Thứ Hai, 17/08/2009 11:44

Cần những biện pháp đối phó với rào cản khi vào đất Mỹ

Xuất khẩu cá tra, ba sa của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn khi Mỹ đưa ra những đạo luật làm rào cản các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường Bắc Mỹ này.

“Giải pháp nào để đối phó với những rào cản của Mỹ đối với sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam?” là chủ đề của buổi toạ đàm trực tiếp được Đài Tiếng Nói Việt Nam tổ chức sáng nay (17/08) tại Hà Nội với sự tham gia của ông Ngô Văn Thoan, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ; Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep); Ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.

Nhiều đạo luật làm khó cá tra, basa Việt Nam

Năm 2009, sau những đợt kiểm tra, rà soát hoạt động nuôi trồng, chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam, Bộ Thương Mai Hoa kỳ đã công bố những kết quả chứng minh thời gian qua Việt Nam không bán phá giá cá ba sa. Thế nhưng, Lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra, ba sa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng trong 5 năm nữa vì Ủy ban Thương Mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) lo ngại rằng, nếu huỷ bỏ lệnh áp thuế đối với Việt Nam sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất nội địa Mỹ.

Cùng với quyết định giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá, Mỹ đang hoàn tất Luật Nông nghiệp (hay còn gọi là Luật Farm Bill), dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Trong Luật Nông nghiệp của Mỹ có một điều khoản ngặt nghèo gọi là “chính sách tương đương”, nghĩa là cá tra Việt Nam bị đưa vào nhóm catfish và sẽ bị quản lý tương đương cả về luật pháp và điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Ngô Văn Thoan, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho rằng: “Việc định nghĩa cá tra, ba sa Việt Nam thuộc nhóm catfish là hết sức vô lý vì năm 2002, chính luật của Mỹ đã không cho cá tra, ba sa Việt Nam được mang tên catfish”. Cũng theo ông Thoan, đây là cách Mỹ xây hàng rào kỹ thuật để bảo hộ cho nền sản xuất trong nước.

Nếu bị xếp vào nhóm catfish như dự Luật Nông nghiệp Mỹ thì cá tra, ba sa sẽ thuộc vào diện quản lý của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thay vì Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (USFDA). Khi các quy định này được áp dụng, thì sản phẩm cá tra Việt Nam sẽ bị quản lý chặt chẽ tương tự như các sản phẩm thịt nhập khẩu vào Mỹ. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vào thị trường này bởi yêu cầu khắt khe trong công tác kiểm định. Hiện chỉ có 34 quốc gia đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thịt vào Mỹ và đều là các quốc gia phát triển.

Khó khăn không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam

Xét về thị trường riêng lẻ, hiện nay Mỹ là thị trường xếp thứ 4 về giá trị nhập cá tra, ba sa Việt Nam. Tuy nhiên, việc ITC ra quyết định việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm phi lê cá tra, ba sa Việt Nam đồng nghĩa với việc là sẽ tiếp tục có những khó khăn cho sản phẩm có ưu thế của Việt Nam trên thị trường Mỹ.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) thì Lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra, ba sa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ tạo nên nhiều hiệu ứng đi kèm. Trước nhất là đối với các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu mặt hàng này sẽ bị hạn chế. Hai là việc ký quỹ tiền mặt, cộng với giá thành bị đội lên thì người tiêu dùng Mỹ phải mua hàng hóa với giá cao hơn và ít sự lựa chọn hơn làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho người dân Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng cá tra, ba sa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đạo luật này mà những người nuôi trồng ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo thống kê hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long các hộ dân nuôi hàng triệu tấn cá để xuất khẩu. Nếu những ràng buộc mới trong xuất khẩu cá tra, ba sa mà Mỹ đang chuẩn bị thực thi với Việt Nam sẽ gây ra những khó khăn trong sản xuất và cuộc sống của chính những nông dân này. Bởi vậy, ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh: “Hội Nghề cá sẽ có những biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân”.

Cần phải nói thêm rằng, các quyết định áp thuế bán phá giá của các cơ quan hữu trách Mỹ từ năm 2002 đến nay là “không phản ánh đúng thực tế khách quan của tình hình sản xuất kinh doanh mặt hàng cá tra, ba sa nhập khẩu từ Việt Nam. Việc tiếp tục áp thuế cũng đã bị phản ứng từ chính Hiệp hội Thuỷ sản Hoa Kỳ và các nhà nhập khẩu thuỷ sản nước này vì ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của họ.

Biện pháp đối phó với rào cản của Mỹ

Từ trước đến nay Mỹ chưa có tiền lệ về việc bãi bỏ lệnh chống bán phá giá những mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ. Bởi vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải đối mặt với thực tế về những rào cản của Mỹ đối với mặt hàng cá tra, ba sa không chỉ là Lệnh chống bán phá giá mà còn với Luật Nông nghiệp sắp ban hành. Trước bối cảnh khó khăn này, các doanh nghiệp thuỷ sản cần phải có những giải pháp hợp lý.

Ông Ngô Văn Thoan, Tham tán Thương mai Việt Nam tại Mỹ cho rằng: “Mỹ là một thị trường lớn nên đối với doanh nghiệp Việt Nam điều kiện quan trọng nhất và quyết định nhất khi vào thị trường này là chất lượng sản phẩm”.

Để có chất lượng sản phẩm tốt, trước nhất chúng ta cần phải xây dựng hình ảnh cá tra và cá ba sa của Việt Nam bằng một bộ chuẩn mang tiêu chuẩn quốc tế.

Bộ tiêu chuẩn trước hết phải bắt đầu từ khâu chọn giống, bảo vệ môi trường, thức ăn, các tiêu chuẩn chế biến bảo quản. Với bộ chuẩn này thì hình ảnh và sản phẩm của Việt Nam đương nhiên được công nhận trên thế giới. Khi các bộ tiêu chuẩn được cả thế giới công nhận thì nói đến cá tra và ba sa thì Việt Nam phải là số 1.

Theo ông Thoan, hình ảnh cá tra, ba sa Việt Nam đang được các nước đánh giá cao nhưng không vì thế mà chúng ta dừng lại việc truyên truyền quảng bá. Chúng ta cần phải cung cấp được thông tin cho người tiêu dùng hiểu rằng cá của việt Nam hiện đang nuôi ở trình độ cao. Doanh nghiệp chế biến hiện nay đã có sự liên kết nhưng phải tăng cường hơn để trao đổi thông tin và lên kết lại với nhau để trang bị đầu tư về khoa học và công nghệ.

Chúng ta phải có cam kết, hướng phát triển bền vững để tạo ra những sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh

Ông Nguyễn Hoài Nam bổ sung thêm: “Chúng ta phải có cam kết, hướng phát triển bền vững để tạo ra những sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh. Cần phải cập nhật thông tin một cách nhanh nhất để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể lường trước những khó khăn hoặc biết trước những rào cản thương mại để tìm các biện pháp vượt qua”.

Một biện pháp cũng được các chuyên gia kinh tế đặt ra đấy là phát triển thị trường tiềm năng để tránh lệ thuộc vào thị trường Mỹ. Vấn đề này ông Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang làm rất tốt. Trước đây, Việt Nam chỉ có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất cá tra, ba sa nhưng sau vụ kiện bán phá giá, cá tra Việt Nam trở nên nổi tiếng và đến cuối năm 2008 Việt Nam đã có hơn 200 doanh nghiệp xuất vào 140 nước và lãnh thổ khác nhau. Ông Nam nhấn mạnh: “Chúng ta không bỏ thị trường Mỹ vì người tiêu dùng ở đây đánh giá cao sản phẩm của chúng ta và các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay cũng đã đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường này”.

Theo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, để đối phó với các rào cản vốn khó lường, Việt Nam cũng cần làm quen với hình thức lobby (vận động hành lang). Mỗi năm Canada chi không dưới 1 tỉ USD để thực hiện lobby tại Mỹ, vì buôn bán hai chiều giữa Canada và Mỹ mỗi ngày khoảng 1,45 tỉ USD.

Thủ tướng Thái Lan cũng đã tuyên bố dành 50 triệu Bath cho việc vận động hành lang để vụ việc kiện tôm cũng không xảy ra… Và thực tế, Thái Lan chỉ bị mức thuế trung bình thấp hơn Việt Nam 10% dù Thái Lan là một trong những nước xuất khẩu tôm vào Mỹ lớn nhất.

 

VOV

Các tin tức khác

>   Thị trường bất động sản Hải Phòng hồi phục (17/08/2009)

>   Công bố 33 thương hiệu nổi tiếng đứng đầu các ngành hàng (17/08/2009)

>   Để nông sản Việt Nam không bị rớt giá (17/08/2009)

>   Thị trường thức ăn nhanh Việt Nam của... nước ngoài (17/08/2009)

>   Nhà máy thủy sản Quảng Ninh đi vào hoạt động (17/08/2009)

>   Giấy thông hành cho “nhân viên quốc tế” (17/08/2009)

>   XK sang Campuchia: Đề phòng lỗ nhỏ gây đắm thuyền (17/08/2009)

>   Ba đề xuất thúc đẩy xuất khẩu (17/08/2009)

>   Việt Nam xuất gì sang Hàn Quốc? (17/08/2009)

>   Mô hình tập đoàn kinh tế: Tiếp tục chờ (17/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật