài chính khá cao và tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng KBC và SCR thì doanh thu từ hoạt động này vượt cả doanh thu hoạt động kinh doanh chính của công ty.
Theo thống kê của Vietstock, các công ty bất động sản có doanh thu hoạt động tài chính cao ngất ngưởng là HAG, ITA, ITC, KBC, NBB, OGC, TDH, VIC,…; ngoài ra sàn HNX cũng có một đại diện bởi “tân binh” vừa chào sàn đầu tháng 11 này là SCR.
Tính đến hết tháng 09/2010, HAG đạt 1,084 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 2,203% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ thu về 47 tỷ đồng, trong khi đó mức chi phí cho hoạt động này lại giảm 12% cùng kỳ. Được biết, trong cơ cấu doanh thu, thu nhập từ thanh lý khoản đầu tư mang về cho HAG là 987.83 tỷ đồng, cùng kỳ trước không có mục này; đồng thời lãi từ ngân hàng là 77.2 tỷ đồng, gấp 3.6 lần.
HAG cho biết công ty đã bán cổ phần của CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh trong quý 3/2010 theo chương trình tái cấu trúc tập đoàn và IPO các ngành nghề kinh doanh. Nhờ vậy, công ty đã ghi nhận đến 724.1 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng mạnh so với 11.5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, trong 9 tháng đầu năm 2010, hoạt động này đã đóng góp khá tích cực với 35.2% cho một công ty có tổng doanh thu lớn đến hàng ngàn tỷ đồng như HAG.
Một số doanh nghiệp khác trong ngành bất động sản cũng có doanh thu từ hoạt động tài chính cao, chẳng hạn như D2D lãi 54.4 tỷ đồng trong quý 3/2010, so với cùng kỳ 2009 là 8.84 tỷ đồng. Công ty cũng cho biết đã ghi nhận 62.83 tỷ đồng từ phần chênh lệch giá trị vốn góp quyền sử dụng đất liên doanh Berjaya- D2D.
Tương tự NBB, nhờ khoản thu từ CTCP Hạ tầng Bất động sản Sài Dòn do chuyển nhượng quyền góp vốn vào dự án Diamond Riverside đem về cho NBB 79 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu hoạt động tài chính 9 tháng đầu năm của NBB lên 91.34 tỷ đồng, tăng 222% cùng kỳ và đóng góp 24% vào tổng doanh thu.
Tương tự, SCR mang về 893 tỷ đồng từ lãi chênh lệch mua bán chứng khoán, chuyển nhượng vốn góp dự án Celadon City.
Ngoài nguồn thu từ tiền lãi cho vay có kỳ hạn, gửi ngân hàng,… thì một trong các nguồn thu khác mang về doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp nhóm ngành bất động sản cao là từ hoạt động đầu tư vào chứng khoán.
Theo thuyết minh từ báo cáo tài chính của KBC, riêng trong quý 3/2010, lãi từ mua bán chứng khoán và hoạt động tài chính mang về cho KBC đến 290.6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 35.44 tỷ đồng. Cũng trong kỳ qua, dự phòng giảm giá các khoản đầu tư của KBC chiếm đến 137.8 tỷ đồng, năm ngoái công ty không có khoản này. Qua đó, KBC ghi nhận 723.41 tỷ đồng trong 9 tháng, vượt 36% tổng doanh thu của công ty.
Ngoài ra còn có tiền lãi từ các khoản phải thu của hợp đồng cho thuê đất và nhà xưởng là 525 triệu đồng, lãi từ các khoản vay là 34 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái 365 triệu đồng.
Một trong những cổ phiếu được nhắc đến nhiều nhất vào tháng 09/2010 là OCG cũng không ngoại lệ. Doanh thu từ hoạt động tài chính trong quý 3/2010 mang về cho công ty này 155.3 tỷ đồng, bằng 18.7% doanh thu chung cả tập đoàn. Theo thuyết minh thì lãi từ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu chiếm đến 137.5 tỷ đồng, còn lại 17.7 tỷ đồng là từ khoản tiền gửi, cho vay.
ITA cũng không kém chị kém em, khoản lãi cho thuê đất và nhà xưởng phát sinh trong 9 tháng đầu năm đạt 19.1 tỷ đồng và cổ tức lợi nhuận mà ITA được chia là 129.3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chưa tới 1 tỷ đồng. Với TDH, chiếm nhiều nhất trong doanh thu hoạt động tài chính là lãi từ kinh doanh chứng khoán mang về 66.69 tỷ đồng, cổ tức lợi nhuận sau thuế được chia là 12.3 tỷ đồng.
Như vậy, theo thống kế có hơn chục doanh nghiệp trong cùng nhóm ngành này có khoản doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời có sự tăng trưởng so với cùng kỳ trước. Qua đó, nguồn thu này đóng góp không nhỏ vào doanh thu chính của các công ty. Nhưng điều này không có nghĩa là doanh thu của các công ty trên sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào những khoản mục này.
Hoạt động tài chính của các doanh nghiệp bất động sản 9 tháng/2010 |
Đơn vị tính: triệu đồng |
|
Nguồn: VietstockFinance |
Giá cổ phiếu lớn nhỏ đều “vẫy vùng” với xu hướng thị trường
Có thể thấy cổ phiếu bất động sản hiện nay vẫn chưa phải là lựa chọn hàng đầu, mặc dù sức hấp dẫn là luôn có. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của nhóm ngành bất động sản cũng tụt dốc theo xu hướng chung của thị trường.
Điển hình như HAG, giá cao nhất từ đầu năm của mã này là vào ngày 12/03 với 89,500 đồng/cp và giá đáy là 70,500 đồng vào cuối tháng 08/2010 và đạt 76,500 đồng/cp vào thời điểm hiện nay.
Một trong những mã tiềm năng khác là NBB vẫn không thoát khỏi xu hướng giảm, từ mức giá đỉnh 103,000 đồng/cp hồi giữa tháng 04/2010 thì nay đã lao về 76,500 đồng/cp ngày 16/11.
Theo thống kế, từ giữa tháng 06/2010 đến nay, nhiều mã cổ phiếu “kỳ cựu” của nhóm ngành này như D2D, KBC, ITA, SJS, SC5, NTB… đều chịu chung cảnh giảm không phanh.
Ngoài ra, những mã cổ phiếu chính thức giao dịch trong ba tháng gần đây như IDJ, PTL, HQC, KAC, SCR cũng loay hoay với sự lình xình chung này. Trong đó, hai mã giảm mạnh nhất là KAC và IDJ, riêng IDJ đã về mệnh giá trong phiên đóng cửa ngày 16/11 so với phiên chào sàn 17,500 đồng ngày 13/09.
Rủi ro ngắn hạn nhưng hấp dẫn dài hạn
Hòa chung “số phận” cùng thị trường chứng khoán, đặc biệt, không ít cổ phiếu bất động sản giảm rất mạnh dù có kết quả kinh doanh khá tốt. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của cổ phiếu bất động sản tương đối khả quan do thị trường bất động sản của Việt Nam còn tiềm năng lớn.
Trong ngắn hạn nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn rất lớn. Thị trường nhà đất gần như đóng băng trong suốt năm 2010. Trong khi đó, lãi suất đang tăng cao khiến cho dòng tiền đổ vào bất động sản bị hạn chế. Bên cạnh đó, một số quy định của Thông tư 13 do NHNN ban hành cũng sẽ tác động mạnh tới thị trường bất động sản. Trong năm 2010, dòng vốn FDI đầu tư vào bất động sản cũng có xu hướng giảm mạnh so với những năm trước.
Như vậy, trong ngắn hạn ngành bất động sản không mấy sáng sủa. Tuy nhiên, những phân khúc nhà giá thấp, hoặc mặt bằng bán lẻ vẫn đang thu hút được sự quan tâm của người mua.
Hiện nay, giá của nhiều cổ phiếu bất động sản lùi về vùng khá sâu. Do vậy, nhà đầu tư có thể xem xét chọn những doanh nghiệp có chỉ số cơ bản khá tốt trong ngành này cho đầu tư giá trị.
Xuân Anh
|