Thứ Hai, 17/08/2009 08:27

XK sang Campuchia: Đề phòng lỗ nhỏ gây đắm thuyền

Hiện tại, hàng Thái vẫn tràn ngập tại Campuchia. Bà An Chanri, chủ cửa hàng San Sadi chuyên bán hàng kim khí điện máy trên đường 111, chợ Odyssey cho biết: Bán hàng Thái có lời nhiều, đội ngũ “sale” chăm sóc khách hàng tốt. Hiện tại, nồi cơm điện, bếp gas của Thái vẫn bán chạy hơn hàng Việt dù giá cao hơn vì chất lượng được người dùng Campuchia tin cậy từ lâu. Mặt hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng Thái là quạt máy, được bày bán tại đây có nhiều thương hiệu quen thuộc như Asia, Lifan, Hali, Vina…

Báo Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận cuộc tiếp cận với 40 nhà bán lẻ tại Phnom Penh và Battambang (Campuchia) từ 11 – 14.8, cùng đoàn chuyên gia thị trường khảo sát sự cạnh tranh giữa hàng Việt so với hàng Thái và hàng Trung Quốc tại Campuchia do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cùng trung tâm Nghiên cứu người tiêu dùng và doanh nghiệp tổ chức.

Theo bà An Chanri, khi hàng Việt Nam bán chạy, nhiều nhân viên giao hàng tìm cách làm khó dễ đòi bồi dưỡng thêm mới giao hàng, nếu không họ sẽ giao cho nơi khác. Họ ít thân thiện, nhiệt tình và các công ty chính hãng cũng không hề có chế độ bảo hành cho người dùng Campuchia.

Hàng Trung Quốc đang tìm chỗ đứng

Do phải đội thêm chi phí vận chuyển, việc đặt hàng khó khăn phần nào đã hạn chế sự có mặt của hàng Trung Quốc tại Campuchia. Không thấy hiện tượng hàng dệt may Trung Quốc tràn ngập các chợ và cửa hàng như ở Việt Nam do ngành công nghiệp dệt may ở đây phát triển khá mạnh và hàng viện trợ (sida) rất phổ biến, ông Nguyễn Văn Học, giám đốc công ty Nhân Phát, nhà phân phối bánh kẹo Hải Hà, Vinacafé, cho biết thêm: Tại các tỉnh, hàng Trung Quốc cũng thưa thớt. Bà Tim Penh, chủ cửa hàng thực phẩm tại Battambang nhận xét: Vì tập trung đánh vào phân khúc giá rẻ, chất lượng hàng Trung Quốc không cao, người ta chỉ dùng một hai lần rồi không mua nữa, đặc biệt là hàng thực phẩm khó bảo quản chất lượng do thời gian từ đặt hàng đến giao hàng mất hơn hai ba tuần.

Tuy nhiên ông Hang, chủ sạp bán văn phòng phẩm Bun Hy lớn nhất tại chợ Odyssey, cho biết mặt hàng văn phòng phẩm, trước đây lợi thế hoàn toàn thuộc về hàng Việt Nam, thì nay lại đang dần nhường bước cho hàng Trung Quốc do có giá rẻ, mẫu mã đa dạng, thường xuyên thay đổi.

Ông In La chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp lớn nhất tại Battambang cho biết hàng Trung Quốc cũng chiếm thị phần đáng kể trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu nhưng chưa qua mặt được hàng Việt Nam vì tuy giá thấp hơn, nhưng chất lượng kém hơn và không có sự chăm sóc khách hàng tốt như công ty phân bón Bình Điền, công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn (SPC).

Lỗ nhỏ đắm thuyền

Tại các chợ, các tỉnh vùng ven Phnom Penh, hàng Việt thấp cấp, giá rẻ tràn ngập. Đa phần các loại hàng thực phẩm thì bao bì chỉ mập mờ in chữ viết tắt về hạn sử dụng hay ngày sản xuất một cách nhem nhuốc chồng lấn lên nhau. Các mặt hàng gia dụng khác như các loại keo dán đa năng, áo mưa tiện lợi, ống nhựa cao su, hàng nồi chảo nhôm, inox… bán chạy, nhưng trên bao bì sản phẩm chỉ ghi sản xuất tại quận 5 hay quận 11. Sopha Tiang, trước đây cũng từng phân phối hàng Việt cho biết: “Chất lượng của những loại hàng này lần đầu khá tốt, sau kém dần”. Một kiểu làm ăn khác của người Việt Nam cũng được các nhà bán lẻ Campuchia hay than phiền là thường lên giá vô tội vạ, khan hiếm là lên giá, một năm điều chỉnh đến ba bốn lần.

Ông Học cho biết tình trạng bao bì không nhất quán, vài tháng lại thay đổi màu sắc, nhãn hiệu…, sự tín nhiệm chưa hình thành đã lại thay đổi khiến người dùng Campuchia càng bị mù mờ nhập nhằng hơn vì ít có doanh nghiệp Việt Nam nào chú ý đến việc xây dựng hệ thống nhận diện rõ ràng cho thương hiệu của mình, dù là doanh nghiệp lớn.

Một chi tiết cũng khá thú vị, là khi định giá bán tại thị trường Campuchia cũng ít doanh nghiệp quan tâm đến các mệnh giá đồng tiền tại đây. Mệnh giá tiền riel nhỏ nhất là 50 đồng, một viên kẹo của Thái Lan bán ra cho trẻ em đúng mệnh giá này nên rất dễ bán, trong khi một viên kẹo Hải Hà bán ra 70 riel, do không có tiền thối và cũng khó bán được giá 100 riel, nên người bán đành bán 200 riel/ba viên… Vì vậy trẻ em khó mua.

Chính những điều nhỏ nhặt nói trên sẽ làm giảm sức mua của hàng Việt, lỗ nhỏ đắm thuyền là vậy…

Hiện nay Campuchia bắt đầu thúc đẩy phát triển nền sản xuất, từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào hàng hoá nước ngoài. Ông Hang, chủ sạp văn phòng phẩm tại chợ Odyssey cho biết nếu trước đây vào mùa tựu trường mỗi tuần ông đặt hai đến ba ghe hàng tập học sinh (2.000 – 4.000 cuốn) từ Việt Nam sang, nhưng năm nay tập sản xuất tại Campuchia được tiêu thụ mạnh và đang dần thay thế lượng hàng nhập. Các mặt hàng thực phẩm chế biến được nêu rõ made in Cambodia cũng đã hiện diện rất tự tin trên các kệ hàng của các cửa hàng tiện lợi. Những tín hiệu này lại thêm một thách thức cho hàng tiêu dùng Việt Nam, nhưng cũng mở ra thêm cơ hội cho ngành hàng tư liệu sản xuất nếu chúng ta biết đón đầu thời cơ.

Mai Chuyên

Sài Gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Ba đề xuất thúc đẩy xuất khẩu (17/08/2009)

>   Việt Nam xuất gì sang Hàn Quốc? (17/08/2009)

>   Mô hình tập đoàn kinh tế: Tiếp tục chờ (17/08/2009)

>   Thái Lan sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam (17/08/2009)

>   Nhà máy lọc dầu Dung Quất chuẩn bị vận hành 100% công suất (17/08/2009)

>   Khốn đốn vì giá vật liệu “trở chứng” (17/08/2009)

>   Xuất khẩu nhựa sang Trung Đông, châu Phi (17/08/2009)

>   Vận động “Người Việt ưu tiên dùng sữa Việt” (17/08/2009)

>   Sẽ bỏ phân biệt hàng xuất khẩu với hàng nội địa (17/08/2009)

>   Tương lai kinh tế Việt Nam gắn liền với cảng biển? (16/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật