Thứ Tư, 27/10/2010 17:07

Vì sao nhà đầu tư bi quan với thị trường?

Tâm lý chung của phần lớn nhà đầu tư hiện nay là cắt lỗ bằng mọi giá. Vì sao nhà đầu tư muốn tháo chạy khỏi thị trường?

Quá bi quan trước những bất ổn kinh tế vĩ mô, nhà đầu tư quyết tâm cắt lỗ và tháo chạy khỏi thị trường.

Hiếm có thời điểm nào, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lại bi quan như lúc này. Dù lỗ khá nặng, nhưng phần lớn đều quyết tâm cắt lỗ cho nhẹ gánh. Vì thế, nhiều cổ phiếu, dù xấu hay tốt, đều bị bán ra ồ ạt trong những phiên cuối tuần trước.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sao Việt, cho rằng, không phải ngẫu nhiên hay do theo phong trào mà các nhà đầu tư lại ồ ạt bán ra như vậy. Nguyên nhân vẫn là nhà đầu tư quá bi quan trước những bất ổn của kinh tế vĩ mô.

Khó lạc quan trong trung hạn

Theo ông Dũng, không ít nhà đầu tư vẫn còn kỳ vọng vào sự hồi phục của VN-Index từ nay đến cuối năm vì cho rằng giá chứng khoán đã rẻ. Tuy nhiên, để đánh giá liệu cổ phiếu đã rẻ hay còn rẻ nữa, cần nhận diện rõ xu hướng kinh tế vĩ mô.

Để VN-Index phục hồi, điều kiện tiên quyết là kinh tế vĩ mô phải phát ra các tín hiệu tốt. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam 3 quý đầu năm 2010, dù quý sau tăng cao hơn quý trước, nhưng theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Tiền tệ của Chính phủ, sự tăng trưởng này có thể sẽ không bền vững vì những nguy cơ gây bất ổn đang lớn dần lên như biến động tỉ giá, lãi suất cao, áp lực lạm phát, thâm hụt thương mại.

Trong khi các vấn đề trên chưa được giải quyết thì tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 đang diễn ra ở Hà Nội, những mối lo mới lại xuất hiện. Đó là việc quản lý, phân bổ và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2003 - 2010 đang có nhiều vấn đề. Cụ thể, tổng mức đầu tư ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong giai đoạn trên là 246.447 tỉ đồng. Nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, con số này đã bị đội lên tới 558.654 tỉ đồng.

Điều đáng lo ngại hơn là tiến độ các dự án đều bị chậm với mức độ hoàn thành chưa đến 50%. Chẳng hạn, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến chỉ hoàn thành 127/269 công trình, dự án; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến hoàn thành 31/96 dự án. Điều này cho thấy, lượng vốn đầu tư bỏ ra trong giai đoạn 2003 - 2010 đã không thu được kết quả tốt.

Việc đầu tư thiếu hiệu quả tất yếu sẽ dẫn đến các khó khăn trong những năm tới. Bởi lẽ, trái phiếu chính phủ là vốn đi vay, lãi suất cao. Và khả năng huy động nguồn vốn này trong giai đoạn tới sẽ gặp nhiều khó khăn nếu người dân và doanh nghiệp tiếp tục bi quan.

Có thể thấy, ngay trong năm 2009, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ là 126.000 tỉ đồng và 950 triệu USD, nhưng số vốn huy động được chỉ đạt 19.172 tỉ đồng và 543 triệu USD. Việc không huy động đủ vốn cho các kế hoạch chi tiêu và sử dụng vốn không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh tài chính quốc gia trong trung hạn.

Nhìn vào bức tranh kinh tế vĩ mô hiện tại, các nhà đầu tư cũng khó có thể lạc quan với triển vọng của thị trường chứng khoán trong trung hạn.

Nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà

Cuối tháng 9 vừa qua, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long, cho biết, có tới 90% tổ chức đầu tư lớn nước ngoài chưa quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông Louis Nguyễn, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư SAM, cũng đồng tình với nhận định trên và cho biết, đối với nhà đầu tư nước ngoài, thời điểm này chưa phải là lúc thích hợp để họ đầu tư.

Theo ông Louis Nguyễn, nguyên nhân là thị trường chứng khoán Việt Nam còn thiếu minh bạch và khó lường xét về việc dự báo chính sách tiền tệ. Năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam chịu lỗ kép do tỉ giá tăng trong khi thị trường chứng khoán lại đi xuống. Nếu tỉ giá VND/USD tiếp tục tăng (tức tiền đồng tiếp tục giảm giá), nhà đầu tư nước ngoài sẽ chưa bỏ vốn vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Louis Nguyễn cũng thừa nhận: “Giá cổ phiếu Việt Nam hiện tương đối rẻ. Vì thế, chúng tôi đang tiếp tục mua vào và cổ phiếu chúng tôi nhắm đến là của những công ty quy mô vừa đang trong quá trình tăng trưởng”.

Theo báo cáo phân tích đầu tư tuần qua của Công ty Quản lý Quỹ SHF, khá nhiều cổ phiếu đã xuống mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây và rất đáng để xem xét đầu tư. Tiêu chí chọn lựa là những cổ phiếu thị giá thấp (10.000 - 20.000 đồng/cổ phiếu) có mức cổ tức bằng tiền mặt năm 2010, 2011 tương đương với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Tiêu chí tiếp theo là có giá trị sổ sách lớn hơn giá trị thị trường.

Trong khi đó, ông Louis Nguyễn cho rằng, sẽ phải chờ tương đối lâu thị trường chứng khoán mới có thể phục hồi, bởi với những rủi ro kể trên, kinh tế vĩ mô Việt Nam chưa thể có hỗ trợ gì đáng kể trong ngắn hạn và trung hạn cho VN-Index.

Thanh Lâm

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Nên đầu tư ngành nào trong quý 4? (27/10/2010)

>   SBS định giá TIG cao hơn 50% so với hiện tại (27/10/2010)

>   Mượn hàng (27/10/2010)

>   Làm giá lộ liễu trên UPCoM (27/10/2010)

>   "Thị trường sẽ khó có sự bứt phá mạnh mẽ" (27/10/2010)

>   Sợ kế hoạch... ảo (27/10/2010)

>   Thị trường ngày 27/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (26/10/2010)

>   OTC: Người mua trả rẻ (26/10/2010)

>   “Hò” nhau đi bắt “dao” rơi (26/10/2010)

>   VCBF nhận quản lý quỹ trị giá 150 tỷ đồng từ AIA Việt Nam (26/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật