Thứ Bảy, 30/10/2010 06:06

Tránh sốc thông tin - cách nào ?

Đại diện của 20 nhà đầu tư tổ chức đã tham dự cuộc gặp trực tuyến 2 đầu cầu Hà Nội và TP HCM mới đây với lãnh đạo Cty CP FPT và một số Cty thành viên thuộc các mảng kinh doanh chính của FPT. Tại đây họ có thể thoái mải hỏi bất cứ điều gì về hoạt động của FPT cũng như các Cty con.

Định vị hình ảnh đúng về DN trong con mắt các nhà đầu tư sẽ giúp DN tránh được các cú shock về thông tin trong những thời điểm khó khăn (ảnh: Lãnh đạo FPT trao đổi cùng nhà đầu tư)

Hoạt động này được tổ chức thường kỳ và cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho không chỉ những vị khách mà cả chủ nhà.

Từ cơ hội...

Ông Phan Đức Trung - Phó tổng giám đốc Cty CP FPT nói, nếu như trước đây có một thời gian FPT được vẽ lên qua câu chuyện của giới truyền thông là một Cty đầu tư xa rời ngành nghề chính, chạy vào những lĩnh vực nóng như tài chính, BĐS thì nay qua những cuộc gặp như thế các nhà đầu tư đã được định vị và hiểu rất rõ rằng FPT vẫn luôn chú trọng đến lĩnh vực kinh doanh chính từ hệ thống thông tin, phần mềm, viễn thông và phân phối thiết bị viễn thông. Định kỳ hàng quý, FPT tổ chức cuộc gặp như vậy để vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh, các hoạt động chính của Cty vừa tạo cơ hội để các nhà đầu tư được giải đáp mọi thắc mắc về DN.

FPT là một trong những DN niêm yết lớn nhất trên HoSE, là Cty được đánh giá hoạt động hiệu quả và minh bạch. Việc làm này được đại diện các tổ chức đầu tư đánh giá rất cao. Giám đốc một quỹ đầu tư cho hay, quỹ của ông quản lý vốn do các nhà đầu tư Nhật Bản ủy thác, số tiền mua cổ phiếu FPT hiện trên 100 tỷ đồng. Khó khăn về kinh tế cũng như TTCK như hiện tại buộc nhiều nhà đầu tư xác định chiến lược giữ cổ phiếu dài hạn. Để họ yên tâm hơn với quyết định của mình thì cần cung cấp thông tin thật chuẩn xác và đầy đủ về hoạt động của DN. FPT đã làm được điều đó. Có mặt tại cuộc gặp này là đại diện các tổ chức đầu tư hàng đầu tại VN như DC, VinaCapital, Tri Tin... Toàn bộ thắc mắc đã được giải đáp, lãnh đạo FPT và các Cty thành viên trao đổi thoải mái cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh với các nhà đầu tư.

... đến cầu nối

Nhìn rộng hơn dường như có rất ít Cty niêm yết thực hiện được việc làm này. Thậm chí trong bối cảnh khó khăn như hiện nay chuyện “tốt khoe, xấu che” lại càng được DN tập trung thực hiện. Nhiều Cty có thông tin trọng yếu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và hoạt động DN nhưng hầu như không thấy dòng thông tin nào công bố để cổ đông được biết. Đơn cử như việc ITA ngừng thực hiện dự án khu đô thị lấn biển Hải Âu tại Kiên Giang. Đây là dự án có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, thuộc hàng dự án lớn của Cty nhưng thông tin Cty ngừng thực hiện dự án và xin rút giấy phép đầu tư, đã được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận không hề xuất hiện trên website của Cty cũng như HoSE – hai phương tiện phổ cập thông tin phổ biến nhất với nhà đầu tư.

Càng khó khăn DN càng nên cho nhà đầu tư tiếp cận với mình và phân tích để thấy rõ vấn đề.

Cty Tài Nguyên (mã TNT) phải tạm dừng dự án khu chung cư tại phố Ngụy Như Kon Tum (Thanh Xuân, Hà Nội). Đây là dự án từng được thổi ầm ĩ là tạo lợi nhuận lớn cho Cty, do TNT liên doanh với một số đối tác khác thực hiện. Dự án này bị cáo buộc có nhiều khuất tất trong định giá quyền sử dụng đất, gây thất thoát tài sản nhà nước, phải tạm dừng triển khai và đang phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, TNT không hề có thông tin gì đến với nhà đầu tư cũng như công bố lên HoSE.

Đề cập vai trò cầu nối thông tin tới thị trường, ông Erik Floyd - Phó tổng giám đốc điều hành Hiệp hội đầu tư trách nhiệm và bền vững Châu Á cho biết, theo nghiên cứu của hiệp hội này, đặc thù phần lớn nhà đầu tư ở VN là riêng lẻ và mong muốn kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Chính vì thế mà họ không quan tâm và tìm hiểu sâu về tình hình tài chính triển vọng dài hạn của DN. Nhiều DN niêm yết trên TTCK VN cho rằng chỉ cần hoạt động PR để đánh bóng cổ phiếu. Việc cung cấp thông tin chân thực nhất tới thị trường, đối thoại với nhà đầu tư là không cần thiết.

Trong khó khăn các Cty thường né tránh gặp gỡ trao đổi với nhà đầu tư. Tuy nhiên, đó là một nhận thức sai lầm. Thực tế càng khó khăn DN càng nên cho nhà đầu tư tiếp cận với mình và phân tích để thấy rõ vấn đề không phải xuất phát từ nội tại mà là do môi trường chung và đưa ra những dự báo lạc quan hơn khi điều kiện kinh tế nói chung dần cải thiện. Định vị hình ảnh đúng về DN trong con mắt các nhà đầu tư sẽ giúp DN tránh được các cú shock về thông tin trong những thời điểm khó khăn nhất.

Phạm Lan

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Tính linh hoạt… hãy đợi đấy! (29/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm tuần thứ 6 liên tiếp (29/10/2010)

>   Cổ đông lớn “ngán ngẩm” cổ phiếu ngân hàng (29/10/2010)

>   Thị trường chứng khoán: 'Dao' sắp 'tiếp đất'? (29/10/2010)

>   Thị trường ngày 29/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (28/10/2010)

>   Dược Hà Tây kiến nghị truy tiếp DVD “tội làm giá” (28/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp (28/10/2010)

>   Thị trường chờ dòng tiền nội trở lại (28/10/2010)

>   VDF chuyển đổi danh mục để nâng cao khả năng huy động vốn từ Nhật Bản (28/10/2010)

>   Thị trường ngày 28/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (27/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật