Thứ Hai, 17/08/2009 08:14

Ba đề xuất thúc đẩy xuất khẩu

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (NCEIF) vừa đề xuất 3 kiến nghị chính sách để thúc đẩy xuất khẩu trong năm nay.

Trái với kỳ vọng của Bộ Công thương về việc xuất khẩu sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm nay, NCEIF chỉ đưa ra dự báo rằng, kim ngạch xuất khẩu trong năm nay sẽ chỉ đạt 58,7 - 61,3 tỷ USD, tức là giảm 2,2 - 6,4% so với năm 2008. Lý giải cho nhận định trên, ông Lê Đình Ân, Giám đốc NCEIF cho biết, dự báo về triển vọng xuất khẩu của NCEIF được đưa ra dựa trên các yếu tố chính là xu thế xuất khẩu của Việt Nam được hình thành trong nhiều năm gần đây và khả năng phục hồi của kinh tế thế giới nói chung và từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam nói riêng.

“Xu thế chung trong nhiều năm gần đây là tỷ trọng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam thường chiếm 45-47% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm, còn tỷ trọng trong 6 tháng cuối năm thường chiếm 53-55%. Dựa trên xu hướng này, ước tính kim ngạch xuất khẩu trong năm nay chỉ ở mức 58,7 - 61,3 tỷ USD”, ông Ân nói và cho rằng, nếu tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục và Chính phủ điều hành công tác xuất khẩu một cách quyết liệt, thì kim ngạch xuất khẩu năm 2009 có thể đạt cao hơn, thậm chí có thể bằng năm 2008.

Nghĩa là, theo quan điểm từ NCEIF, ở mức khả quan nhất, thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay cũng chỉ có thể tăng trưởng 0%. Điều này là khá thống nhất với quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bởi khi báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm nay chỉ đạt mức 62,7 tỷ USD, tương đương năm 2008.

Trên thực tế, sau kết quả xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm, với tổng kim ngạch khoảng 32,3 tỷ USD, giảm tới 13,4% so với cùng kỳ năm trước, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, ngay cả để đạt được mức tăng trưởng không âm cũng không phải là dễ dàng, bởi trong 5 tháng cuối năm, phải xuất khẩu được 30 tỷ USD (trung bình 6 tỷ USD/tháng). Còn muốn vươn tới con số tăng trưởng 3%, mỗi tháng, kim ngạch xuất khẩu ít nhất phải đạt 6,45 tỷ USD.

Nếu dự báo của NCEIF thực sự xảy ra (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và cả Tổng cục Thống kê cũng đã từng dự báo xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng âm - PV), thì năm 2009 là năm đầu tiên xuất khẩu có mức tăng trưởng âm, kể từ khi đất nước bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới vào năm 1986. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính châu á năm 1997 - 1998, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tuy sụt giảm, song vẫn ở mức dương (năm 1998 - năm tăng trưởng xuất khẩu thấp nhất cũng đạt 1,8%).

Tuy vậy, ông Ân vẫn cho rằng, xét trong bối cảnh hiện nay, mức sụt giảm này là tương đối ít so với mức sụt giảm của các nền kinh tế khác. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 22% so với cùng kỳ năm 2008. Còn Thái Lan, trong 5 tháng đầu năm, cũng đã giảm tới 23%... Trước thực tế trên, trong báo cáo về triển vọng xuất khẩu năm 2009 vừa được gửi tới các cơ quan chức năng, NCEIF đã đề xuất 3 kiến nghị chính sách để thúc đẩy xuất khẩu.

Trước hết, đó là chính sách tỷ giá. Theo NCEIF, gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái được đánh giá là khá tích cực, đó là mở rộng biên độ dao động tỷ giá lên 5%. Thực chất, đây là một hình thức điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ có kiểm soát một cách từ từ. Động thái này làm giá trị đồng Việt Nam gần sát hơn với giá trị thực mà không gây biến động lớn đối với nền kinh tế. “Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều chỉnh tỷ giá dần dần theo cách này, tiếp tục mở rộng biên độ dao động lên 6%, rồi 7% vào những thời điểm được tính toán cẩn thận, tránh gây những cú sốc bất lợi cho toàn bộ nền kinh tế”, ông Ân nói.

Cùng với đó, phải đa dạng hóa sử dụng ngoại tệ. Phân tích về đề xuất này, các chuyên gia NCEIF cho rằng, Nhà nước cần có các quy định và chế tài cụ thể để đa dạng hóa việc sử dụng các ngoại tệ khác trong giao dịch xuất khẩu, tránh việc tập trung quá mức vào đồng USD như hiện nay, dẫn tới căng thẳng trong cung ứng USD, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.

Liên quan đến kiến nghị chính sách thứ ba, ông Ân cho rằng, Chính phủ nên dành một phần trong gói kích thích kinh tế để hỗ trợ tín dụng trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu. “Những doanh nghiệp chứng minh được là đã hoàn thành giao hàng và đang làm thủ tục thanh toán sẽ nhận được sự hỗ trợ này. Chính phủ có thể bảo lãnh cho các khoản thanh toán này, để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Ân đề xuất.

Hà Nguyễn

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Việt Nam xuất gì sang Hàn Quốc? (17/08/2009)

>   Mô hình tập đoàn kinh tế: Tiếp tục chờ (17/08/2009)

>   Thái Lan sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam (17/08/2009)

>   Nhà máy lọc dầu Dung Quất chuẩn bị vận hành 100% công suất (17/08/2009)

>   Khốn đốn vì giá vật liệu “trở chứng” (17/08/2009)

>   Xuất khẩu nhựa sang Trung Đông, châu Phi (17/08/2009)

>   Vận động “Người Việt ưu tiên dùng sữa Việt” (17/08/2009)

>   Sẽ bỏ phân biệt hàng xuất khẩu với hàng nội địa (17/08/2009)

>   Tương lai kinh tế Việt Nam gắn liền với cảng biển? (16/08/2009)

>   Thúc đẩy hợp tác thương mại ASEAN và đối tác (16/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật