Chờ tia sáng cuối đường hầm!
TTCK sụt giảm phá vỡ các ngưỡng kháng cự trong giai đoạn cuối (nhưng có thể sẽ tiếp tục kéo dài) của một cuộc "khủng hoảng kép" của thị trường với chu kỳ giảm lớn bắt nguồn từ tháng 10/2010.
Những căng thẳng "đến hẹn lại lên" của quý IV/2010 lặp lại những vấn đề không mới của năm 2009 (lạm phát tăng cao, tỷ giá bất ổn, thâm hụt kép…) Với tiềm lực có hạn, chúng ta chưa có nhiều biện pháp đế chống lại những cú sốc của kinh tế thế giới và giải quyết căn bệnh trầm kha của nền kinh tế.
Quá trình "giải chấp" cũng đã kéo dài từ tháng 10/2010 với những cung bậc khác nhau (giải chấp đồng loạt khi xu hướng đảo chiều, giải chấp ở các mã nhỏ tăng nóng trong nửa đầu năm, giải chấp cổ phiếu OTC mới lên niêm yết) làm trầm trọng thêm mức độ thiệt hại của NĐT. Do không có luồng tiền mới vào thị trường trong khi NĐT cũ, dù dùng đòn bẩy hay không, cũng đã bị thiệt hại nặng nề, nên dù thị trường đang lao dốc về mức đáy trong lịch sử (HNX), lực mua bắt đáy vẫn không đáng kể. Trong hoàn cảnh vậy, những ngưỡng tâm lý như 440 điểm (VN-Index) hay 100 điểm (HNX) hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa tâm lý hơn là một ngưỡng để thị trường có thể bắt đầu đảo chiều.
Mặc dù chưa có nhiều tia sáng, chúng tôi cho rằng, thị trường đang ở cuối đường hầm và với những người có tầm nhìn đến nửa cuối năm 2011, đây lại là một cơ hội tốt để giải ngân trên những cơ sở sau:
Thứ nhất, những tồn tại và khó khăn của kinh tế vĩ mô đã bộc lộ gần như hoàn toàn và khả năng có những bất ngờ tiêu cực là ít hơn so với chiều hướng cải thiện.
Xét về ảnh hưởng từ của thế giới, nền kinh tế thế giới đã thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng kép, nhưng gần đây tác động từ chính sách bơm tiền của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phản ánh vào giá cả hàng hóa quốc tế (và lạm phát của chúng ta do việc neo VND theo USD, cùng với độ mở cao của nền kinh tế). Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, các yếu tố thúc đẩy bong bóng tài sản và hàng hóa trên thế giới hiện đã phản ánh vào giá cả, bằng chứng là giá vàng đã giảm xuống sau khi tạo đỉnh vào đầu tháng 11/2010.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm hơn trong năm 2011 nhưng sẽ có sự cân bằng hơn, cũng có nghĩa là các quốc gia sẽ ít hơn những hành động (phá giá tiền tệ, rào cản thương mại) chỉ có lợi cho mình và gây thiệt hại cho các nền kinh tế khác.
Bản thân Việt Nam đã phải hy sinh năm 2010 để giải quyết hậu quả của chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm hồi phục kinh tế trong năm 2009, nên bối cảnh hiện nay của Việt Nam khi mà các rủi ro hiện hữu lớn hơn nhiều so với tăng trưởng, kịch bản tăng trưởng chậm của thế giới thực ra là tốt hơn so với một kịch bản các nước tăng trưởng nóng với giá cả hàng hóa leo thang của năm 2010.
Với kỳ vọng giá cả hàng hóa thế giới sẽ bình ổn trở lại, cũng như việc trong năm 2011 là năm bắt đầu một chu trình chính trị mới, kỳ vọng của chúng tôi là việc kiềm chế rủi ro vĩ mô sẽ có thể được thực hiện tốt và nhất quán hơn. Với các DN tư nhân chiếm tỷ lệ lớn trên sàn, tăng trưởng GDP cao hơn hay thấp hơn 0,5% không có nhiều mối liên hệ với tăng trưởng của chính công ty (năm 2010 tăng trưởng GDP cao hơn 2009 nhưng lợi nhuận DN đi xuống), mà họ cần hơn một môi trường ổn định (lạm phát kiềm chế tạo điều kiện để lãi suất thấp, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng và ngoại tệ dễ dàng, thủ tục hành chính thông thoáng).
Thứ hai, định giá thị trường và nhiều cổ phiếu ở mức hấp dẫn. Khá nhiều công ty trong những lĩnh vực như công nghệ, dược, ngân hàng, xây dựng, bán lẻ và công nghiệp hiện đáp ứng được những tiêu chí MUA của chúng tôi. Có nhiều yếu tố trợ giúp cho quá trình mua chọn lựa và giảm thiểu rủi ro, trong đó chúng tôi chú ý tới: 1) công ty có lợi thế cạnh tranh (đứng trong top 3 trong ngành của mình); 2) công ty đang giao dịch ở giá trị thị trường thấp so với giá trị sổ sách; 3) định giá P/E ở giá hiện tại là hợp lý so với tốc độ tăng trưởng; 4) công ty đã mua cổ phiếu quỹ; 5) ban lãnh đạo có tỷ lệ sở hữu cổ phiếu cao, không có lịch sử lướt sóng trên cổ phiếu công ty và cổ đông nước ngoài nắm giữ tỷ lệ lớn với giá giải ngân cao; 6) quá trình tăng vốn (nếu có) đã diễn ra và việc sử dụng vốn được công bố kịp thời tới NĐT. Với những cổ phiếu không đạt tiêu chí này thì dù giá đã điều chỉnh bao nhiêu cũng chưa phải là lúc thích hợp để bắt đầu nắm giữ.
Công thức mua cổ phiếu là: niềm tin vào sự cải thiện của kinh tế vĩ mô (lạm phát được kiềm chế, chi tiêu công hiệu quả, giá trị đồng VND hợp lý, các chính sách rõ ràng và được thực thi) + niềm tin vào thị trường (các vụ việc lèo lái cổ phiếu bị xử lý thích đáng, các công cụ thị trường được đưa vào áp dụng) + niềm tin vào công ty (quản trị tốt vì lợi ích cổ đông, tăng trưởng ổn định).
Có thể sẽ cần thêm 1 - 2 quý nữa để có thể có sự cải thiện đáng kể trong cả 3 yếu tố trên, giúp thị trường có một uptrend bền vững.
Hiện tại, tỷ lệ vốn đầu tư vào chứng khoán: tiết kiệm khuyến nghị là 50:50 với số lượng cổ phiếu tập trung vào các mã đáp ứng tiêu chí phía trên để giảm thiểu rủi ro. 50% số vốn còn lại sẽ thích hợp để đầu tư khi có các yếu tố cải thiện hơn về vĩ mô như lạm phát bình ổn ở mức 0,5%/tháng, biên độ giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá chợ đen được thu hẹp xuống dưới 2% so với biên độ 7,5% hiện tại. Chúng tôi kỳ vọng thời điểm này sẽ rơi vào khoảng tháng 3 - 4/2011.
CTCP Quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF)
Đầu tư chứng khoán
|