Mượn hàng
Trước đây, việc NĐT được phép mượn CP để bán chỉ diễn ra ở các CTCK lớn. Nhưng hiện nay ngay cả những CTCK nhỏ cũng có thể triển khai hình thức này.
Lấy hàng ở đâu?
Đây là bài toán khó nhất mà CTCK cần phải giải nếu muốn có hàng để NĐT mượn. Những CTCK lớn, tự doanh mạnh tất nhiên sẽ có CP sẵn để cho NĐT mượn. Những CTCK lớn cũng là nơi các NĐT lớn mở tài khoản nên CTCK có thể đứng ra làm trung gian vay từ tài khoản này cho tài khoản khác.
Vậy CTCK nhỏ tìm đâu ra hàng? Với việc các công ty niêm yết ngày một nhiều hơn, CTCK nhỏ cũng có thể chọn một doanh nghiệp có vốn trung bình hoặc nhỏ, sau đó mượn hàng từ chính những cổ đông lớn, cổ đông sáng lập để cho NĐT mượn lại.
Sẽ xuất hiện một câu hỏi nếu lỡ NĐT chọn những CP mà khi thị trường xuống không có thanh khoản để mua trả lại CTCK thì sao? Một số CTCK nhỏ, đã tập hợp lại thành một liên minh để chia hàng lẫn nhau.
Theo nhận định của giới đầu tư, một CTCK nhỏ cũng phải có từ 1-2 đội lái, và như vậy các CTCK cũng bắt tay với các đội lái này để làm thanh khoản cho CP. Thấy rõ nhất là trường hợp một CP nóng thuộc họ Petro, ngoài đội lái chính còn có không ít đội lái phụ tại các CTCK nhỏ. Cũng chính vì vậy đã xảy ra cuộc chiến cực kỳ khốc liệt giữa các đội lái. Đội A tiến hành đánh lên, nhưng đội B lại đi mượn hàng từ đội C để xả lên đầu đội A…
Nếu không tính toán NĐT dễ rơi vào bẫy mượn hàng. Ảnh: LÃ ANH
Những ngày gần đây, thị trường rộ lên tin đồn NĐTNN đã cho CTCK mượn hàng để triển khai nghiệp vụ quyền chọn (option). Nếu điều này có thực, cũng không loại trừ khả năng CTCK cũng có thể mượn blue chip cho NĐT của mình mượn bán.
Với tình cảnh hiện nay của thị trường, mua cũng khó, bán cũng không xong, những NĐT lớn nếu đem CP của mình cho mượn, lại được hưởng lãi, chắc chắn không phải là giải pháp tồi. Nhất là đối với những tổ chức chịu sức ép về lợi nhuận hoặc đang giữ những CP mà họ biết rằng sẽ khó lên nhưng chưa thể bán vì nhiều lý do.
Một lý do nữa là các CTCK giờ đây đều đã tiến hành giao dịch trực tuyến, NĐT có thể kiểm tra sao kê tài khoản của mình một cách dễ dàng, nên khó lòng CTCK có thể làm ẩu, lấy tài khoản của khách hàng mà không xin phép, nên buộc phải vay mượn đàng hoàng.
Hệ lụy khó lường
Để mượn CP, NĐT sẽ phải chịu mức lãi suất từ 0,05-0,1%/ngày tùy thời hạn mượn, mượn càng lâu lãi suất càng cao. Để chắc ăn, các CTCK cũng yêu cầu NĐT đặt cọc khoảng 20-30% giá trị vay bằng CP hoặc tiền mặt. Nếu NĐT vay mượn một danh mục CP có giá trị 1 tỷ đồng trong khoảng 30 ngày với lãi suất trung bình 0,05%/ngày và bán ra, 30 ngày sau lại mua vào để trả cho CTCK thì sẽ phải trả 15 triệu đồng lãi vay CP.
Trong khi đó, rất nhiều NĐT có vốn lớn cho biết, khi bỏ ra 1 tỷ đồng để giao dịch, hễ lời được từ 10-15 triệu đồng là họ lập tức chốt lời mặc dù tỷ suất sinh lời tính ra chỉ từ 1-1,5%. Với mức lãi suất vay như trên, sẽ rất khó để NĐT có thể sinh lời từ việc mượn CP.
Cũng cần phải nói thêm, trừ việc CTCK có sẵn CP, chứ đi mượn từ NĐT khác không phải dễ, mà muốn mượn được sẽ phải trả lãi hấp dẫn. Nhiều NĐT cũng cực kỳ khôn ngoan khi CTCK dò hỏi mượn CP, họ suy luận giá CP hoặc thị trường có khả năng đi xuống, nên từ đó không cho mượn, mà tự mình bán ra CP luôn. Bên cạnh đó, đây là sản phẩm chui, rủi ro pháp lý lớn, nên mức phí cũng phải cao.
Mới đây một nhóm nhân viên môi giới đã tập hợp thành một liên minh S.G.H để cho vay, cho thuê các CP bao gồm KLS, SSI, VND, STP, PVA, PVC. Nhìn vào những CP kiểu này, NĐT dày dạn kinh nghiệm nhất cũng không dễ dàng đoán được lúc nào CP xuống để mượn bán.
Một điểm cũng cần lưu ý ở đây là việc CTCK xé rào cho NĐT mượn hàng bán cũng có thể khiến các CTCK gây ra những xung đột về lợi ích. Thí dụ NĐT mượn CP X ở CTCK A bán ra, nhưng CTCK B lại giữ nhiều CP X. NĐT mong CP X giảm nhưng điều này lại ảnh hưởng trực tiếp đến danh mục của CTCK B.
Như vậy, CTCK B sẽ buộc phải có những động thái ghìm giữ giá CP X lại, hoặc thậm chí đánh lên. Chưa cần nói kết quả ra sao, nhưng chừng đó cũng đủ để giá CP trở nên méo mó, thị trường cũng bị ảnh hưởng.
Phan Nguyễn
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|