Thứ Sáu, 29/10/2010 06:45

Thị trường chứng khoán: 'Dao' sắp 'tiếp đất'?

Chỉ số VN-Index đang “rẻ” hơn khoảng 30% - 40% so với các thị trường khác trong khu vực. Cụ thể là thấp hơn nhiều so với chỉ số của Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Đài Loan, Hong Kong... Điều này cho thấy, giá của nhiều cổ phiếu trên TTCK VN hiện đang ở mức rất thấp. 

Đặc biệt, một số mã CP ít được chú ý thậm chí đang có tiềm năng trả cổ tức/thị giá lớn hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay (11%). Nếu thị trường tiếp tục đi xuống hoặc mặt bằng lãi suất giảm, số lượng mã CP thuộc nhóm này sẽ ngày càng tăng.

Cơ hội cho nhà đầu tư giá trị

Các phương pháp tính P/E thông thường không thích hợp với đặc điểm của TTCK VN. Hiện nay đang có yếu tố có thể làm “méo mó” ước tính chỉ số P/E của toàn bộ thị trường: (i) 5% các Cty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thường có chỉ số P/E rất cao so với mặt bằng chung như VCB, BVH, CTG, HAG, VIC,... nhưng lại đóng góp lớn vào tỷ trọng VN-Index (~50%); (ii) Nhiều cổ phiếu có số lượng cổ phiếu lưu hành nhỏ giọt mặc dù quy mô vốn điều lệ lớn, do đó giữ giá rất tốt mặc dù chỉ số định giá cao. Các cổ phiếu này đều có đặc điểm là nguồn cung hạn chế nên rất dễ bị “thao túng” giá. Nếu bỏ qua các yếu tố trên, P/E của 80% số mã chứng khoán trên thị trường hiện nay đã lùi về ngưỡng 5x – 7x, tức là “rẻ” hơn nhiều so với bất kỳ thị trường nào khác trong khu vực.

Sau khi cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu lắng dịu, thị trường thế giới nhìn chung tăng trưởng ấn tượng. Dow Jones có tháng tăng mạnh nhất từ trước đến nay và đứng vững ở ngưỡng 11.000 điểm. Các chỉ số trong khu vực Châu Á thậm chí còn tăng trưởng mạnh hơn. VN là một thị trường hiếm hoi lùi bước cả về điểm số và thanh khoản. Nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là môi trường vĩ mô chưa đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư, thông tin hỗ trợ chưa đủ mạnh để thu hút dòng tiền trở lại thị trường. Vậy, mức tác động của các chính sách này có thật sự mạnh như nhà đầu tư lo ngại không lại là một câu chuyện khác. Tăng trưởng của tín dụng của VN đang ở mức khoảng 18% trên mục tiêu cả năm 2010 là 25%, cao gấp 3 lần so với  Indonesia, tăng trưởng thực đều âm nhưng tính từ đầu năm đến nay TTCK Indonesia đi trước VN gần 20%, xấp xỉ quay trở về đỉnh năm 2007 - 2008.

Như vậy, “kỳ vọng” hay “lo lắng” của nhà đầu tư (NĐT) về mức tăng trưởng tín dụng của VN ảnh hưởng đến nguồn cung tiền vào nền kinh tế và thị trường chứng khoán hiện nay dường như hơi quá nếu so với các thị trường khác. Ngoài tín dụng, các yếu tố khác như lạm phát, tỷ giá hay mặt bằng lãi suất cho vay... cũng được xem là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường lình xình như hiện  nay. Thực tế, những yếu tố này đều không “mạnh” như lo ngại. Đơn cử như lạm phát, chỉ số CPI tháng 10/2010 cao vượt dự đoán nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất vẫn có thể điều chỉnh được nếu Chính phủ mạnh tay, do lợi nhuận của các ngân hàng vẫn ở mức cao. Còn tỷ giá đang có xu hướng trở về với tình trạng cân bằng. Mặt khác, tỷ giá không mang yếu tố quyết định đến xu hướng tăng trưởng của nhiều thị trường trên thế giới, điển hình như thị trường Mỹ.

Có thể thấy, mặc dù hiện nay TTCK đang đối mặt với một số tin tức không tích cực và rủi ro trong ngắn hạn, khả năng giảm điểm vẫn tồn tại. Đây vẫn là kênh đầu tư rất khả thi nhất so với vàng hay BĐS. Nếu căn cứ trên diễn biến chung hiện nay, muộn nhất là đầu năm 2011, thị trường tài chính được hứa hẹn tiềm ẩn nhiều cơ hội lớn đối với NĐT trung và dài hạn, thậm chí cả dòng tiền “nóng”.

Quý 4, chọn ngành nào ?

P/E của 80% số mã chứng khoán trên thị trường hiện nay đã lùi về ngưỡng 5x – 7x, tức là “rẻ” hơn nhiều so với bất kỳ thị trường nào khác trong khu vực.

Mặt bằng chung kinh tế vĩ mô trong 3 tháng tiếp theo được dự đoán sẽ không có nhiều thay đổi so với hiện nay. Khả năng tháng 11-12 giữ được mức CPI ở ngưỡng trung bình 0.5%/tháng là khá thấp do đây là thời điểm cuối năm, do đó mục tiêu 8% CPI năm 2010 khó trở thành hiện thực. Khả năng CPI năm 2010 sẽ dừng ở mức 8.5% - 9.0%. Lạm phát cao không ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh của DN nhưng sẽ tác động tới khả năng điều chỉnh chính sách vĩ mô trong nước. Lạm phát cao ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giảm mặt bằng lãi suất. Dự đoán mặt bằng lãi suất huy động năm 2010 sẽ dừng ở mức 11% như hiện nay do các ngân hàng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn.

Với mặt bằng lãi suất không được giảm thêm như kỳ vọng cách đây nhiều tháng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt đối với nhóm ngành sử dụng nhiều vốn vay như thủy sản, đồ gỗ, thép,... chịu áp lực chi phí tài chính cao hơn nhiều so với mặt bằng 2009. Nhưng, nhờ được hưởng lợi từ mùa cao điểm tiêu thụ nên quý 4 rất  thuận lợi cho các DN hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa thiết yếu và thủy sản, nhất là đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm (có khả năng tự cung ứng số lượng lớn nguyên liệu đầu vào) khi giá tôm tăng mạnh trên toàn thế giới sau sự cố tràn dầu tại Mỹ.

Các DN bánh kẹo và nước giải khát phục vụ Tết Dương lịch và Âm lịch cũng có khả năng duy trì tỷ suất lợi nhuận cao, ổn định do giá bán được điều chỉnh thường xuyên theo biến động của nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, kỳ vọng nhiều nhất được “đặt” vào nhóm ngành cao su tự nhiên. Do doanh thu và lợi nhuận thường tập trung nhiều trong quý 1 và quý 4. Giá cao su tự nhiên bắt đầu hồi phục nhanh trong quý 3. Với mức giá hiện nay, các Cty cao su tự nhiên năm nay có khả năng vượt chỉ tiêu lợi nhuận trung bình 20 - 25%. Đặc biệt các DN này được hưởng lợi từ việc VND mất giá và ít sử dụng vốn vay dài hạn từ ngân hàng.

Trong khi đó, “điểm nhấn” trên TTCK là ngành BĐS lại không được kỳ vọng nhiều do các DN trong lĩnh vực này thường có xu hướng “dồn” lợi nhuận vào quý 4. Mặt bằng lãi suất cao, tín dụng vào ngành BĐS bị hạn chế do hàng loạt các thông tư, quy định mới. Thị trường BĐS đóng băng cục bộ đặc biệt trong khu vực phía Nam và các dự án chung cư cao cấp... đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu trong năm 2010. Tuy nhiên, các DN tập trung vào thị trường các tỉnh, thành phố phía Bắc, hoặc/và có quỹ đất dồi dào, giá rẻ vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt. Dù thế, với nguồn cung cổ phiếu ngành BĐS năm 2010 cũng khá dồi dào với nhiều mã cổ phiếu có chất lượng, dòng tiền chưa có dấu hiệu được cải thiện, cũng là một bất lợi lớn đối với sự hấp dẫn của cổ phiếu BĐS năm 2010 so với các năm trước đây.

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 29/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (28/10/2010)

>   Dược Hà Tây kiến nghị truy tiếp DVD “tội làm giá” (28/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp (28/10/2010)

>   Thị trường chờ dòng tiền nội trở lại (28/10/2010)

>   VDF chuyển đổi danh mục để nâng cao khả năng huy động vốn từ Nhật Bản (28/10/2010)

>   Thị trường ngày 28/10 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (27/10/2010)

>   UPCoM-Index mất 1,28% giá trị (27/10/2010)

>   Vì sao nhà đầu tư bi quan với thị trường? (27/10/2010)

>   Nên đầu tư ngành nào trong quý 4? (27/10/2010)

>   SBS định giá TIG cao hơn 50% so với hiện tại (27/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật