Thời của tiền mặt
"Tiền mặt là vua", câu nói cửa miệng của giai đoạn khủng hoảng kinh tế đã quay trở lại trên "chứng trường".
Với các NĐT, lợi ích của các kênh đầu tư khác nhau đang được tính đến. Giá USD đang ở mức gần 21.000 đồng/USD, giữ USD thời điểm này, kỳ vọng sẽ thu lời gần 10%, với giả định giá USD tăng lên 23.000 đồng/USD, theo dự báo của một vài tổ chức nước ngoài tính toán là mức giá thực của đồng USD với VND trong năm tới. Một tỷ lệ lợi nhuận không thực sự hấp dẫn nếu đầu cơ USD lúc này.
Giá vàng đã hạ dưới 35 triệu đồng/lượng. Giá vàng Việt Nam phụ thuộc vào giá vàng thế giới, nhưng rất ít NĐT ở Việt Nam phân tích và hiểu được diễn biến giá vàng thế giới. Đầu tư vào một lĩnh vực mà mình không hiểu biết là điều tối kỵ. Vì vậy, vàng có lẽ cũng không phải là lựa chọn của nhiều NĐT trong thời gian tới.
Cổ phiếu đang hấp dẫn, nhưng còn nhiều rủi ro ở phía trước. NĐT mới chỉ đầu tư nhỏ giọt vào các cổ phiếu mà họ hiểu rõ. Ngay cả khi hiểu rõ cũng không dám xuống tay hết, vì không ít ý kiến cho rằng, kinh tế vĩ mô trong nước cũng như thế giới còn tiểm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, châu Âu đang dấy lên lo ngại về việc có thể phải giải cứu một vài nền kinh tế đang lâm vào tình trạng nguy kịch.
Với lãi suất tiết kiệm 12%/năm và 13 - 14% cho món tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên, việc gửi tiền mặt lúc này tương đối là an toàn và đảm bảo lợi ích khi được hưởng lãi suất thực dương. Thực tế, đã có một số NĐT rút tiền từ tài khoản chứng khoán chuyển sang gửi tiết kiệm.
So với giai đoạn khủng hoảng, các loại tài sản như cổ phiếu và bất động sản đều mất giá mạnh, thì thời điểm này, chỉ có cổ phiếu là giảm giá mạnh. Trong số đó, cổ phiếu của các công ty bất động sản cũng giảm mạnh. Thông qua đầu tư cổ phiếu, NĐT có thể sở hữu một phần tài sản là quỹ đất sạch của các doanh nghiệp với giá rẻ. Vậy nhưng, hiện nhiều NĐT lo ngại thị trường bất động sản gặp khó khăn, do những quy định mới đây về giải phóng mặt bằng và huy động vốn. Tuy nhiên, rủi ro với doanh nghiệp này có thể lại là cơ hội với doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp có quỹ đất sạch đang lạc quan vì khả năng triển khai dự án. Bởi lẽ, nhu cầu nhà ở trên thị trường còn lớn, trong khi nguồn cung trong dài hạn có thể chậm lại, do các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng và thiếu vốn.
Sắp tới, để giữ giá VND và kiềm chế lạm phát, cung tiền ra thị trường có thể tiếp tục bị ghìm lại. Và như vậy, tiền mặt sẽ giữ vị trí "vua" trong một thời gian nữa. Nhưng trường hợp TTCK phục hồi, vị trí này có thể sẽ thuộc về cổ phiếu. Những ngày vừa qua, trong khi TTCK giảm mạnh, thì lãi suất sử dụng đòn bẩy tài chính của các CTCK lại tăng lên. Tất nhiên, mặt bằng lãi suất tăng, CTCK phải tăng theo, nhưng nó cho thấy NĐT vẫn có nhu cầu vay (để bắt đáy chứng khoán). Khi tài khoản bị "teo tóp" vì thị trường giảm mạnh, khoản vay này mới thực sự là "vua" khi thị trường bật trở lại.
Thành Nam
Đầu tư chứng khoán
|