Thứ Sáu, 29/10/2010 09:57

Cổ đông lớn “ngán ngẩm” cổ phiếu ngân hàng

Chưa khi nào nhiều cổ đông nhà nước (tổ chức kinh tế có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất) lại ngoảnh mặt với cổ phiếu ngân hàng như lúc này.

Tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận kế hoạch tăng vốn của 16 ngân hàng cổ phần trong nước nhằm đạt mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng theo quy định vào cuối năm 2010 nhưng không ít trong số này đang đối diện với khó khăn hoàn thành kế hoạch.

Ngoảnh mặt…

Do không có nhu cầu mua thêm, nhiều cổ đông nhà nước đã thực hiện việc đấu giá CP phát hành thêm tại các ngân hàng. Mới đây, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM (HFIC) thực hiện bán đấu giá gần 15 triệu quyền mua cổ phần (CP) HDBank với giá khởi điểm 110 đồng/quyền. Công ty này cũng đưa ra đấu giá quyền mua 3,82 triệu CP của Ngân hàng MCP Việt Á, thời gian thực hiện là 12/11/2010. CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) cũng thực hiện đấu giá 4,15 triệu quyền mua CP của Ngân hàng TMCP Hàng hải.

Là một ngân hàng quy mô vốn còn nhỏ, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) sẽ gặp khó khăn trong đợt tăng vốn sắp tới vì cổ đông nhà nước là Vinatex không muốn tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu trong Ngân hàng. Tháng 1/2009, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của OceanBank. Năm 2010, OceanBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên 3.000-4.000 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng vào năm 2013. Tuy nhiên, mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trường hợp khó khăn về vốn thì không nhất thiết nắm giữ 20% vốn điều lệ của OceanBank.

Ngân hàng TMCP Vietcombank (VCB) hiện cũng tham gia góp 19% vốn vào Ngân hàng Gia Định. Trong kế hoạch tăng vốn năm 2010 của VCB có mục đích góp vốn vào các DN mà VCB đang nắm cổ phần. Tuy nhiên, việc có bỏ thêm tiền đầu tư để duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình trong đợt tăng vốn sắp tới của Gia Định hay sẽ thoái vốn là vấn đề VCB vẫn đang phải cân nhắc.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã được NHNN cấp phép tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng trong năm nay theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, trong đó có phát hành cho cổ đông hiện hữu. Tổng công ty Bến Thành, cổ đông lớn của OCB đã đồng ý cho ngân hàng này tăng vốn nhưng việc có dốc "hầu bao" để duy trì tỷ lệ sở hữu tại OCB hay không còn phụ thuộc vào ý kiến của UBND TP. HCM. Tổng Công ty Bến Thành hiện nắm giữ 10,6% cổ phần của ngân hàng này.

Vẫn còn cửa!

Theo quy định hiện hành, trong thời gian 12 tháng kể từ khi cấp phép tăng vốn, các ngân hàng phải thực hiện việc tăng vốn. Nếu không có sự chuẩn bị phương án dự phòng, trước sự thoái lui của không ít cổ đông nhà nước, kế hoạch tăng vốn sẽ bị đổ bể. Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc cổ đông lớn nhà nước không mua cổ phần là khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn có thể tăng vốn.

"Họ sẽ có hai phương án, một là chào bán rộng rãi với cổ đông bên ngoài, hai là tìm các đối tác nước ngoài. Cho dù bán cho ai thì các ngân hàng cũng phải đưa ra mức giá hợp lý, các yêu cầu ở mức vừa phải, điều kiện mua phải dễ dàng hơn, nhìn xa hơn. Thậm chí, họ phải nhân nhượng trong đàm phán về một số điều kiện", ông Kiêm nói.

Một nhà đầu tư vốn ưa thích CP ngân hàng nói, về lâu dài, ngân hàng vẫn là ngành ổn định và cổ phiếu có tính thanh khoản tốt. Hiện có ngân hàng đã niêm yết giá giao dịch dưới mệnh giá nhưng những ngân hàng nhỏ chưa niêm yết vẫn có cơ hội bán CP. Bởi không ít NĐT (cả DN và cá nhân) muốn mua số lượng lớn để trở thành cổ đông nắm vai trò chi phối trong ngân hàng. Do đó, họ chấp nhận trả giá cao hơn để đạt được thỏa thuận trở thành cổ đông lớn thay vì mua CP trên sàn dưới mệnh giá nhưng chỉ là số lượng nhỏ lẻ.

Nguyên Tổng giám đốc VCB, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, việc yêu cầu các ngân hàng TMCP tăng vốn là đúng, phù hợp với xu hướng mở cửa hiện nay. Tuy nhiên, cần có lộ trình tăng vốn cho thích hợp, mức tối thiểu 3000 tỷ đồng/ngân hàng vào cuối năm 2010 là chấp nhận được.

"Trong một thời gian ngắn, chúng ta tăng nhiều lần với mức lớn cũng không phải là hay. Ngay như Thụy Sĩ, chỉ 5 triệu USD đã được thành lập ngân hàng rồi. Trong một thị trường rộng thì mỗi ngân hàng tham gia vào các phân khúc khác nhau, có ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ nên không nhất thiết tất cả đều phải có vốn lớn", ông Ngoạn nói.

Nguyên Thành

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Thị trường chứng khoán: 'Dao' sắp 'tiếp đất'? (29/10/2010)

>   Thị trường ngày 29/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (28/10/2010)

>   Dược Hà Tây kiến nghị truy tiếp DVD “tội làm giá” (28/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp (28/10/2010)

>   Thị trường chờ dòng tiền nội trở lại (28/10/2010)

>   VDF chuyển đổi danh mục để nâng cao khả năng huy động vốn từ Nhật Bản (28/10/2010)

>   Thị trường ngày 28/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (27/10/2010)

>   UPCoM-Index mất 1,28% giá trị (27/10/2010)

>   Vì sao nhà đầu tư bi quan với thị trường? (27/10/2010)

>   Nên đầu tư ngành nào trong quý 4? (27/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật